Sự kiện hot
3 năm trước

Rủi ro khi đổi đơn vị quản lý nhà chung cư

Hoạt động quản lý vận hành thường ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của dự án chung cư, đặc biệt đến việc đưa ra quyết định của người mua để về ở sau này. Tại giai đoạn dự án đã vận hành và có cư dân về ở, việc thay đổi đơn vị quản lý có thể làm phát sinh một số rủi ro ảnh hưởng tới các bên liên quan.

Bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Vận hành bất động sản Savills Hà Nội chia sẻ, khi đặt nền móng phát triển dự án chung cư, chủ đầu tư chuyên nghiệp thường chú trọng chọn lựa các đối tác khảo sát, thiết kế, thi công, đặc biệt là quản lý vận hành xuyên suốt vòng đời một dự án. Hoạt động quản lý vận hành chuyên nghiệp tác động tích cực tới tỷ lệ hấp thụ của dự án thông qua các yếu tố tạo được niềm tin với người mua về chất lượng, hệ thống quản lý, quy trình, quy định chuẩn chỉnh.

rui ro khi doi don vi quan ly nha chung cu
Ảnh minh họa

Tại Hà Nội, nhiều dự án chung cư có sự thay đổi đơn vị quản lý sau một thời gian bàn giao cho cư dân. Đó là do theo quy định của Nhà nước, sau 12 tháng kể từ ngày dự án được bàn giao và đưa vào sử dụng, chủ đầu tư cần tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để quyết định ban quản trị - đại diện cho các chủ sở hữu của chung cư. Như vậy có thể hiểu là: Khi chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức việc quản lý vận hành nhà chung cư. Sau khi tổ chức, ban quản trị chung cư có quyền quyết định lựa chọn ban quản lý mới.

Phần lớn các dự án khi đi vào vận hành thì chủ đầu tư và chủ sở hữu có các quan điểm khác nhau liên quan tới quỹ bảo trì hoặc tính minh bạch trong sở hữu diện tích chung riêng. Do đó, nhiều ban quản trị và cư dân chọn thay đổi đơn vị quản lý mới. Việc này sẽ diễn ra theo hình thức đấu thầu, thông thường đơn vị quản lý mới được chọn lựa dựa trên yếu tố chi phí cạnh tranh, bà Hạnh phân tích thêm.

Chính việc thay đổi đơn vị quản lý có thể phát sinh nhiều rủi ro, đặc biệt trong quá trình chuyển giao, mà các bên liên quan cần lưu ý. Theo đó, mỗi dự án sẽ có những yêu cầu vận hành riêng biệt được đơn vị quản lý hiện tại xử lý theo nguyên tắc và quy định riêng của đơn vị đó. Do những đơn vị được lựa chọn chủ yếu dựa trên yếu tố cạnh tranh trong phí dịch vụ, thường chỉ cung cấp các dịch vụ quản lý cơ bản của tòa nhà. Vì vậy, khó có thể nhận định rằng họ đạt được những tiêu chuẩn của một đơn vị quản lý chuyên nghiệp. Từ đó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng vận hành mà về lâu dài sẽ tác động xấu tới tuổi thọ, giá trị của dự án.

Thêm nữa, khi cư dân chủ động đấu thầu đơn vị quản lý, ngoài vấn đề chi phí dịch vụ cũng cần quan tâm tới các tiêu chí về tên tuổi của nhà quản lý gắn liền với các dịch vụ chuyên nghiệp như: hồ sơ kỹ thuật, kế hoạch nhân sự, quản trị rủi ro, lịch trình bảo dưỡng… Điểm ưu việt của những ban quản lý chuyên nghiệp là công tác quản lý minh bạch tài chính với hai phía quan trọng là chủ đầu tư và cư dân. Hiện, các đơn vị chuyên nghiệp có xu hướng áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa và minh bạch chi phí vận hành tòa nhà, từ đó góp phần tránh được những xung đột liên quan giữa các bên.

Hữu An
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: