Sự kiện hot
11 năm trước

Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung: Siết chặt quản lý, chống chuyển giá

Dự thảo nghị định (NĐ) hướng dẫn Luật Quản lý thuế (QLT) sửa đổi, bổ sung đang được hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành.

Dự thảo nghị định (NĐ) hướng dẫn Luật Quản lý thuế (QLT) sửa đổi, bổ sung đang được hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành.

Trao đổi với Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Vũ Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, cho biết, khi luật mới có hiệu lực (ngày 1-7-2013), sẽ có nhiều quy định được áp dụng nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế…

- Dự thảo NĐ hướng dẫn Luật QLT được cộng đồng DN kỳ vọng sẽ có nhiều đổi mới, khắc phục những bất cập trong việc thực thi pháp luật thuế. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?

- Dự thảo NĐ hướng dẫn Luật QLT sửa đổi có 9 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, gồm quản lý rủi ro, chế độ ưu tiên, xác định trước mã số trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế, áp dụng công nghệ thông tin trong QLT... Một trong những điểm nổi bật được nêu tại NĐ là việc kê khai thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh việc quy định rõ về tiền phạt chậm nộp, gia hạn thời gian nộp thuế, thẩm quyền ấn định thuế, trách nhiệm cơ quan thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế… việc trao đổi thông tin với cơ quan nước ngoài và kiểm tra thuế sẽ được quy định chi tiết hơn nhằm bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện. NĐ mới cũng sửa đổi một số nội dung nhằm khắc phục vướng mắc phát sinh trong thực tế, như thủ tục tạm ngừng kinh doanh, đăng ký thuế, khai thuế, đồng thời quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước. Một số quy định về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; kiểm tra, thanh tra thuế cũng được quy định chi tiết nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế.


Người dân tới nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: Thanh Hải

- Theo quy định tại Luật QLT sửa đổi, DN tuân thủ tốt sẽ được hưởng nhiều ưu tiên. Vậy, DN cần lưu ý gì khi NĐ mới có hiệu lực?

- Một trong những điểm nổi bật của Luật QLT sửa đổi là xây dựng cơ chế quản lý rủi ro trong từng khâu nhằm đưa ra biện pháp quản lý chặt chẽ với người nộp thuế có rủi ro cao và có biện pháp ưu tiên với DN tuân thủ tốt pháp luật thuế. Bên cạnh đó, sẽ áp dụng nhiều ưu đãi về thủ tục thuế với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phân loại người nộp thuế để có biện pháp quản lý phù hợp. Người nộp thuế ở những lĩnh vực, địa bàn có độ rủi ro thấp, có lịch sử tuân thủ pháp luật tốt sẽ được áp dụng chế độ ưu tiên trong thực hiện thủ tục hành chính thuế.

Về tần suất kê khai thuế, những quy định mới sẽ được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế quy mô nhỏ được quyền lựa chọn kê khai thuế GTGT theo quý thay vì theo tháng như hiện nay. Toàn bộ nội dung liên quan đến việc kê khai các loại thuế sẽ được ngành thuế rà soát, bảo đảm phù hợp với thực tế, giảm hơn nữa thủ tục hành chính về thuế nhưng vẫn phù hợp với pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, sẽ giảm thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế, quy định rõ hơn thời gian hoàn trả các khoản thuế nộp thừa và thời gian giải quyết hoàn thuế. NĐ mới cũng quy định cụ thể hơn nữa trách nhiệm của cơ quan QLT trong việc kiểm tra hoàn thuế. Đặc biệt, để hạn chế các trường hợp bị cưỡng chế thuế và tạo điều kiện giúp DN tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, NĐ mới cũng quy định chi tiết các trường hợp được phép nộp dần tiền thuế…

- Được biết, Luật QLT sửa đổi sẽ bổ sung những quy định nhằm siết chặt quản lý, chống chuyển giá - một trong những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo ông, ngành chức năng sẽ có biện pháp gì để quản lý việc này hiệu quả?

- Một trong những sửa đổi của Luật QLT được nêu tại NĐ là cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA). Đây là một trong những biện pháp bổ sung nhằm chống chuyển giá. So với việc kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá, việc áp dụng APA sẽ đạt hiệu quả do các bên liên quan cùng hợp tác để đạt thỏa thuận chung. Hơn nữa, APA có nhiều điểm thuận lợi như giảm chi phí tuân thủ thuế, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ chứng từ, giúp cơ quan thuế chủ động hơn trong việc thu thuế, đồng thời tạo sự chủ động cho DN trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế…

Xin cảm ơn ông!

Hương Ly
theo HNM

Từ khóa: