Sự kiện hot
3 năm trước

Bản tin bất động sản 21/4: Chuyên gia chỉ ra nhiều nghịch lý trong đấu giá đất

Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Xuống tiền vào bất động sản thời điểm này có dễ kiếm lời?; chuyên gia chỉ ra nhiều nghịch lý trong đấu giá đất; Dân tự ý cắm cọc, tách thửa, chuyển nhượng đất trong khu vực dự án tại tỉnh Kon Tum;…

Chuyên gia chỉ ra nhiều nghịch lý trong đấu giá đất

Rà soát đấu giá quyền sử dụng đất: Bộ Tư pháp nêu rõ những “điểm vướng”
Ảnh minh họa.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp, cho rằng quy định pháp luật và việc áp dụng các quy định về việc nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất này tại các địa phương đang không thống nhất. Như Thanh Hóa, Ninh Bình... quy định người trúng đấu giá phải nộp tiền trúng đấu giá trong 30 ngày, Vĩnh Phúc quy định thời hạn này là 20 ngày.

Một số địa phương khác như Hà Nội, Nghệ An, TP. HCM căn cứ theo Nghị định số 126/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế thì quy định chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo và chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại.

Ngoài ra, một số tỉnh khác lại căn cứ theo đối tượng, đối với cá nhân, hộ gia đình thì thời hạn nộp tiền trúng đấu giá là 30 ngày, đối với doanh nghiệp là 90 ngày. 

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, khi công bố thành lập TP. Thủ Đức, thị trường bất động sản trở nên rất sôi động, thu hút các nhà đầu tư trên cả nước đến các vùng này. Đồng thời, giao dịch cũng rất tăng trưởng, giá trị bất động sản tăng lên rất nhanh. 

Giá trị đất đai tăng nhanh chóng nhưng thực tế đầu tư khu vực này thì chưa cải thiện nhiều. Đó là một nghịch lý, giá trị bất động sản chỉ tăng khi có hoạt động đầu tư.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM, vấn đề quan trọng không phải là đất vàng mà là đất vàng có dự án. Đất vàng không có đầu tư, suất đầu tư thấp thì đất vàng đó cũng không có giá trị gì.

Ông Lê Hoàng Châu cho hay hiện Luật Đấu giá tài sản áp dụng chung cho các loại tài nhưng khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất là đất công thì cần có quy định riêng. Điểm vướng mắc là giá khởi điểm đấu giá, cần giải quyết bất cập và cũng cần sửa luật đấu giá, sửa thời gian nộp hồ sơ, xử lý vi phạm hợp đồng đấu giá.

Dân tự ý cắm cọc, tách thửa, chuyển nhượng đất trong khu vực dự án tại Kon Tum

Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản về việc rà soát tình trạng phân lô, tách thửa, chuyển nhượng nhà, đất trong khu vực triển khai thực hiện dự án trên địa bàn TP Kon Tum.

https://cdn.vietnammoi.vn/1881912202022777/images/sot-dat-kon-tum-20220420160408249.jpg?width=700
Thị trường nhà đất Kon Tum sôi động thời gian qua. (Ảnh minh họa: Báo Kon Tum).

Theo đó, ngày 4/4, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh này đã có văn bản báo cáo về tình trạng chuyển nhượng nhà, đất trên trong khu vực đang triển khai thực hiện dự án thuộc địa bàn phường Trần Hưng Đạo.

Cụ thể, qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế tại khu vực nêu trên, cơ quan chức năng phát hiện người dân tự ý cắm cọc, rải cấp phối mặt đường, thực hiện việc tách thửa, phân lô, chuyển nhượng đất tại khu vực đang triển khai thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi quốc lộ 24. 

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND TP Kon Tum tổ chức kiểm tra việc tách thửa, phân lô, chuyển nhượng tại các dự án trên địa bàn để kịp thời xử lý; chỉ đạo chấn chỉnh việc tách thửa, phân lô. Từ đó, tránh việc trục lợi từ các dự án, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo và công tác kiểm tra thực địa trên địa bàn Chư Hreng, Ngok Bay, Đăk Cấm, Đăk Rơ Wa, Hòa Bình, Vinh Quang, Ngô Mây, Trần Hưng Đạo…, TP Kon Tum đã phát hiện một số đối tượng đã mua đất nông nghiệp, thực hiện tách thửa, phân lô trên thực địa và bán lại nhưng không lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền mà chỉ viết giấy tờ tay, thỏa thuận giữa bên mua, bên bán.

Đây là việc làm trái quy định, gây nảy sinh tranh chấp, khiếu nại về đất đai, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và quyền lợi của người dân khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc thực hiện phân lô, tự ý mở đường giao thông trong thửa đất mà không có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền còn gây ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất thành phố, không phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai tại địa phương này.

Xuống tiền vào bất động sản thời điểm này có dễ kiếm lời?

Xuống tiền vào bất động sản thời điểm này có dễ kiếm lời?
Ảnh minh họa.

Cơn sốt đất lặp lại khiến giá bất động sản liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Giá đất tăng thậm chí theo cấp số nhân. Một số nhà đầu tư chia sẻ lại rằng, có lô đất hỏi mua được rao bán 1 tỷ thì đến hiện tại, giá nhìn chung tăng 20-30%. Lo ngại mua ở đỉnh thị trường là tâm lý của không ít nhà đầu tư.

Đặt trong bối cảnh hiện tại, nguy cơ lạm phát tăng cao, siết tín dụng ngân hàng vào bất động sản cộng hưởng cùng ám ảnh về một chu kỳ đi xuống lặp lại, một số nhà đầu tư lo ngại: Có nên xuống tiền ở thời điểm hiện tại? Liệu rằng việc xuống tiền hiện nay có gặp quá nhiều rủi ro xảy ra?

Theo ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro, với nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ vẫn vào tiền dù giá bất động sản tăng nhiều năm nay. Ông Thành cho rằng, lý do họ tiếp tục đầu tư vì họ cho rằng, giá còn tăng nữa, vẫn có thể kiếm lời. Họ dự đoán được thị trường khi nào đi xuống nên họ tự tin xuống tiền.

Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc lạm phát cao, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó để đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn, tránh thiệt hại do trữ tiền mặt nhàn rỗi.

Ngoài ra, tình hình lạm phát biến động trượt giá làm giá bất động sản tiếp tục tăng lên, tác động tiêu cực đến thanh khoản của thị trường, nơi vốn không có hàng rẻ, vì mọi thứ đều bị đẩy giá lên đỉnh điểm.

HoREA đề nghị gỡ vướng cho nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội là gì? Những lưu ý về quy định và điều kiện mua!
Ảnh minh họa.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội - hai phân khúc đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người dân.

Nhà ở bình dân chỉ chiếm 1% tổng sản phẩm mới ra mắt trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021, trong khi nhà ở cao cấp chiếm đến 74%, dẫn đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và bất động sản chưa tương xứng với tiềm năng.

Cung không đủ cầu khiến giá nhà đang cao hơn 20 lần thu nhập trung bình của xã hội. HoREA cho biết chỉ số này ở các nước phát triển chỉ khoảng 6-7 lần.

Do đó, hiệp hội kiến nghị các địa phương đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên đấu thầu dự án cho thuê đối với các phần diện tích đất công thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được quy hoạch để phát triển khu lưu trú công nhân, khu nhà ở chuyên gia.

Mặt khác, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có thể được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án, hoặc hoán đổi 20% quỹ đất này bằng số lượng nhà ở xã hội, diện tích đất ở tương đương.

Các doanh nghiệp cũng nên được phép đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ nhằm tăng nguồn cung.

Đồng Nai: Rà soát, xử lý việc cấp, sử dụng khu đất vàng của HTX Gò Me

Ngày 20/4, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản chỉ đạo Sở TN-MT, UBND TP Biên Hòa, UBND phường Thống Nhất phối hợp cùng Đoàn Thanh tra tỉnh Đồng Nai rà soát, làm rõ những nội dung trong kết luận Thanh tra và nội dung kiến nghị của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Nông nghiệp Gò Me (HTX Gò Me) theo đúng quy định. 

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ðồng Nai, Sở TN-MT làm đầu mối tổng hợp kết quả kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 28/4 và đề xuất hướng xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng Nai: Rà soát, xử lý việc cấp, sử dụng khu đất vàng của HTX Gò Me - 1
Một góc khu đất của Hợp tác xã Gò Me. 

Trước đó, Thanh tra tỉnh Đồng Nai kết luận việc cấp 73 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ gia đình, cá nhân là vi phạm điều 50 Luật Ðất đai 2003 và điều 100 Luật Ðất đai 2013.

Diện tích đất do HTX Gò Me trực tiếp quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, chưa phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Kết luận thanh tra cho rằng hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất, nguồn gốc đất theo quy định nên không đủ điều kiện để xem xét. Vì vậy UBND TP Biên Hòa đã cấp 73 sổ hồng cho hộ gia đình, cá nhân là vi phạm Luật Đất đai.

UBND TP Biên Hòa cùng HTX Gò Me kiểm tra, rà soát hiện trạng, xử lý 73 sổ hồng đã cấp trái quy định; đánh giá lại nhu cầu sử dụng đất của HTX, nếu cần thiết thì xem xét thu hồi những phần đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

Sở TN-MT tỉnh Ðồng Nai đang tiến hành làm việc với các bên liên quan để xem xét lại việc sử dụng đất không đúng mục đích.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: