Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin nông sản 28/6: Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyên canh hàng hóa

Những thông tin đáng chú ý về nông sản có trong bản tin hôm nay: Xuất khẩu giảm, ngành điều đương đầu với nhiều thách thức; vải thiều vận chuyển máy bay, giá cao vẫn hút khách; Đồng Tháp kết nối với Nhật Bản để phát triển các dự án nông nghiệp; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyên canh hàng hóa...

Xuất khẩu hải sản 5 tháng tăng 25%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm hải sản của Việt Nam đạt gần 358 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm này đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, xuất khẩu hải sản chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước.

Picture 1

 Xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác trong tháng 5 tuy vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng mức tăng đều thấp hơn so với tháng 4.

Picture 2

VASEP nhận định chiến sự Nga – Ukraine vẫn chưa đến hồi kết và tiếp tục tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, trong đó có khai thác thuỷ sản, khiến nguyên liệu khan hiếm vì chi phí khai thác cao. 

Xuất khẩu giảm, ngành điều đương đầu với nhiều thách thức

Tình hình xuất khẩu điều năm nay được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, do giá cước tàu biển vẫn neo ở mức cao so với trước dịch Covid-19.

Xuất khẩu giảm, ngành điều đương đầu với nhiều thách thức

Xuất khẩu giảm cả về lượng và giá trị trong khi giá nguyên liệu tăng, diễn biến thị trường thế giới bất lợi đang khiến ngành điều đối mặt nhiều khó khăn, dự kiến xuất khẩu cả năm sẽ thấp hơn năm 2021.

Thống kê của VINACAS cho thấy 5 tháng đầu năm, toàn ngành đã xuất khẩu được 206.112 tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,19 tỷ USD, giảm 7,81% về lượng, và giảm 6,81 về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 5.792 USD/tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2021.

Về nhập khẩu, 5 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp ngành điều nhập khẩu khoảng 968.000 tấn điều thô từ nước ngoài với giá trị gần 1,4 tỷ USD, giảm 35,24% về lượng và giảm 37,84% về trị giá. Tuy nhiên nếu xem xét giá nhập khẩu điều thô từ châu Phi từ đầu vụ đến nay đã tăng 15-20% so với cùng kỳ.

"Tình hình xuất khẩu năm 2022 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá cước tàu biển vẫn neo ở mức cao so với trước dịch Covid-19. Trong khi đó, giá nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu. Vì vậy, số lượng nhân điều xuất khẩu dự báo sẽ giảm trong những tháng tiếp theo, có thể kéo dài đến hết năm 2022.

Vải thiều vận chuyển máy bay, giá cao vẫn hút khách

Vốn là đặc sản nổi tiếng miền Bắc, vải thiều ngày càng được ưa chuộng tại miền Nam. Năm nay, loại vải thiều vận chuyển bằng đường hàng không tăng giá 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn trăm nghìn một kg vải đầu mùa đi máy bay - VnExpress Kinh doanh

Chị Loan, tiểu thương tại quận 12, cho biết vừa đặt nhà vườn 300 kg vải loại 1 gửi đường hàng không vào TP HCM. Số vải này chị bán lẻ 99.000 đồng một kg, nếu khách mua 3 kg có giá 270.000 đồng, đắt gấp 3 lần loại vận chuyển bằng đường bộ. "Giá cao nhưng chưa đầy hai ngày, khách đã mua sạch số hàng này", chị Loan nói.

Trái vải được vận chuyển bằng đường hàng không thường được cắt vào ban đêm và gửi ngay trong ngày mà không sử dụng chất bảo quản nên hàng tươi, vị đậm đà chứ không bị úng nước, mất mùi và nhạt như hàng vận chuyển bằng đường ôtô. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi ra số tiền cao gấp 2-3 lần so với loại thường để mua.

Lý giải giá vải loại này cao, chị Châu cho biết mỗi kg đi bằng đường hàng không tốn 18.000-20.000 đồng. Chưa kể giá gốc hàng loại một canh tác theo hướng hữu cơ nên có giá cao hơn hàng thông thường 15.000-20.000 đồng một kg. Ngoài ra, chi phí đóng thùng, vận chuyển từ sân bay về tới nơi phân phối cũng tăng cao...

Báo cáo của chợ Đầu mối Hóc Môn cho thấy, mỗi đêm lượng vải về chợ dao động quanh mốc 40-80 tấn một đêm, giảm 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. "Năm nay chất lượng vải không đạt như mọi năm nên sức mua yếu. Do đó, thương nhân tại chợ nhập về với số lượng thấp", quản lý chợ đầu mối Hóc Môn nói.

Vải thiều miền Bắc xuất hiện từ tháng 6-7, chúng được trồng tập trung ở Bắc Giang, Hải Dương. Năm nay, vải thiều ở Hải Dương dự kiến tổng sản lượng toàn tỉnh trên 60.000 tấn, tăng 5.000 tấn so năm 2021. Còn tại Bắc Giang sản lượng ước đạt 180.000 tấn.

Từ đầu tháng 6 tới nay, các tỉnh cũng đã liên tục thực hiện kết nối nông sản miền Bắc tới các tỉnh miền Nam và Đông Nam Bộ. Tại các hệ thống siêu thị ở TP HCM và miền Tây vải thiều đang được bán với giá 39.000-40.000 đồng một kg.

Đồng Tháp kết nối với Nhật Bản để phát triển các dự án nông nghiệp

Sáng 27/6, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc với Viện Giáo dục Y tế và Phúc lợi Nhật Bản Châu Á (JAMWEI) để trao đổi về các nội dung hợp tác phát triển nông nghiệp và năng lượng tái tạo.

Nông dân, doanh nghiệp Đồng Tháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản  xuất

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đề nghị thời gian tới Viện JAMWEI tiếp tục hỗ trợ thực hiện Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức Seed to Table tài trợ. Đặc biệt là đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm nông sản, tỉnh mong muốn sẽ tăng cường hợp tác với Nhật Bản hơn nữa trong vấn đề chuyển giao công nghệ chế biến, bảo quản xoài, nhãn và cây có múi.

Lãnh đạo tỉnh hy vọng Nhật Bản sẽ hỗ trợ kết nối các tổ chức, doanh nghiệp tham gia một số dự án kêu gọi hợp tác, đầu tư về dây chuyền xử lý hàng hóa để xuất khẩu. Bên cạnh những vấn đề vừa nêu, hai bên còn trao đổi sâu về các nội dung hợp tác đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng điện mặt trời và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp…

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyên canh hàng hóa

Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay, Hà Nội đã hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung từ 50-300ha/vùng với tổng diện tích hơn 40.000 ha cùng với 5.044 ha rau an toàn, hơn 50ha rau hữu cơ và gần 50 vùng trồng hoa chất lượng cao.
Hiện tại, diện tích cây ăn quả của Hà Nội đã lên tới 21.800 ha, tăng 5.180 ha so với năm 2017; trong đó, 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản, đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu.

Mặt khác, việc tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa công nghệ cao vào sản xuất. Hà Nội đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhờ tái cơ cấu cây trồng thay thế cây lúa cho năng suất thấp đã giúp người nông dân nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tại huyện Đan Phượng, nhờ chuyển đổi từ cây lúa năng suất thấp sang trồng giống bưởi tôm vàng tại xã Thượng Mỗ đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, doanh thu đạt gần 77 triệu đồng/người/năm.

Với lúc ban đầu, xã Thượng Mỗ chỉ có 77 ha trồng giống bưởi tôm vàng nay đã được mở rộng lên 162ha. Sản phẩm bưởi tôm vàng Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu tập thể và được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Từ khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau, đời sống người dân tại huyện Đông Anh cũng được cải thiện rõ nét. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau đạt từ 250-400 triệu đồng/ha/năm tùy mô hình, tùy loại rau. Trồng rau đang là nguồn thu nhập chủ yếu của nhiều hộ nông dân.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: