Kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu nhà ở; HoREA gửi công văn đến Ban Bí thư kiến nghị về bất cập đất đai; đấu giá 7 khu đất dự kiến thu về gần 12.400 tỷ đồng…sẽ là những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam
Theo Thông báo, Thủ tướng đánh giá Quảng Nam có vai trò, vị trí quan trọng và nhiều tiềm năng, thế mạnh, “dư địa” để phát triển bền vững. Sau 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã vươn lên thành tỉnh trung bình khá của cả nước và có nhiều bước phục hồi ấn tượng. Tuy nhiên, những kết quả phát triển vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, hệ thống các cơ chế chính sách còn hạn hẹp. Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả…
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Quảng Nam cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, đồng thời nghiên cứu tìm tòi để tạo tiềm năng mới, động lực mới nhằm thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phát triển “xanh”, nhanh và bền vững.
Phối hợp với các bộ ngành, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan để đề xuất, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách; tháo gỡ vướng mắc và xử lý khắc phục cho được những bất cập, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Lựa chọn và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án trên tinh thần đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy chính quyền bảo đảm dân chủ, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực hiệu quả.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm mình 2050, trình Thủ tướng trong quý III năm 2022, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.
HoREA gửi công văn đến Ban Bí thư kiến nghị về bất cập đất đai
Tại văn bản trên, HoREA cho rằng một số bất cập của cơ chế chính sách dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Ví dụ như có những “khu đất vàng” trong khu vực trung tâm thành phố bị sử dụng lãng phí, điển hình là khu đất có diện tích vài ngàn mét vuông tại đường Nguyễn Huệ, quận 1 bị “quây tôn” bỏ không đã hơn 10 năm qua – không đưa vào đầu tư xây dựng kinh doanh, không trở thành cơ sở thương mại, dịch vụ, không tạo ra công ăn việc làm, không đóng góp cho GRDP thành phố thì “giá trị sử dụng” của “khu đất vàng” này cũng bằng không. Hoặc có những doanh nghiệp “thân hữu” xí phần các dự án có quy mô diện tích lớn nhưng không đưa đất vào sử dụng, không triển khai thực hiện dự án do nhiều nguyên nhân, thậm chí có cả dấu hiệu “đầu cơ” dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai.
Theo HoREA, có những “khu đất vàng” trong khu vực trung tâm thành phố, thậm chí có quy mô diện tích lên đến vài chục héc ta được chỉ định chủ đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân thì “chênh lệch địa tô” chủ yếu rơi vào “túi tư nhân”. Điều này không được huy động đầy đủ vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng và cũng không thấy dành 20% quỹ đất ở của dự án để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.
Ngoài ra, HoREA cho rằng công tác điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất công nghiệp, đất thể dục thể thao (dự án sân golf – có quy mô diện tích hàng trăm héc ta) sang đất đô thị mà nếu không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ – đặc biệt là công tác tính tiền sử dụng đất dự án khu đô thị thì có thể dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công. Điển hình là vụ chuyển đổi dự án sân golf Phan Thiết thành khu đô thị đã được đưa vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu nhà ở
Là quận trung tâm của TP Cần Thơ, Ninh Kiều có mức độ đô thị hóa cao. Vì thế việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân được quận quan tâm triển khai theo Chương trình phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm của thành phố. Tuy nhiên, trước thực trạng quỹ đất đô thị ngày càng thu hẹp, việc gia tăng hệ số sử dụng đất, huy động nhiều nguồn lực để phát triển nhà ở được quận quan tâm nhằm chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân.
Ninh Kiều hiện có mức độ đô thị hóa và có mật độ xây dựng cao so với các quận, huyện còn lại trên địa bàn thành phố.
Theo đánh giá về hiện trạng nhà ở, khu dân cư trên địa bàn quận Ninh Kiều trong báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 của quận Ninh Kiều đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các công trình xây dựng nhà ở của quận chủ yếu là nhà do người dân tự xây.
Tại các khu vực giáp đường giao thông lớn mật độ xây dựng từ 90-100% với diện tích trung bình từ 60-100m2, trong các hẻm, mật độ xây dựng khoảng 80-90%, diện tích nhà khoảng 40-80 m2/căn.
Nhà ở dạng chung cư như chung cư Ngô Hữu Hạnh, Hùng Vương, chung cư 178, chung cư 91B… được xây dựng kiên cố với chiều cao từ 2-7 tầng. Nhà trong các khu dân cư quy hoạch mới có sự định hướng không gian cảnh quan và kiến trúc quy hoạch nên khang trang hơn các khu hiện hữu. Như vậy, với nhu cầu phát triển cao với tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất ngày càng khan hiếm nên cần có giải pháp tổ chức khai thác theo chiều cao (tăng hệ số sử dụng đất) trên địa bàn quận.
Theo danh mục dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu nhà ở đang triển khai thực hiện được ban hành kèm theo Quyết định số 1295/QÐ-UBND ngày 14-4-2022 của UBND thành phố, về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TP Cần Thơ năm 2022, đối với quận Ninh Kiều, tổng diện tích của các dự án đang triển khai trên địa bàn hơn 292ha.
Trong đó có 8.770 lô nền, 5.465 căn nhà ở riêng lẻ, 1.571 căn hộ chung; tổng diện tích sàn của các dự án 2,972 triệu m2. Trong đó, diện tích hoàn thành năm 2022 là 36.202m2 và 185 căn; diện tích hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 là 499.995m2 và 2.699 căn nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ.
Đấu giá 7 khu đất dự kiến thu về gần 12.400 tỷ đồng
Cụ thể, trong năm nay, Sở TN-MT sẽ tổ chức đấu giá 7 khu đất với tổng diện tích trên 228ha, dự kiến nguồn thu 12.386,4 tỷ đồng, chủ yếu là các khu đất chuyển tiếp từ năm 2021.
Trong đó, có 4 khu đất thuộc dự án trọng điểm của tỉnh với diện tích 203,3ha thuộc địa bàn TP. Vũng Tàu, gồm khu đất Cụm 5 (phường 1); khu đất mũi Nghinh Phong (phường 2); khu đô thị đường 3/2 (phường 10, 11) và khu đô thị sinh thái Cù lao Bến Đình (phường 5, 9, Thắng Nhất và Thắng Nhì). 3 khu đất chuyển tiếp từ các năm trước gồm: khu đất 4,1 ha tại phường Thắng Tam (TP. Vũng Tàu); khu đất 20ha tại phường Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) và khu đất 13,2ha tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc).
Trong quý 2/2022 Sở sẽ tổ chức bán đấu giá 2 khu đất tại TP. Vũng Tàu gồm: khu đất Cụm 5 (phường 1), dự kiến thu được 2.829,4 tỷ đồng và khu đất 4,1ha (phường Thắng Tam) dự kiến thu được 1.200 tỷ đồng.
Đến quý 3, sẽ đấu giá khu đất Mũi Nghinh Phong (phường 2, TP.Vũng Tàu), dự kiến thu được 1.500 tỷ đồng; khu dất 13,2ha tại xã Bưng Riềng, (huyện Xuyên Mộc) dự kiến thu được 300 tỷ đồng và khu đất 20ha tại phường Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) dự kiến thu được 261 tỷ đồng.
Quý 4, tiếp tục đấu giá các khu đất còn lại: khu đô thị đường 3/2 dự kiến thu được 4.463 tỷ đồng; khu đô thị sinh thái Cù Lao Bến Đình dự kiến thu được 2.133 tỷ đồng.
Đà Nẵng phê duyệt giá khởi điểm đấu giá 6 khu đất lớn
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành quyết định số 1155 về việc phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất 6 khu đất và 10 lô đất ở trên địa bàn thành phố.
Theo quyết định, có 6 khu đất được đấu giá thuê đất theo hình thức trả tiền hằng năm.
Cụ thể, khu đất xây dựng Khu bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch tại xã Hòa Ninh (ở ngã tư tuyến đường ĐT.602 và tuyến đường quy hoạch 5,5m, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) diện tích 1.877m2, mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ có giá khởi điểm đấu giá thuê đất theo hình thức trả tiền hằng năm 27.719 đồng/m2/năm.
Khu đất xây dựng cơ sở y tế ở Khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ (mặt tiền các tuyến đường Nguyễn Xuân Lâm, Đô Đốc Lân, Đô Đốc Tuyết, Lê Quang Định thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), diện tích 4.112m2 có giá khởi điểm đấu giá thuê đất là 176.103 đồng/m2/năm.
Khu đất ký hiệu C2-9B ở ngã ba tuyến đường Huỳnh Tịnh Của - Nguyễn Văn Vĩnh thuộc vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến quốc lộ 1A (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), diện tích 2.974m2, mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ có giá khởi điểm 70.362 đồng/m2/năm.
Khu đất ký hiệu C2-7 ở mặt tiền tuyến đường Nguyễn Văn Vĩnh thuộc vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến quốc lộ 1A (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), diện tích 3.940m2, mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ có giá khởi điểm 51.873 đồng/m2/năm.
Khu đất ký hiệu C2-4 ở ngã tư tuyến đường Âu Dương Lân - Nguyễn Văn Vĩnh thuộc vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến quốc lộ 1A (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), diện tích 3.690m2, mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ có giá khởi điểm 71.683 đồng/m2/năm.
Khu đất xây dựng siêu thị mini tại xã Hòa Phước (mặt tiền quốc lộ 1A, thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), diện tích 233m2, mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ có giá khởi điểm 141.464 đồng/m2/năm.
Cùng với đó, TP. Đà Nẵng cũng đã phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất của 10 lô đất với mục đích sử dụng đất ở.
Tiến Hoàng/KTDU