Sự kiện hot
3 năm trước

Bản tin nông sản 13/6: Phát huy tiềm năng sản phẩm đặc trưng của địa phương

Những thông tin đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Giá lúa giảm ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long; Để quả vải thiều năm 2022 được mùa được giá; Nâng tầm cho sản phẩm OCOP...

Phát huy tiềm năng sản phẩm đặc trưng của địa phương

Tháng 3/2022, khoai môn Láng Dài được gắn sao OCOP với mức 3 sao. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các thành viên trong Tổ liên kết sản xuất khoai môn Láng Dài (huyện Đất Đỏ) và sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng thương hiệu khoai môn trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện.

Phát huy tiềm năng sản phẩm đặc trưng của địa phương

Ông Phạm Hữu, người trồng khoai môn ở xã Láng Dài cho biết, ngoài phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, năng suất cao, khoai môn còn là sản phẩm giàu chất dinh dưỡng. Do đó, ông cùng các thành viên trong Tổ liên kết đã từng bước phát triển về diện tích cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện xã Láng Dài có hơn 10ha với 17 hộ trồng, tập trung nhiều nhất ở ấp Thanh An và ấp Cây Cám, với tổng sản lượng hơn 235 tấn/năm. 

Hiện nay toàn tỉnh có 50 sản phẩm đặc trưng của các địa phương được gắn từ 3 - 4 sao và các sản phẩm có tiềm năng OCOP. Trong đó, 21 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận, 29 sản phẩm đang được hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh trình UBND tỉnh công nhận. 16 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và sản phẩm tiềm năng 5 sao đang trình Bộ NN-PTNT công nhận năm 2021.

Năm 2021, ông Hữu đã thành lập tổ hợp tác khoai môn Láng Dài, tạo nên vùng nguyên liệu tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ liên kết được địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để tham gia các lớp tập huấn, nắm vững kiến thức và các bước để hoàn thiện sản phẩm OCOP như: thẩm định yếu tố an toàn về môi trường xung quanh và nơi sản xuất; chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; tem truy xuất nguồn gốc; phương thức đóng gói, bảo quản đáp ứng yêu cầu đối với sản phẩm chuẩn OCOP...

“Chương trình OCOP đã giúp cho củ khoai môn từ sản phẩm bình dân, được nâng tầm chất lượng và thương hiệu. Việc đạt chứng nhận 3 sao góp phần rất lớn giúp Tổ liên kết nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững”, ông Hữu cho hay.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, ở thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ có 19 năm gắn bó với nghề chăn nuôi bò sữa. Trước đây, thị trường tiêu thụ sữa bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá. Năm 2017, ông đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại như: máy nấu, máy ủ, máy làm lạnh, kho chứa, bồn chứa để thử nghiệm làm sữa chua và sữa thanh trùng từ sản phẩm sữa bò. Đồng thời, ông cũng áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và sản xuất hàng hóa bền vững, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, không ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nhiệm đã chế biến thành công sữa chua dẻo, sữa chua nếp cẩm, sữa chua trân châu và sữa bò thanh trùng… mang thương hiệu “Ông Nhiệm”. Trang trại chăn nuôi và sản xuất của gia đình ông Nhiệm đã được chứng nhận VietGAP. Ngoài chế biến sữa từ đàn bò của gia đình, ông còn thu mua sữa của 6 gia đình khác với khoảng 700 lít/ngày, giá thu mua cao hơn 2.000-3.000 đồng/lít so với thị trường. Sản phẩm sữa chua “Ông Nhiệm” cũng đang được địa phương hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký đạt chuẩn OCOP 3 sao trong năm nay.

Giá lúa giảm ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa vẫn có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg; riêng IR 50404 là 6.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. 

Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua ổn định. Ảnh internet

Tại Sóc Trăng, một số loại lúa giá vẫn giữ ổn định như: ST 24 có giá là 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg; riêng OM 5451 là 6.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Riêng tại Hậu Giang giá lúa tiếp tục ghi nhận sự giảm giá so với tuần trước như: IR 50404 là 6.100 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; RVT là 8.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; OM 18 là 6.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.

Tại Trà Vinh, cũng ghi nhận sự giảm giá ở một số loại lúa như: OM 5451 là 6.600 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg, IR 50404 là 6.450 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg.

Tại Bến Tre, giá lúa lại không có sự thay đổi, như: IR 50404  là 5.800 đồng/kg; OM 6976 là 5.900 đồng/kg; nhưng OM4218 là 6.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá các loại lúa vẫn ổn định như: lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.800-6.100 đồng/kg, OM 5451 từ 5.600-5.700 đồng/kg; OM 18 từ 5.800-5.900 đồng/kg. IR 50404 ở mức từ 5.500-5.600 đồng/kg; riêng Đài thơm 8 từ 5.700-5.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè Thu 2022 ở các tỉnh Nam Bộ, tính đến đầu tháng 6, toàn vùng đã gieo cấy được 1.468.843 ha/ 1.610.784 ha, đạt 91,19% so với kế hoạch. Vụ Thu Đông - Mùa, toàn vùng đã xuống giống được 26.877 ha chủ yếu giai đoạn mạ.

Để quả vải thiều năm 2022 được mùa được giá

Những ngày này, Bắc Giang và Hải Dương đang tất bật vào vụ thu hoạch vải. Niên vụ 2022, chất lượng và năng suất của 2 vựa vải lớn nhất cả nước đều vượt trội so với năm 2021.

Để quả vải thiều được mùa được giá
Để quả vải thiều năm 2022 được mùa được giá

Tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), niên vụ vải năm nay có 200 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào địa phương để thu mua vải thiều. Những ngày đầu tháng 6/2022 đã có 16 thương nhân Trung Quốc đến Lục Ngạn để thu mua vải sớm. Hiện, giá bán vải đang dao động từ 18.000 - 35.000 đồng/kg, đây là mức giá tốt thời điểm đầu mùa. Dự kiến, sản lượng vải xuất khẩu của Lục Ngạn sang các thị trường khoảng gần 120.000 tấn.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, Trung Quốc từ trước tới nay vẫn là thị trường truyền thống, tiêu thụ phần lớn lượng vải tươi của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách "Zezo Covid" nên dự báo việc xuất khẩu vải vào thị trường này tiếp tục khó khăn.

Do đó, Bộ Công Thương thường xuyên khuyến cáo để các DN và chính quyền địa phương nơi có cửa khẩu với Trung Quốc lên kế hoạch sớm thực hiện luồng xanh, sao cho quả vải được xuất khẩu thuận lợi nhất.

Từ những ngày đầu tháng 6/2022, vải thiều được cho vào mặt hàng ưu tiên làm thủ tục thông quan sớm với làn ưu tiên trong ngày tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn còn tăng cường sắp xếp bến bãi, điều tiết giao thông, mở rộng "vùng xanh an toàn" tại cửa khẩu, thích ứng với yêu cầu phòng chống dịch của 2 bên.

Nâng tầm cho sản phẩm OCOP

Năm 2022, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã đăng ký 111 sản phẩm OCOP; trong đó, có 99 sản phẩm đăng ký mới và 12 sản phẩm đăng ký nâng hạng với trên 22 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trong năm.

Quảng Bình nâng tầm giá trị cho sản phẩm OCOP

Theo ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tỷ lệ các sản phẩm OCOP của Gia Lai khi tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại đã tăng 20% so với khi chưa tham gia chương trình. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được giá trị và hướng đến thị trường xuất khẩu ngoài nước.

Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm Chương trình OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022 được tỉnh Gia Lai tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua đã tạo đà cho nhiều thương hiệu địa phương vươn tầm. Qua đó, cũng là dịp để các cơ sở sản xuất nông sản tại Gia Lai chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

250 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ là một minh chứng đa dạng, phong phú về chủng loại những sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của các doanh nghiệp tại tỉnh Gia Lai, một số tỉnh, thành trong cả nước và các của doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp của một số quốc gia khác sản xuất tại Việt Nam.

Là đơn vị tiên phong áp dụng chuẩn VietGAP trong quy trình nuôi và khai thác ong mật, đến nay Hợp tác xã mật ong Phương Di ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã xây dựng được 3 sản phẩm OCOP; trong đó có 2 sản phẩm mật ong đạt 4 sao là mật ong hoa cà phê, mật ong đa hoa.

Bên cạnh không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, Hợp tác xã mật ong Phương Di còn nỗ lực liên kết với các tổ, hội nông dân sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương theo hướng sạch, hữu cơ, tiến tới xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP.  Hợp tác xã mật ong Phương Di cũng là đơn vị vừa ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản (Công ty Akira Japan) và xây dựng thương hiệu mật ong Gia Lai.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: