Sự kiện hot
5 năm trước

NHNN: Tăng trưởng tín dụng quí I đạt 1,3%, bước đầu cơ cấu nợ cho 52.000 khách hàng

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 31/3, dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng 1,3% so với cuối năm 2019. Đến nay, các ngân hàng đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng, tương đương với dư nợ 17.927 tỉ đồng.

Theo báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 10/4 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 31/3, dư nợ tín dụng của nền kinh tế đạt 8.301.988 tỉ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019 và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng cùng kì năm 2019 (3,19%).

Tuy nhiên, nhịp độ tăng trưởng hàng tháng có xu hướng cải thiện trong quí I (tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07% và tháng 3 tăng 1,1%).

Theo NHNN, mặc dù các TCTD đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi (giảm 2% - 2,5%) có qui mô lớn nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng có xu hướng giảm dẫn tới việc rút vốn của khách hàng còn hạn chế

Báo cáo về công tác hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, NHNN cho biết đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng (trong đó Ngân hàng Chính sách Xã hội là 40.000 khách hàng) với dư nợ 17.927 tỉ đồng (trong đó, NHCSXH 1.400 tỉ đồng). Đồng thời các TCTD đã thực hiện miễn giảm lãi suất cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỉ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5 – 3%/năm. Trong đó, các TCTD đã cho vay mới 354.286 khách hàng với doanh số cho vay đạt 165.08 tỉ đồng. Dự nợ tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (60.000 tỉ đồng), Bán buôn bán lẻ (43.000 tỉ đồng), Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản (16.000 tỉ đồng).

Về lãi suất, NHNN cho biết mặt bằng lãi suất huy động của TCTD đã liên tiếp giảm ở cả kì hạn ngắn, trung và dài hạn. Hiện lãi suất huy động tiền gửi VND phổ biến trong khoảng 0,1 – 0,5%/năm đối với tiền gửi không kì hạn và có kì hạn dưới 1 tháng; 4,3 – 4,75%/năm đối với tiền gửi có kì hạn 1 đến dưới 6 tháng; 5,3 – 6,8%/năm đối với tiền gửi có kì hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; kì hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6 – 7,4%/năm.

Mặt lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019.

Theo NHNN, việc điều chỉnh giảm đồng bộ lãi suất điều hành từ ngày 17/3 cộng hưởng với độ trễ tác động của chính sách điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN giúp TCTD giảm lãi suất huy động trong quí IV/2019 đã góp phần giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, kịp thời hỗ trợ vốn có chi phí hợp lí cho doanh nghiệp, người dân vay để phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Quốc Thụy

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: