Sự kiện hot
3 năm trước

Bản tin bất động sản 24/3: Tăng cường công tác quản lý đất đai

Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Tập trung xây dựng,hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, kiến trúc; Quy hoạch đất đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững;…

Quy hoạch đất đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững

Quy hoach su dung dat dap ung muc tieu phat trien ben vung hinh anh 1
Ảnh minh họa

Trên cơ sở các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Đồng thời, Bộ tổ chức thực hiện xây dựng chiến lược sử dụng đất cấp quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, trong đó có tính đến xây dựng chiến lược sử dụng đất theo các vùng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã khẩn trương lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (quy hoạch quốc gia đầu tiên được phê duyệt theo Luật quy hoạch)

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021-2025) cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an..

TP Hồ Chí Minh: Cần chính sách hấp dẫn đầu tư nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, chỉ tiêu phát triển NƠXH trong danh mục của TP là 47 dự án, trong đó, 10 dự án NƠXH sử dụng quỹ đất ở 20%.

NƠXH có vai trò rất lớn trong việc giải quyết bài toán di dân và quy hoạch đô thị.
NƠXH có vai trò rất lớn trong việc giải quyết bài toán di dân và quy hoạch đô thị.

TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt kế hoạch phát triển NƠXH ở TP giai đoạn 2021 – 2025. Chỉ tiêu giai đoạn này dự kiến phát triển 2.500.000m2 sàn xây dựng NƠXH, tương đương 35.000 NƠXH (bao gồm cả nhà lưu trú cho công nhân và ký túc xá sinh viên). Trong đó, diện tích sàn NƠXH cho thuê phấn đấu đạt tối thiểu 500.000m2 sàn (chiếm tỉ lệ 20% diện tích NƠXH).

Định hướng khu vực phát triển NƠXH theo kế hoạch như sau: Khu vực trung tâm hiện hữu (Quận 1, 3), nếu có quỹ đất thì để thuận lợi cho việc di dời, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn.

Khu vực nội thành hiện hữu gồm; Quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú tiếp tục thúc đẩy việc phát triển NƠXH, trong đó kêu gọi đầu tư phát triển 2 dự án NƠXH phục vụ cho công nhân với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 29.448m2, tương ứng khoảng 370 căn hộ.

Khu vực nội thành phát triển gồm Quận 7, 12, Bình Tân và TP Thủ Đức khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các dự án NƠXH. Trong đó, khu vực Quận 7, 12, Bình Tân kêu gọi đầu tư phát triển 5 dự án NƠXH cho công nhân với tổng diện tích sàn xây dựng mới khoảng 290.177m2 sàn, tương đương khoảng 3.955 căn hộ. Tại TP Thủ Đức kêu gọi đầu tư phát triển 5 dự án NƠXH cho công nhân với tổng diện tích sàn xây dựng mới khoảng 220.436m2, tương ứng khoảng 4.352 căn.

Khu vực huyện ngoại thành gồm; huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các dự án NƠXH, trong đó kêu gọi đầu tư phát triển 8 dự án NƠXH phục vụ cho công nhân với tổng diện tích sàn xây dựng mới khoảng 546.170m2 sàn, tương ứng khoảng 9.594 căn hộ.

Song song chương trình phát triển NƠXH, giai đoạn này TP cũng thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị với mục tiêu hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà ven, kênh rạch với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 19.300 tỉ đồng. Các dự án này đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, đáng chú ý có nhóm 3 dự án giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường kết hợp di dời nhà ven, trên kênh rạch với 3.220 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 12.530 tỉ đồng.

Cụ thể, dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp), với tổng mức đầu tư dự kiến 9.350 tỉ đồng; dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) 1.980 tỉ đồng; dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) 1.200 tỉ đồng.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc

Hoàn thiện chính sách pháp luật về quy hoạch, kiến trúc là nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 (Ảnh minh họa: Internet)

Theo đó, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ, tập trung triển khai công tác tổng kết thực tiễn để xây dựng kế hoạch tổng thể về tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, quy hoạch, kiến trúc, đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị đảm bảo tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Vụ Quy hoạch – Kiến trúc trong thời gian tới sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn; góp phần bổ sung các cơ chế chính sách thu hút nguồn nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, khu vực nông thôn theo quy hoạch.

Trong năm 2022, một số nhiệm vụ cần thực hiện trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, cụ thể: Vụ Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục rà soát, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về quy hoạch xây dựng; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị - nông thôn. Đồng thời, rà soát để sửa đổi bổ sung Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù; Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn.

Triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng phát triển kiến trúc Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1120/QĐ-BXD ngày 08/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về Kế hoạch triển khai Định hướng phát triển kiến trúc Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoàn thiện hướng dẫn về phương pháp quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng quy hoạch tích hợp và nâng cao năng lực thực hiện theo hướng dẫn của Luật Quy hoạch năm 2017.

Chuyên gia giải mã những cơn sốt đất đang lan rộng

Tại tọa đàm "Giải mã những cơn sốt đất và cơ hội cho năm 2022" diễn ra ngày 22/3, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở của CBRE Việt Nam - cho biết, giá bất động sản, đặc biệt giá đất nền tiếp tục tăng ở nhiều khu vực. Theo quan sát của ông, tình trạng này xuất hiện và bắt đầu lan rộng hơn rất nhiều. Ghi nhận từ cuối năm 2021 đến đầu năm nay, giá đất tăng và sốt đất xảy ra ở các khu vực lân cận TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai..., sau đó đã lan rộng ra Bình Phước, Tây Ninh và cả khu vực miền tây như Đức Hòa, Bến Lức của Long An.

Hiện nay, theo ông Kiệt, khu vực Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc của Bình Thuận đã xảy ra những cơn sốt đất cục bộ. Ở những vùng xa hơn như Bảo Lộc, Lâm Đồng và Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tình trạng cũng tương tự. Tại khu vực miền Trung, miền Bắc cũng đều xuất hiện những cơn sốt đất.

Chuyên gia giải mã những cơn sốt đất đang lan rộng - 1
Giá đất ở nhiều nơi tăng cao. Một khu đất đấu giá lúa mọc xanh rì vẫn được "hét" giá cao ngất ngưởng (Ảnh: Xuân Sinh).

Vậy đâu là nguyên nhân, yếu tố gì đang tạo nên cơn sốt đất? Theo lý giải của ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, thứ nhất, hai năm nay, mặc dù kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng nhìn chung phát triển ở mức ổn định. Bên cạnh đó, rất nhiều kế hoạch đầu tư hạ tầng, quy hoạch, kế hoạch triển khai dự án được các địa phương công bố.

Chính những yếu tố thông tin quy hoạch, kế hoạch triển khai khiến các nhà đầu tư chú ý, rót tiền để đi theo chiến lược đón đầu. Giá đất từ đó bị đẩy lên rất cao, ông Kiệt cho hay.

Ngoài ra, theo ông, tình trạng sốt đất còn do vừa qua nhiều địa phương mở rộng đầu tư phát triển khu công nghiệp, thu hút nguồn vốn FDI, đầu tư vào phát triển du lịch.... Những kỳ vọng từ các động thái này đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư, khiến họ tập trung tìm kiếm các quỹ đất, các kênh đầu tư làm sao để tận dụng được các yếu tố phát triển kinh tế.

Một nguyên nhân quan trọng khác được ông Kiệt đề cập tới đó là tình hình lạm phát tăng, nhà đầu tư tăng nhu cầu tìm kiếm kênh giữ tài sản. Bất động sản là kênh đầu tiên được nhiều người nghĩ đến. Đất nền lại có ưu điểm vì thanh khoản tốt mà giá trị đầu tư không cao.

Siết chặt quản lý thuế trong chuyển nhượng bất động sản

Siết chặt quản lý thuế trong chuyển nhượng bất động sản. Ảnh minh hoạ: Danh Lam – TTXVN

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) Lý Thị Hoài Hương cho biết, việc quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản hiện nay gặp nhiều khó khăn, do liên quan đến rất nhiều Luật cũng như nhiều cơ quan ban, ngành và ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao.
Theo bà Lý Thị Hoài Hương, cơ quan quản lý thuế đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Bởi, theo quy định pháp luật về thuế, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều trở ngại.
Thêm vào đó, quy định về thời hạn liên thông giải quyết thủ tục hành chính đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản đối với cơ quan thuế là 5 ngày làm việc. Trong khi hồ sơ đến cơ quan thuế thường sát ngày hẹn trả kết quả, hoặc chậm dẫn đến áp lực rất lớn về thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ tài chính về đất.
Quan trọng hơn, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản nên sẽ tạo khoảng trống pháp lý để các tổ chức cá nhân, kê khai nộp thuế thấp hơn giá trị giao dịch thực tế.

Hạ tầng - kinh tế đưa bất động sản Uông Bí phát triển.

Khoảng 5 năm trở lại đây, Quảng Ninh là một trong những thị trường bất động sản hấp dẫn với sự sôi động cả về lượng giao dịch lẫn giá bán. Đây là kết quả từ hai bệ phóng vững chắc là tốc độ tăng trưởng kinh tế và các công trình giao thông trọng điểm được triển khai. Từ đó, nhiều khu vực tại Quảng Ninh đã tăng trưởng về giá bất động sản, tiêu biểu có thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, huyện đảo Vân Đồn.

Tại thành phố Hạ Long thời điểm đầu năm nay ghi nhận mức giá bất động sản tăng ở một số khu vực như đất nền Khu đô thị Cột 3 - Cột 5 - Cột 8 (phường Hồng Hà) giá dao động 80 - 100 triệu/m2; liền kề dự án La Emera Khe Cá giai đoạn 2 (phường Hà Phong) được chào bán từ 90 - 100 triệu/m2… Xa trung tâm hơn, những lô đất nền ở dự án Hà Khánh A cũng có giá trong khoảng 40 - 60 triệu/m2.

Ngay cạnh đó, công trình đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả khi đi vào hoạt động góp phần tác động đến giá bất động sản tại thành phố Cẩm Phả, giá đất tại những vị trí đẹp có thể lên tới 50 - 65 triệu/m2.

Còn riêng với Vân Đồn, dù chưa lên thành phố nhưng quy hoạch khu kinh tế đã tác động giá bất động sản khu vực này, có dự án đất nền giá chạm ngưỡng 50 - 70 triệu/m2.

Trong khi đó, tại thành phố Uông Bí, giá đất nền thuộc một số dự án khu đô thị đang ở mức khá thấp, có nơi giá từ 19,5 triệu/m2 đến 26 triệu/m2.

Hạ tầng - kinh tế đưa bất động sản Uông Bí phát triển - 1
Các chuyên gia nhận định bất động sản Uông Bí còn nhiều dư địa tăng giá (Ảnh: Uông Bí New City).

Thành phố Uông Bí hút nhiều nhà đầu tư "đón sóng" tìm đến trước nhịp tăng trưởng mới với những xung lực từ phát triển kinh tế và kiện toàn hệ thống hạ tầng giao thông.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: