Sự kiện hot
2 năm trước

Bản tin Bất động sản 24/4: Biện pháp để kiểm soát cơn sốt đất

Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: làn sóng đầu tư bất động sản đang tiến về Hải Phòng; biện pháp để kiểm soát cơn sốt đất; Đà Nẵng mạnh tay xử lý những dự án chậm triển khai…

Biện pháp để kiểm soát cơn sốt đất

Chặn đứng cơn sốt đất - Ảnh 1.
Ảnh minh họa.

Mấy năm trở lại đây, thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đã xảy ra tình trạng các cá nhân tự ý thu gom đất đai, sau đó xin chuyển đổi mục đích để phân lô, bán nền. Nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất rừng đã bị băm nát.

Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền các địa phương như Hà Nội, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc,… đã đồng loạt ra văn bản chỉ đạo, tạm dừng cấp quyền sử dụng đất để chặn phân lô, bán nền.

Trong đó, TP. Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất có đất ở và đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở; chỉ tiếp nhận, giải quyết với đất ở đảm bảo theo quy định pháp luật hiện hành.

Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân, nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có.

Còn UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu, điểm dân cư mới tại nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, sau khi báo chí liên tục phản ánh về việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản quy định trên địa bàn…

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các Cục Thuế, điều tra xử nghiêm hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế, nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách Nhà nước.

Hiện tại, ngành thuế tại nhiều địa phương như Lâm Đồng, Hà Nội đã xây dựng đề án chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn. Trong đó, tập trung thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát các giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Khi có dấu hiệu trốn thuế, cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Nếu đủ chứng cứ sẽ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.

Với các giải pháp trên, dù là trước mắt, từ phía chính quyền, cũng như của các ngân hàng, hy vọng rằng, tình trạng bát nháo, sốt nóng trong lĩnh vực đất đai hiện nay sẽ được khắc phục. Những người dân, có nhu cầu thực sự về đất ở, có thể tìm được một mảnh đất phù hợp với khả năng tài chính của mình, thay vì cứ phải chạy theo mức giá trên trời từ phía các “cò” đất.

Làn sóng đầu tư bất động sản đang tiến về Hải Phòng

Sáng 23-4, UBND TP Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo "Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón làn sóng đầu tư bất động sản".

Hải Phòng đón làn sóng đầu tư bất động sản - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó có những quy định liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật đất đai, Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản nhằm, nhằm đón đầu làn sóng đầu tư bất động sản tại Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung .

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết trong những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng phát triển cao, đặc biệt từ 2015 đến nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng ở mức 14-15%/năm. Thu ngân sách tăng trưởng đột biến so với các năm trước. Trong đó, thu nội địa hơn 30.000 tỉ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên 60.000 tỉ đồng. Từ đó, TP có điều kiện đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cầu đường…, đặc biệt khu vực nội đô.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đến Hải Phòng đầu tư xây dựng các khu đô thị chất lượng cao như khu đô thị ven sông Lạch Tray, ven sông Cấm… Những năm tới, cơ hội đầu tư vào bất động sản TP còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu.

"Hải Phòng sẵn sàng đón các nhà đầu tư về thành phố đầu tư. TP muốn lắng nghe các vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để thành phố có những cải tiến nhằm phát triển hơn nữa" - ông Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để thúc đẩy tiềm năng bất động sản, đầu tiên phải làm tốt công tác quy hoạch. Thời gian qua, TP Hải Phòng rất quan tâm đến công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, đất đai. Tuy nhiên, đến nay nhiều điểm quy hoạch của TP cần được điều chỉnh để cập nhật tình hình mới, tiếp tục thu hút đầu tư và tạo ra sự phát triển mới.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị TP Hải Phòng cần tiếp tục có rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng mà thành phố đang có, trong đó có bất động sản. Thứ 2 là quan tâm đến công khai minh bạch thông tin quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai dự án, nhất là dự án hạ tầng, bất động sản, tránh hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ đẩy giá trục lợi bất hợp pháp như đã xảy ra ở một số địa phương khác. TP Hải Phòng cần kiểm soát tốt tình hình bất động sản để bảo đảm thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Đà Nẵng mạnh tay xử lý những dự án chậm triển khai

Đà Nẵng: Mạnh tay với các dự án trên
Ảnh minh họa.

