Sự kiện hot
3 năm trước

Bản tin nông sản 12/6: Nông sản Việt với lời nguyền được “hóa giải”

Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; quản lý an toàn thực phẩm từ gốc; phổ biến các quy định và thực thi cam kết về SPS…sẽ là những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay.

Nông sản Việt với lời nguyền được “hóa giải”

Đẩy mạnh chế biến để 'giải lời nguyền' xuất thô cho nông sản

Mới đây nhất, khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV về việc nông sản nước ta xuất khẩu với giá cao trong khi giá bán trong nước còn thấp nên thu nhập của nông dân chưa được cải thiện, giải pháp của Bộ trưởng là gì?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để đưa nông sản xuất khẩu, chi phí vận chuyển, logistic rất cao nên nông dân không nên quá háo hức.

Thực tế để đưa nông sản xuất khẩu, chi phí vận chuyển, logistic rất cao nên quan trọng là giá nông sản xuất khẩu cao có phân bổ lại cho nông dân hay không nếu so với bán nội địa - chứ không nên chỉ đặt vấn đề vải thiều xuất qua Nhật Bản với giá mấy trăm nghìn một cân; xuất khẩu xoài qua Mỹ giá cao...

Bên cạnh đó, tại nhiều thời điểm, thị trường nội địa là cứu cánh cho không ít doanh nghiệp, là nền tảng quan trọng hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp có thể chinh phục, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhưng muốn vậy, điều quan trọng là phải có sự liên kết trong sản xuất và kết nối sản xuất với tiêu thụ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần thay đổi nhận thức, tư duy để phục vụ kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất, bảo đảm giá trị, quy mô hàng hoá; bảo đảm chuỗi cung ứng, phân chia lợi ích từ người nông dân đến chuỗi thương mại - chứ không nên chỉ nhìn nhận như qua "lăng kính" của mặt hàng lúa gạo: Một thời, ngành nông nghiệp phát triển nhờ lúa gạo.

Từ sản xuất lúa 1 vụ, 2 vụ, rồi xây đê bao để sản xuất lúa 3 vụ. Đây là việc quá chú trọng vào gia tăng sản lượng. Sản xuất lúa gạo ngoài góp phần bảo an ninh lương thực trong nước còn đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhưng người nông dân vẫn chưa thể “sống” được từ cây lúa. Và do sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nông dân trở thành nhóm sản xuất rất dễ bị tổn thương, đồng thời phải chịu tác động mạnh nhất khi các yếu tố đầu vào tăng giá nhưng giá lúa tăng lại không phải là người được hưởng lợi trọn vẹn, khi giá lúa giảm thì phải chịu thiệt hại rất lớn.

Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp

Tưới tiêu thông minh trong nền nông nghiệp thông minh - ATESO.VN

Tính đến nay, trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa đã xây dựng được mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn với diện tích 25 ha; trong đó, có 16,7 ha đã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm chủ yếu là dưa Kim Hoàng Hậu, dưa baby, rau, đậu các loại.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, hầu hết người trồng rau tại đây đều áp dụng công nghệ tưới tiên tiến. Khi áp dụng hệ thống tưới này các nhà vườn có thể lên lịch tưới vào thời điểm không căng thẳng về điện. Cụ thể, có thể tưới vào lúc 2h - 3h sáng, khi đó điện ổn định nên nhà vườn có thể chủ động về thời gian tưới.

Đặc biệt, nếu theo cách tưới truyền thống, mùa nắng nông dân không thể bỏ phân, phải canh trời mưa, dẫn đến hiệu quả rửa trôi thấp. Trong khi đó, sử dụng hệ thống này giúp bón phân theo định kỳ thông qua tưới nước nên hiệu quả hấp thu phân bón lên tới 80%. Cũng nhờ đó, năng suất, chất lượng rau, củ, quả trên địa bàn tăng lên rõ rệt. Theo tính toán của các hộ dân, nếu như trước đây sản xuất theo phương pháp truyền thống thì 1 ha rau màu thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất rau, quả an toàn đã cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha năm.

