Sự kiện hot
3 năm trước

Chi phí cước vận tải tăng cao là lực cản lớn đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành chè Việt Nam

Đơn hàng dồi dào, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do giá cước vận tải biển vẫn trong xu hướng tăng trong năm 2022 và tình trạng thiếu container rỗng. Đặc biệt, chi phí logistics tăng cao chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” đang là thách thức đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.

Giống như đại dịch COVID-19 và sự gián đoạn kinh tế mà nó gây ra, một cuộc khủng hoảng trong hoạt động vận chuyển toàn cầu có vẻ sẽ tiếp tục làm trì trệ lưu thông hàng hóa và thúc đẩy lạm phát tăng cao cho tới tận năm 2023. Với 90% hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển, điều này có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát toàn cầu vốn đang tỏ ra phức tạp hơn dự báo trước đây.

TS. Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam thăm mô hình sản xuất chè tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên - Ảnh: Sơn Thủy

Chi phí vận tải đường biển ban đầu tăng vọt sau khi kênh đào Suez bị tắc nghẽn trong sáu ngày hồi tháng Ba năm nay gây ra tình trạng dồn ứ hàng hóa và tàu thuyền trên toàn thế giới. Điều đó càng khiến thị trường thuê tàu thêm khó khăn, trong khi thị trường này đã căng thẳng từ trước do sự không chắc chắn về các quy định nhiên liệu và khí thải trong tương lai khiến số đơn đặt hàng đóng tàu mới xuống mức thấp kỷ lục. Các xưởng đóng tàu cũng "vật lộn" với tình trạng thiếu lao động vì tác động của đại dịch. Sau đó, nhu cầu hàng hóa từ người tiêu dùng tăng vọt trong giai đoạn giãn cách và phong tỏa để chống dịch COVID-19 càng khiến tình hình nghiêm trọng hơn.

Trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho biết: “Thách thức lớn nhất của ngành chè trong thời điểm hiện tại vẫn là vấn đề vận tải biển. Do ảnh hưởng của đại dịch nên khi quay trở lại hoạt động vận tải thì hầu hết các hãng nâng giá rất cao và thậm chí rất khó khăn trong việc thuê vỏ container, các doanh nghiệp chè buộc phải gánh kinh phí rất lớn. Nếu không xuất khẩu thì sản phẩm chè tồn kho và hậu quả thiệt hại nặng nề hơn cho doanh nghiệp và toàn ngành. Các doanh nghiệp đành phải bù chi phí hao mòn máy móc, nhà xưởng và thiết bị vào cước vận tải. Nghĩa là các doanh nghiệp thậm chí phải chấp nhận lỗ (không có tiền trích khấu hao cơ bản).”

Vùng nguyên liệu chè tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La của Tổng Công ty Chè Việt Nam - CTCP (Vinatea) - Ảnh: Sơn Thủy

Theo thông tin từ đại diện Tổng Công ty Chè Việt Nam - CTCP (Vinatea) chia sẻ, trong thời gian qua, ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 khiến hoạt động logistics và chi phí cước vận tải tăng cao đối với ngành chè xuất khẩu, cùng với đó nhóm hàng nông, thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nổi bật nhất là tình trạng khan hiếm container rỗng, cước vận chuyển liên tục gia tăng, làm tăng chi phí của doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm ngành chè Việt Nam nói chung cũng như nông sản xuất khẩu của cả nước nói riêng trên thị trường thế giới.

Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới giá cước vận chuyển liên tục tăng trong hơn 1 năm qua. Đặc biệt từ giai đoạn cuối năm 2021, giá cước container sản phẩm chè và hàng nông, thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam tới Mỹ, châu Á, châu Âu… đã bị đẩy tăng rất mạnh và hiện chưa có tín hiệu hạ nhiệt, khiến giá thành sản phẩm tăng theo, làm giảm sức cạnh tranh và giảm giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khó khăn trong hoạt động vận chuyển còn dẫn tới rủi ro không hoàn thành kịp đơn hàng cho đối tác, làm mất uy tín và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Xuất khẩu hàng hóa trong năm 2022 được dự báo vẫn tăng trưởng khả quan nhờ các giải pháp sản xuất an toàn, linh hoạt, nhiều ngành từ trên 1 tỷ USD đến vài chục tỷ USD hiện đã “đầy ắp” đơn hàng cho quý I, thậm chí nhiều doanh nghiệp có đủ đơn đến hết quý II. Nhưng đi kèm theo thuận lợi về đơn hàng, thị trường, rào cản cước phí vận chuyển tăng hơn chục lần so với trước dịch, thậm chí một số thời điểm doanh nghiệp chấp nhận thuê tàu giá cao, nhưng không thuê nổi, thực sự là bài toán thách thức doanh nghiệp.

Tổng Công ty Chè Việt Nam - CTCP (Vinatea) nhận định cước vận tải tăng, thách thức hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành chè Việt Nam - Ảnh: Sơn Thủy

Ông Nguyễn Văn Qúy - Phó Giám đốc Công ty TNHH chè Á Châu cho biết: “Đối với chi phí cước vận tải từ năm 2021 đến nay vẫn tăng cao, đây là tình trạng chung của ngành chè Việt Nam trong quá trình xuất khẩu đi thị trường các nước những năm gần đây. Cụ thể, tình hình sản xuất chè năm 2022 gặp nhiều khó khăn như phân bón cũng tăng đột biến so với năm 2021 tăng lên 100% thành ra lên 200%; nhiên liệu dùng cho chè là than cũng tăng khoảng 44%... đây là những khó khăn phát sinh thêm với ngành chè hiện nay. Về cước vận tải xuất khẩu thì đều ảnh hưởng chung, nhưng đối với ngành chè thì ảnh hưởng nhiều hơn, tuy giá trị của ngành chè không cao, nhưng cũng có những lô hàng tăng đến 70% …”.

Thời gian tới, hoạt động xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và các cam kết về thuế quan ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia được thực thi một cách đầy đủ hơn. Cùng với đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu. Gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Mai Hương - Phòng Quản lý xuất khẩu, Công ty TNHH Thế Hệ Mới cho biết: “Không chỉ phải chịu cảnh giá cước tăng, doanh nghiệp còn gánh thêm hàng loạt loại phí như phí cân bằng container, phí kẹt cảng, phí vệ sinh, phí nhiên liệu sạch…Công ty TNHH Thế Hệ Mới được thành lập năm 1998, là Công ty chuyên kinh doanh, sản xuất và xuất khẩu chè. Sản phẩm chính bao gồm Trà đen P, PS, OP, OPA; Trà xanh Sencha, Shan tuyết, Chunmee, Thái Nguyên; Trà Lotus, Jasmine, trà đóng gói,.. hệ thống 15 nhà máy chè trên toàn quốc; về năng lực xuất khẩu 20.000 tấn chè/ năm, chiếm 20% tổng sản lượng chè xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu ra 50 quốc gia trên thế giới, thị trường chính: Ceylon, Ấn Độ, Kenya, Indonesia,..Sản phẩm đạt chất lượng ISO 22000: 2018, HACCP”.

Phóng viên trao đổi với bà Mai Hương - Phòng Quản lý xuất khẩu, Công ty TNHH Thế Hệ Mới - Ảnh: Sơn Thủy

“Chi phí vận tải biển đã tăng quá mạnh, cộng với Covid-19 liên tục thêm chủng mới cho thấy, ảnh hưởng của cước vận tải biển tăng còn kéo dài.Trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh nhằm đa dạng hóa phương thức vận tải, không chỉ phụ thuộc đường thủy nữa, đường sắt là sự lựa chọn trong một số tuyến xuất khẩu hàng hóa”- bà Mai Hương nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô, Thái Nguyên cho biết: “Thời gian qua các doanh nghiệp, HTX ngành chè đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19 chưa kịp phục hồi thì nay lại cộng thêm vấn đề mới đó là giá xăng dầu tăng cao, việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến chi phí tăng kép cả về vận chuyển nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển sản phẩm đầu ra. Cùng với đó, là bất ổn địa chính trị gây ảnh hưởng không nhỏ cho việc xuất khẩu chè bởi ngành vận tải hoạt động trong hệ thống logistics đều tăng phí vận chuyển đi đôi với nó là việc thiếu hụt container dẫn tới lưu thông hàng hoá chậm khiến cho viêc vận chuyển đã khó lại càng khó khăn”.

Ông Hoàng Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô chia sẻ về những khó khăn trong ngành chè hiện nay - Ảnh: Sơn Thủy

Đặc biệt, theo thông tin trao đổi về vấn đề chi phí vận tải tăng cao và những vấn đề khó khăn trong ngành chè Việt Nam. Ông Nguyễn Kim Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phẩn Tập đoàn NTEA Việt Nam cho biết: “Hiện nay đối với Công ty chúng tôi đang xuất khẩu sản phẩm chè cho 37 nước trên thế giới. Trong những năm gần đây trước tình hình dịch bệnh covid -19 diễn biến phức tạp sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vận chuyển hằng hải. Cụ thể, cước vận chuyển xuất khẩu sản phẩm chè khô từ Việt Nam đến các nước Afghanistan và Pakistan… tăng 5 - 6 lần, thời gian vận chuyển tăng 2-3 lần so với thời điểm không có dịch, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất , kinh doanh của doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Kim Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phẩn Tập đoàn NTEA Việt Nam trao đổi với phóng viên về cước vận tải tăng và những thách thức hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp - Ảnh: Sơn Thủy

“Việc thiếu hụt container tại các cảng biển, cùng với giãn cách xã hội tại nhiều địa phương trong năm 2021 và 2022 đã khiến một số cảng chính ngừng hoạt động hoặc ứ đọng khối lượng hàng lớn do giảm nhân sự làm việc, khiến nhiều lô hàng xuất khẩu bị ách tắc, trở thành “lực cản” đối với các doanh nghiệp khi phải trả thêm chi phí lưu trữ hàng hóa, kho bãi, kho lạnh. Các yếu tố này đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất khẩu ngành chè và những nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam, dẫn đến tình trạng nhu cầu tiêu thụ của thế giới tăng nhưng doanh nghiệp trong nước rất khó để giao hàng đúng hẹn” - ông Cường chia sẻ thêm.

Để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ngành chè và nông sản trong nước, việc thực thi và triển khai các biện pháp giảm chi phí logistics để góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cho ngành chè, nông sản Việt Nam là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản của nước ta trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25%, khá cao so với mức 10 - 15% của các nước trong khu vực./.

Sơn Thủy – Hương Trà/ KTDU

Từ khóa: