Những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay (5/4): Xử phạt nặng bỏ cọc đấu giá đất: Không để nhờn luật; Bộ Tài nguyên và Môi trường nói gì về tình trạng đầu cơ, tăng giá đất?;...
Bộ Tài nguyên và Môi trường nói gì về tình trạng đầu cơ, tăng giá đất?
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua một số địa phương thực hiện chưa nghiêm các phiên đấu giá, có hiện tượng lộ thông tin, thông đồng người tham gia và người tổ chức.
Thông tin tại Phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 4/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết sau 2 năm dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu, làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, sản xuất. Đây là một phần nguyên nhân các nhà đầu tư chọn đầu tư vào đất đai hay vàng làm nơi ẩn tránh.
Hơn nữa, do năm 2020-2021 là thời điểm đầu chu kỳ các địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, do đó các nhà đầu tư nhân cơ hội này đã mua gom đất, phân lô bán nền không đúng quy định pháp luật nhằm trục lợi bất hợp pháp.
Do vậy, hiện tượng giá đất tăng cục bộ tại một số địa phương làm mất đi ưu thế về thu hút vốn đầu tư của địa phương, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng thời làm ảnh hưởng kinh tế vĩ mô.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh một số địa phương có thời điểm thực hiện còn chưa nghiêm các phiên đấu giá, có hiện tượng lộ thông tin, thông đồng người tham gia và người tổ chức đấu giá.
Theo ông, vấn đề này liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành và Bộ đã có công văn gửi các tỉnh, thành khuyến cáo các địa phương quản lý chặt chẽ dự án bất động sản, nhất là dự án hình thành trong tương lai. Đặc biệt quản lý các dự án đủ điều kiện theo quy định của Luật đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Xử phạt nặng bỏ cọc đấu giá đất: Không để nhờn luật
Dư luận vẫn chưa hết shock sau vụ việc “chơi ngông” của một số DN trong cuộc đấu giá “đất vàng” Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) vào đầu tháng 12/2021 và những diễn biến tiếp theo của vụ việc, khi 2 trong số 4 DN trúng đấu giá xin bỏ cọc. Số còn lại thì vẫn chưa nộp tiền theo đúng thời gian quy định, mặc dù từ thời điểm trúng đấu giá đến nay đã trôi qua gần 4 tháng.
Các DN đã ký nghĩa vụ tài chính với chính quyền địa phương (gồm tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ) kèm theo lời hứa sẽ cố gắng huy động tài chính với tổng số tiền hơn 8.000 tỷ đồng để nộp trong thời gian sớm nhất nhưng “sớm nhất” là vào khi nào thì không ai biết. Những lùm xùm về việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm chắc chắn sẽ kéo dài và còn được nhắc đến nhiều như một bài học về “lỗ hổng” trong quy định pháp lý liên quan đến trách nhiệm, điều kiện mà cá nhân, tổ chức, DN cần phải có khi tham gia đấu giá, đấu thầu.
“Pháp luật quy định ở thời điểm hiện tại cho phép được xin rút lui trong trường hợp trúng đấu giá mà không có khả năng thanh toán. Từ câu chuyện này đặt ra vấn đề phải sửa luật để những sự việc mang tính “bỡn cợt” như thời gian qua không xảy ra trong nền kinh tế nữa” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho hay.
Bỏ cọc trong đấu giá đất gây ra khó khăn cho công tác quản lý, thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và đầu tư của Nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế cần tăng mức đặt cọc đối với tài sản đấu giá, đồng thời nên quy định rõ ràng về các chi phí phải bồi thường khi nhà đầu tư bỏ cọc, vừa mang tính răn đe vừa tạo ra hành lang pháp lý để xử lý nếu xảy ra vi phạm. Đấu giá đất đai là cách tiếp cận chính sách hợp lý để tăng hiệu quả thị trường, nguồn thu ngân sách. Vì vậy, bên cạnh xử lý nghiêm trường hợp trục lợi, việc hoàn thiện hàng rào kỹ thuật được xem là vấn đề cấp bách.
Hiện thực hóa giấc mơ “Thành phố hai bên dòng sông Hồng”
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết quận sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, quận sẽ tôn tạo các không gian xanh, cảnh quan, mặt nước; giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng; cải thiện vệ sinh môi trường.
Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích này không cố định phụ thuộc mùa nước từng năm, được tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và quận Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 hécta nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó có một phần (khoảng một ha) thuộc địa phận quận Long Biên.
UBND quận Hoàn Kiếm cũng nhấn mạnh bên cạnh việc siết chặt quản lý về đất đai tại khu vực bãi giữa sông Hồng, quận đã quan tâm vận động quần chúng chung tay trong việc bảo vệ môi trường làm sạch sông Hồng.
Ngăn ngừa sai phạm trong đấu giá đất: Giải pháp nào đủ mạnh, hợp lý?
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao Công an tỉnh này phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thẩm tra mối quan hệ giữa những người tham gia đấu giá, trực tiếp đấu giá khu đất rộng gần 80.000m2 ở An Hải-An Hội, huyện Côn Đảo với giá khởi điểm 537,1 tỷ đồng, hình thức thuê đất trả tiền một lần.
Ngày 25/12/2019, khu đất trên được đưa ra đấu giá có hai cá nhân tham gia là bà Trần Ngọc B. (ngụ đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TP. HCM) và bà Võ Thị K.C. (ngụ phường 5, quận Phú Nhuận, TP. HCM). Tại vòng 1, bà Trần Ngọc B. trả giá hơn 537,3 tỷ đồng, còn bà Võ Thị K.C trả giá 537,2 tỷ đồng. Sang vòng 2, cả hai người này đều không nhận phiếu trả giá và kết quả, bà Trần Ngọc B trúng đấu giá với số tiền như trên.
Quá trình thẩm định vụ đấu giá, Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định mối quan hệ nhân thân của những người tham gia đấu giá.
Ở tỉnh Long An, kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về thực hiện đầu tư xây dựng, việc tổ chức bán đấu giá đất tại UBND thị xã Kiến Tường của Thanh tra tỉnh Long An đã nêu ra hàng loạt sai phạm. Theo đó, việc xác định giá đất khởi điểm các lô nền chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đồng thời quy trình xác định giá đất có dấu hiệu “dìm giá” gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Cụ thể, tại cụm Khu dân cư Đô thị Sân bay (giai đoạn 1) có 343 lô đất nền, giá khởi điểm 136,7 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 140,663 tỷ đồng. Như vậy, giá trúng đấu giá chỉ tăng so với giá khởi điểm chưa đến 3%. Đáng chú ý, có 313 lô đất nền có 5 người mua hồ sơ và trúng đấu giá với một mức giá ngang nhau, gồm ông Nguyễn Quốc Bảo (116 lô), Lê Nguyễn Vũ Linh (35 lô), Nguyễn Quốc Thảo (97 lô), bà Vũ Thị Thu Thảo (29 lô) và Vũ Nguyễn Thị Diễm Thúy (36 lô)
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, chúng ta đã nhận thấy có mặt tích cực trong cơ chế đấu giá nhưng cũng nhận thức rõ còn nhiều khiếm khuyết, thậm chí lỗ hổng, kẽ hở để nhà đầu tư lợi dụng. Khoản 1, Điều 112, Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc xác định giá đất phải phù hợp với giá phổ biến trên thị trường. Quy định này chưa định lượng, dẫn tới chuyện người định giá đất, người ký văn bản cuối cùng bị truy trách nhiệm cá nhân, rủi ro nghề nghiệp do khiếm khuyết từ cơ chế chính sách.
Ông Lê Trung Phát nói rằng, vấn nạn “quân xanh quân đỏ”, dìm giá là việc không có gì lạ. Nhiều khi nó ảnh hưởng đến lợi ích của người có tài sản nhưng họ không dám lên tiếng. Do đó, nếu người tham gia đấu giá trúng đấu với giá chỉ cao hơn giá khởi điểm 3-5% thì quả thật cuộc đấu giá đó có vấn đề.
Để đảm bảo hoạt động đấu giá không làm thất thu ngân sách nhà nước, ông Phát nói rằng cần: Không cho đấu giá viên biết thông tin người tham gia đấu giá, chỉ cho biết số lượng người tham gia; Chỉ công bố đấu giá viên là người điều hành khi cuộc đấu giá sắp diễn ra; Tăng tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đấu giá, có như vậy họ mới khách quan trong việc sắp xếp đấu giá viên, chịu trách nhiệm nếu cuộc đấu giá đó có vấn đề tiêu cực.
Tiến Hoàng/KTDU