Trên địa bàn huyện Yên Định hiện nay cũng đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP tính đến nay là 51 ha; cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ 9 ha; 77 ha rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Trong đó có 7 ha nhà màng, nhà lưới, ứng dụng đồng bộ công nghệ tưới tiên tiến... Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả áp dụng tưới phun mưa tại xã Yên Trung, quy mô 12 ha; mô hình trồng cây ăn quả áp dụng tưới nhỏ giọt tại các xã Yên Thọ, Định Bình, quy mô 7 ha; ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới vào sản xuất rau an toàn tại các xã: Định Bình, Yên Thọ, Yên Trường; sản xuất mạ khay tại xã Định Hưng...

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có khoảng 3.500 ha cây trồng đã được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm, gồm 1.000 ha cây ăn quả, 800 ha rau màu, 500 ha hoa, cây cảnh, 650 ha mía và một số diện tích cây trồng khác.

Tuy nhiên, hiện nay việc nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp còn gặp một số khó khăn, chủ yếu là do việc tuyên truyền về giải pháp tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao nhận thức cho người nông dân còn thiếu và yếu.

Chi phí đầu tư, đặc biệt là đầu tư ban đầu, đối với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cao hơn so với đầu tư tưới theo phương pháp truyền thống.

Bởi vậy, để tiếp tục mở rộng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật lắp đặt công nghệ tưới cho nông dân.

Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai hình thành nên những vùng nông nghiệp có quy mô lớn. Đồng thời, cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ chi phí cho người dân khi lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến...

Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), để kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Thủ đô tiêu thụ, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương xây dựng và phát triển 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Cùng với đó, Hà Nội hỗ trợ các trang trại, hộ nông dân tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm trong chuỗi để mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn.

Siết quản lý an toàn thực phẩm từ gốc - Báo Kinh tế đô thị

Về nguyên nhân vẫn còn vi phạm trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố nhiều, nhưng phần lớn nhỏ lẻ, thậm chí, một số cơ sở hoạt động theo thời vụ, gây khó khăn cho việc kiểm tra; nông sản chủ yếu được tiêu thụ qua kênh truyền thống chợ đầu mối, chợ dân sinh.

Bên cạnh đó vẫn còn ít doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng có trung tâm trung chuyển, kho hàng lớn gây khó khăn cho việc cung cấp hàng hóa từ nơi sản xuất đến tiêu thụ. Việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi là hướng đi bền vững, nhưng trong quá trình thực hiện còn khó khăn, tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp, kết nối thiếu bền vững...

Để giám sát chặt chẽ chất lượng nông sản từ nơi sản xuất, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, căn cứ quy hoạch từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng trở thành quận, hiện huyện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, tập trung quy mô lớn. Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã tạo mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, Sở yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, thống kê 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát. Mặt khác, các địa phương cần tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trang trại có điều kiện sản xuất an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, lấy mẫu giám sát hậu kiểm tự công bố về chất lượng an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm trên thị trường.

Phổ biến các quy định và thực thi cam kết về SPS

SPS Việt Nam hỗ trợ thực thi cam kết kiểm dịch động thực vật

Tại hội nghị phổ biến các quy định và thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại tự do thế giới và cập nhật yêu cầu về SPS tại thị trường Trung Quốc, các chuyên gia, nhà quản lý đã trình bày các nội dung: An Toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do; quy định mới về an toàn thực phẩm và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thị trường Trung Quốc; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến nông, lâm, thuỷ sản sau thu hoạch; mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc.

Cũng tại diễn đàn các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã trao đổi thảo luận các nội dung, vấn đề liên quan như: mã số vùng trồng, mã số đóng gói, an toàn thực phẩm nông sản để xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc,

Hiện nay, Long An có rất nhiều nông sản xuất khẩu như gạo, chuối, thanh long, mít,...Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 503 triệu USD, phần lớn là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch.

Trong 18 nhóm hàng thực phẩm Trung Quốc yêu cầu đăng ký theo Lệnh 248 phần lớn đã có những thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, đối với nhóm hoa quả truyền thống thì không cần phải đăng ký danh sách doanh nghiệp mà chỉ cần đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc về bao bì, nhãn mác, quy cách đóng gói, ghi tên doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, mã số vùng trồng,... là đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

Từ đầu năm đến 31/5/2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã cập nhật được 405 thông báo của các thành viên WTO về các dự thảo và quy định có hiệu lực về SPS có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu nông, lâm và thủy sản của Việt Nam. So với cùng kỳ năm ngoái, số thông báo tăng 12%. Đứng đầu về số lượng thông báo là ASEAN, tiếp đến là Nhật Bản, EU, Canada, Mỹ.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: