Bản tin hôm nay sẽ có nhưng tin chính sau đây: Giữ uy tín cho hàng Việt; Chìa khóa để chè Thái Nguyên hội nhập; Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng toàn diện…
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và những thế khó
Xuất khẩu gạo mặc dù được cho là có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng các DN trong ngành hàng này vẫn đang lường trước nhiều khó khăn trong quý III/2022.
Áp lực chi phí logistics sẽ còn ở mức cao trong các tháng tới cũng làm cho DN xuất khẩu gạo của Việt Nam lo ngại lợi nhuận sụt giảm mạnh. Vấn đề khiến DN lo lắng nhất giá gạo xuất khẩu sẽ đứng yên, trong khi chi phí sản xuất kinh doanh lại tăng vọt, như vậy rất khó để có được lợi nhuận.
Hay như với xuất khẩu rau quả. Một số DN chuyên xuất khẩu trái cây tươi cho biết, lợi nhuận của DN bị ảnh hưởng lớn vì nhiều chi phí khác không ngừng tăng cao, giá cước vận chuyển cũng tăng như vũ bão. Với áp lực chi phí quá lớn như hiện nay, công sức của DN bỏ ra rất nhiều nhưng lời lãi là rất ít, thậm chí phải chịu lỗ.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm, kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn tiếp diễn như giá cả vật tư đầu vào, giá xăng dầu vẫn ở mức cao kéo theo lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine, Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid”, nguy cơ đại dịch Covid-19 có thể quay trở lại cũng tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới.
Dự kiến mức tăng trưởng kinh tế của nhiều nước sẽ giảm và thấp hơn so với năm 2021. Người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu, theo đó các nước sẽ giảm nhập khẩu hàng hóa. Các vấn đề trên sẽ tác động trực tiếp đến DN xuất khẩu Việt Nam, trong đó có DN xuất khẩu nông sản.
Giữ uy tín cho hàng Việt
Thời gian qua, nhiều loại nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã bị các nước nhập khẩu cảnh báo, thậm chí thu hồi, tiêu hủy vì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng. Mới đây nhất, Đức, Ba Lan và Malta đã đưa ra 3 cảnh báo liên quan đến mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), trong đó có một sản phẩm có hàm lượng ethylene oxide (EO) - hóa chất được sử dụng bảo quản thực phẩm tránh mốc, hỏng nhưng cũng được sử dụng trong thuốc trừ sâu - vượt ngưỡng quy định.
Tuy nhiên, theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vấn đề cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm xuất khẩu cần được hiểu đúng để có cách ứng xử đúng, tránh gây hoang mang.
Theo ông Ngô Xuân Nam, từ đầu năm đến nay, hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF) đã phát đi 2.531 cảnh báo về sản phẩm của các quốc gia vi phạm quy định. Riêng Việt Nam có 50 cảnh báo khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang EU tăng mạnh là điều dễ hiểu.
"Có nhiều trường hợp có thể dẫn đến cảnh báo như: 1 chai nước mắm trong lô hàng bị vỡ, thanh long bị xuống cảm quan (xuống mã - PV)… chứ không phải hễ bị cảnh báo là vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Tùy theo mối nguy mà lô hàng bị nhà chức trách EU xử lý khác nhau: tiêu hủy, thu hồi hoặc chỉ thông báo về cho cơ quan quản lý Việt Nam. Đây là các biện pháp để các nhà xuất khẩu phải tuân thủ quy định thị trường" - ông Nam lý giải.
Theo đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, thời gian qua, nhiều mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc ở nhiều quốc gia, kể cả sản xuất tại các nước thuộc EU, bị cảnh báo về hàm lượng hợp chất EO vượt giới hạn dư lượng cho phép theo quy định của EU.
Chìa khóa để chè Thái Nguyên hội nhập
Là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn kinh tế ổn định cho người trồng chè Thái Nguyên, tuy nhiên, thương hiệu “Chè Thái Nguyên” hiện mới nổi danh trong nước, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Từ thực tế đó, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã tích cực triển khai xây dựng mã số vùng trồng trên cây chè. Đây được coi là chìa khóa quan trọng cho chè Thái Nguyên hội nhập quốc tế bền vững.
Xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích chè gần 4.500 ha. Xã có gần 40 hộ thuộc hai xóm Cầu Đá và Non Bẹo tham gia xây dựng mã số vùng trồng với diện tích 11,4 ha. Sản phẩm chè của Hoàng Nông chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau khi triển khai mã số vùng trồng trên cây chè, nhiều người dân ở Hoàng Nông đã hiểu được giá trị và lợi ích khi áp dụng mô hình này.
Để khuyến khích người dân áp dụng mã số vùng trồng, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên còn phối hợp với một số đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ có uy tín trên thị trường nhằm mang tới cho người dân những sản phẩm tối ưu, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện quy trình mã số vùng trồng. Ngoài ra, khi được cấp mã số vùng trồng, các đơn vị này sẽ đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Điều này góp phần từng bước hình thành mối liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm chè.
Nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng toàn diện
Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch bệnh cũng như những biến động từ thị trường, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp thích ứng với tình hình để duy trì tăng trưởng. Trong đó có việc chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các biện pháp kết nối thị trường.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, TP đã và đang tập trung mở rộng diện tích trồng rau, tập trung vào các loại rau ngắn ngày, có hiệu quả kinh tế cao và cây ăn quả chủ lực. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, diện tích rau của Hà Nội đã đạt 23.878ha, tăng 2,25%; diện tích cây ăn quả hơn 19.800ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ. TP cũng đầu tư cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chất lượng cao để duy trì giá trị tăng trưởng.
Đáng chú ý, nhiều địa phương trên địa bàn TP đã chủ động chuyển đổi sản xuất, đạt kết quả tích cực. Đơn cử như huyện Thanh Oai, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 934 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về những thách thức, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, thị trường không ổn định. Trong khi đó, nguy cơ tái phát dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm vẫn rất cao. Đáng nói, các DN, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ.
Để giữ nhịp tăng trưởng trong những tháng cuối năm, với lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm 2022; thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, có sự kết nối với DN và thị trường để ổn định khâu tiêu thụ.
Tiến Hoàng/KTDU