Ngày 23/4, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp và Khu công nghệ cao Tp.Đà Nẵng vừa có buổi làm việc về công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị cùng ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Tp.Đà Nẵng.

Theo ông Sơn, tình hình sản xuất, kinh doanh trong và ngoài các khu công nghiệp và Khu công nghệ cao đã cơ bản ổn định trở lại. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng khá, có doanh nghiệp tăng trưởng vượt mức so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng quý I/2022, đơn vị cấp mới chứng nhận đầu tư cho 9 dự án. Trong đó, 2 dự án FDI với tổng mức đầu tư 5,04 triệu USD, 7 dự án trong nước vốn đầu tư đăng ký gần 1.199 tỷ đồng. Ông Sơn cũng đề nghị UBND Tp.Đà Nẵng có chủ trương giảm tiền thuê đất doanh nghiệp trong năm 2022 và 2023.

Thời gian qua, Thành phố này chú trọng giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp nhưng việc sử dụng đất tại đây chưa hiệu quả. Công tác thu hút đầu tư chưa tương xứng với những gì Thành phố này đầu tư vào các khu công nghiệp.

Do đó, Ban quản lý Các khu công nghiệp và Khu công nghệ cao Tp.Đà Nẵng cần tập trung xác định chương trình hành động cụ thể để thực hiện hiệu quả các mặt công tác.

Riêng công tác quy hoạch, xây dựng khu công nghiệp mới, Ban cần lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và chủ động xúc tiến đầu tư, kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào các khu công nghiệp cũng như sử dụng hiệu quả quỹ đất trong các khu công nghiệp.

Đặc biệt, ông Quảng đề nghị cương quyết xử lý những dự án chậm triển khai trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp. “Thu hồi ngay đối với những doanh nghiệp không triển khai, rất lãng phí”, vị Bí thư Tp.Đà Nẵng nhấn mạnh.

Du lịch phục hồi, giới siêu giàu gia tăng, BĐS nghỉ dưỡng hút đầu tư

Nghiên cứu toàn cầu của Savills gần đây cho thấy, Việt Nam hiện nằm trong số 10 quốc gia tăng trưởng BĐS hàng hiệu nhanh nhất trên thế giới. Kể từ năm 2017, nguồn cung tại Việt Nam đã tăng trung bình mỗi năm 11% lên hơn 2.200 căn từ 24 dự án vào quí I-2021.

Du lịch phục hồi, giới siêu giàu gia tăng, BĐS nghỉ dưỡng hút đầu tư

Giá bán BĐS nghỉ dưỡng tăng mạnh, đặc biệt là các dự án cao cấp tại các "thủ phủ" du lịch như Khánh Hòa, Kiên Giang, Đà Nẵng, Quảng Ninh…. BĐS nghỉ dưỡng hàng hiệu vẫn trên đà tăng trưởng mạnh nhờ các chính sách thu hút đầu tư và du lịch. Các đơn vị vận hành danh tiếng thế giới có mặt tại Việt Nam như Marriott International, Minor Hotels, Accor, Ascott, Carlson Rezidor, Fusion Group… càng góp phần nâng cấp chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng nội địa .

Kỳ vọng tăng trưởng của BĐS hàng hiệu cũng đi liền với tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu ở Việt Nam. Theo khảo sát của Savills, số người siêu giàu của Việt Nam đạt khoảng 19.500 người vào năm 2020, tăng 6% mỗi năm kể từ 2015. Đến năm 2025, con số này ở nước ta sẽ đạt trên 25.800, đứng thứ tư ở Đông Nam Á sau Thái Lan, Indonesia và Singapore.

Các báo cáo về nhu cầu du lịch hậu Covid-19 tương đối lạc quan đã tạo động lực cho mô hình BĐS nghỉ dưỡng đón những cơ hội mới. Báo cáo xu hướng du lịch toàn cầu 2022 cho thấy, mọi người đang mong chờ nhiều chuyến đi hơn năm ngoái, 86% người tiêu dùng dự kiến sẽ đi du lịch và chi tiêu nhiều vào năm nay.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: