Bản tin ngày hôm nay (9/4) sẽ có những nội dung đáng chú ý sau đây: 28 dự án bất động sản chưa đủ điều kiện mở bán tại Vĩnh Phúc; Lâm Đồng – nhiều trường hợp hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa;…
Thị trường bất động sản bán lẻ dần khởi sắc
Theo báo cáo mới đây của CBRE, trong quý I/2022, thị trường bán lẻ tiếp tục đà tăng trưởng của quý trước, và dần vượt qua ảnh hưởng nặng nề của làn sóng COVID-19 thứ 4. Với số ca COVID-19 mới đạt đỉnh và giảm dần vào tháng 3, các hoạt động kinh doanh hầu hết đã trở lại bình thường và dự kiến sẽ mang đến nhiều diễn biến tích cực cho thị trường bán lẻ từ quý II/2022.
Về nguồn cung, thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý đầu tiên của năm 2022. Diện tích sàn bán lẻ cho thuê không đổi trong 15 tháng qua, ở mức hơn 1 triệu m2 NLA.
Về hoạt động thị trường, dần hồi phục khi các lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, dẫn đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng. Theo Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I/2022 của Hà Nội tăng hơn 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 6,8% của quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ giảm 4,6% so với năm 2020, mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một (không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm giảm do một số dự án có các chính sách giảm giá để thu hút khách thuê mới cũng như để giữ chân các khách thuê hiện tại.
Giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 23,6 USD/m2/tháng, giảm 1,14% theo quý và 3,17% theo năm. Tỷ lệ trống của các địa điểm ngoài trung tâm nhìn chung giữ ổn định so với quý trước đó trong khi tăng 2,6 đpt theo năm.
Mặc dù khu vực ngoài trung tâm chứng kiến tỷ lệ trống không đổi và giá thuê giảm, các dấu hiệu hồi phục được thể hiện rõ ràng hơn tại khu vực Trung tâm với giá thuê tăng so với quý trước.
Vĩnh Phúc công bố danh sách 28 dự án bất động sản chưa đủ điều kiện mở bán
Cụ thể, để tránh những rủi ro trong giao dịch và bảo đảm minh bạch, phát triển lành mạnh ổn định của thị trường bất động sản, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm bất động sản trái quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã có văn bản số 1120/SXD-QLNĐ&HT công khai các thông tin về các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đủ điều kiện huy động vốn; đủ điều kiện được phép bán nhà hình thành trong tương lai; chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Hiện toàn tỉnh có 39 dự án, cụ thể: 2 dự án với quy mô hơn 81,7 ha khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đã chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh vĩnh phúc - đủ điều kiện huy động vốn; 9 dự án, quy mô 110 ha khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị được phép bán nhà hình thành trong tương lai và 28 dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đã chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở, quy mô hơn 976ha.
Lâm Đồng: Nhiều trường hợp hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa
Chiều 8-4, tại Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí tháng 4-2022, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết, qua kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp hiến đất làm đường với mục đích để đáp ứng được điều kiện tách thửa mới (phải có đường), không vì mục đích chung cộng đồng.
Một số khu vực chưa làm chặt chẽ, tuân thủ quy định trong hiến đất làm đường, một số nơi không làm thủ tục để chính quyền tiếp nhận, quản lý đất do người dân hiến.
Theo ông Lê Quang Trung, các trường hợp phân lô, tách thửa trên địa bàn đều là cá nhân, không có doanh nghiệp nào đứng ra thực hiện. Trong đó, có 48 trường hợp hiến đất làm đường thực hiện quy mô từ 2ha trở lên.
Phần lớn phân lô theo quy hoạch sử dụng đất, không thẩm định các đồ án quy hoạch khác trên địa bàn đã được phê duyệt nên phát sinh trường hợp phù hợp quy hoạch sử dụng đất là đất ở nhưng không phải là khu dân cư theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới nên người nhận chuyển nhượng đất không làm được nhà.
Trước đó, đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất do xuất hiện tình trạng lợi dụng việc tách thửa để đầu tư dự án bất động sản trái quy định trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thông tin về thị trường bất động sản
Ông Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố, cùng dự với Đoàn giám sát.
Theo Sở Xây dựng thành phố, thành phố hiện có 50 dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Trong đó, 34 dự án nhà ở thương mại, 5 dự án nhà ở xã hội, 6 dự án nhà ở chung cư, cải tạo xây dựng lại chung cư, 5 dự án BĐS khác. Theo số liệu từ Sở Tư pháp, năm 2015-2021, có 966 lô đất nền để ở, 365 căn nhà ở riêng lẻ và 8.066m2 mặt bằng thương mại dịch vụ cho thuê được giao dịch theo pháp luật kinh doanh BĐS. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thông tin: trong khoảng thời gian này đã cấp 137.428 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thành phố hiện có 14 sàn giao dịch BĐS được công nhận hoạt động, đã thông tin công khai trên cổng thông tin của Sở Xây dựng; thành phố đã cấp 602 chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS cho các cá nhân...
Tại buổi giám sát, các đại biểu cho rằng công tác quản lý nhà nước về kinh doanh BĐS tại địa phương gặp không ít khó khăn, nhất là hoạt động mua bán đất nền, nhà ở hình thành trong tương lai, hoạt động quảng cáo không trung thực của một số đối tượng môi giới; thị trường BĐS còn thiếu tính minh bạch. Công tác định giá đất cũng được các đại biểu đặt ra và xác định còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Bên cạnh đó, vấn đề thất thu thuế thông qua các giao dịch BĐS không đáp ứng điều kiện theo quy định cũng được nêu lên… Các đại biểu cũng băn khoăn, các nhà đầu tư ít quan tâm các dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp…
CBRE: Giá bán căn hộ đang tăng chậm lại
Báo cáo của CBRE cho biết trong quý đầu năm, thị trường TP HCM ghi nhận duy nhất một dự án hiện hữu mở bán giai đoạn tiếp theo với 884 sản phẩm (dự án Akari City, quận Bình Tân), tương ứng nguồn cung mới theo quý thấp nhất kể từ năm 2013. Ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề cấp phép từ năm 2019, quỹ đất ngày càng hạn chế và tâm lý thận trọng của thị trường sau khi trải qua hai năm dịch bệnh dẫn đến nguồn cung tạm thời hạn chế trong ngắn hạn.
Phân khúc cao cấp tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường kể từ năm 2020 với tỷ trọng hơn 50% nguồn cung mới. Các phân khúc từ cao cấp trở lên mở rộng địa bàn hoạt động khiến căn hộ trung cấp và bình dân dần vắng bóng tại thị trường TP HCM, buộc người mua nhà phải chấp nhận mức giá cao hơn hoặc chuyển hướng tìm kiếm sang các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và xa hơn.
|
Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp đạt mức 2.390 USD/m2, tăng 3,9% theo quý và 7,8% theo năm. Mức giá trung bình tiếp tục tăng do có sự chuyển dịch cơ cấu từ bình dân, trung cấp lên cao cấp và hạng sang. Tuy nhiên, tốc độ tăng chậm lại từ năm 2021 vì mức giá các nguồn cung mới đều nằm ở mức đầu của phân khúc cao cấp hoặc hạng sang. Tiêu biểu như các dự án hạng sang đầu tiên ở An Phú, Thảo Điền: Masterise Lumiere Riverside và Thảo Điền Green; các dự án cao cấp đầu tiên tại Bình Tân, Bình Chánh: Moonlight Centre Point, Mizuki Park MP9 - MP10 và giai đoạn tiếp theo của Akari City. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm khiến giá sơ cấp trung bình của phân khúc hạng sang và cao cấp giảm nhẹ khoảng 1,2% theo quý, trong khi bình dân và trung cấp tăng 1,6 – 4,7% theo quý.
Tiến Hoàng/KTDU