Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin nông sản 3/6: Nông nghiệp tuần hoàn - hướng đi tất yếu

Những thông tin đáng chú ý về nông sản sẽ có trong bản tin hôm nay: Nông nghiệp tuần hoàn - hướng đi tất yếu; đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân; giá xuất khẩu thủy sản dự báo tiếp tục tăng nửa cuối năm…

Nông nghiệp tuần hoàn - hướng đi tất yếu

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương chia sẻ, kinh tế tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Các sản phẩm, phế phụ phẩm sẽ được sử dụng, tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, giảm thất thoát, hạn chế tối thiểu lượng chất thải, tăng hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường.

Nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn là tất cả phế thải của quá trình sản xuất trước hết phải được coi là nguồn tài nguyên, là nguyên liệu của quy trình sản xuất sản phẩm tiếp theo. Các yếu tố trong hệ thống sản xuất nông nghiệp tuần hoàn bao gồm: Tuần hoàn chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, nước, năng lượng...

Trở lại thực tế sản xuất, theo bà Phạm Thị Mỗ (nông dân ở thôn Thượng Quất, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), hiện nay, nhiều hộ dân tại địa phương áp dụng mô hình cấy lúa tuần hoàn gắn với khai thác, nuôi cua, chạch, cá rô đồng... đạt giá trị cao, thậm chí, thu hoạch từ lúa không lãi cao bằng việc thu từ các giá trị gia tăng tự nhiên.

Nếu hộ dân gieo cấy khoảng vài sào ruộng thì một vụ lúa thu được ít nhất 10-20kg cua, 5-10kg cá rô đồng, 10kg chạch đồng với giá bán dưới dạng "đặc sản" như hiện nay (hơn 100.000 đồng/kg) đã đem tới hiệu quả kinh tế khá cao và qua đó, nông dân có thể sống tốt từ ruộng đồng.

Theo kiến nghị của Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, muốn nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, bắt buộc phải làm kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay cần gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về kinh tế tuần hoàn, bởi lẽ có nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng.

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân

Khẩn trương thu hoạch lúa mùa - Báo Nhân Dân

Vụ xuân 2022, Hà Nội cơ bản vẫn đạt kế hoạch đề ra, năng suất trung bình ước đạt 60 tạ/ha dù thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng sinh trưởng, phát triển của các trà lúa cũng như giá các loại vật tư “đầu vào” tăng cao…  

Phó Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Ứng Hòa Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Ứng Hòa gieo cấy hơn 8.000ha lúa xuân, dự kiến từ ngày 25-5 bắt đầu thu hoạch. Nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, lúa chưa chín rộ nên từ ngày 2-6 mới vào vụ thu hoạch chính và dự kiến ngày 12-6 cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa xuân. Mặc dù năng suất lúa không cao bằng vụ xuân 2021 nhưng vẫn đạt trên 65 tạ/ha.

Tương tự tại các huyện: Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ... mặc dù sản xuất vụ xuân gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn hoàn thành các mục tiêu đề ra. Nói về "bí quyết" giữ được năng suất lúa, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Hoàng Thị Tuyết chia sẻ: Thứ nhất, cơ cấu 80% giống lúa chất lượng cao, có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Thứ hai, chú trọng phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ, chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Thứ ba, sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, tiết kiệm; hạn chế bón phân đạm ở thời kỳ lúa đứng cái, làm đòng để đề phòng bệnh đạo ôn và bệnh bạc lá... Theo đó, hầu hết các hợp tác xã không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với cây lúa trong vụ xuân.

Về thời gian thu hoạch chậm so với dự kiến, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Mai Minh Hương lý giải: Vụ xuân năm 2022, Hà Nội gieo cấy được gần 84.000ha lúa, đạt 102,7% kế hoạch. Một số diện tích lúa gieo cấy sớm để tránh lũ tiểu mãn ở các huyện như: Quốc Oai, Thạch Thất... bị ngập do mưa lớn phải thu hoạch trước thời điểm dự kiến. Diện tích lúa chính vụ cũng bị các đợt không khí lạnh muộn và kéo dài nên trỗ muộn, thời gian chín kéo dài. 

Giá xuất khẩu thủy sản dự báo tiếp tục tăng nửa cuối năm

Chế biến phụ phẩm thủy sản: Xóa khoảng trống tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 4 năm nay, xuất khẩu thuỷ sản mang về trên 1 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 4 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu gần 3,6 tỷ USD, cao hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cá tra là mảng tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong nhóm thủy sản. So với tháng 4/2021, xuất khẩu cá tra gấp hơn hai lần với kim ngạch 297 triệu USD. Nhờ đó, luỹ kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch đạt 950 triệu USD, tăng 94%. Hai thị trường chính của cá tra Việt Nam vẫn là Trung Quốc và Mỹ, tỷ trọng là 32% và 24,5%, lần lượt tăng 161% đạt 306 triệu USD và 128% đạt hơn 232 triệu USD, trong 4 tháng đầu năm. 

Với tôm - mặt hàng có xuất khẩu lớn nhất trong ngành thủy sản, tháng 4, xuất khẩu tôm đạt hơn 442 triệu USD, tăng 47%. 4 tháng đầu năm, kim ngạch đạt 1,4 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Top 5 thị trường nhập tôm chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc ghi nhận tăng trưởng 15-91% trong giai đoạn này.

Mỹ, Trung Quốc - hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới ghi nhận kim ngạch nhập khẩu tôm Việt Nam lần lượt 291 triệu USD và 187 triệu USD, sau 4 tháng, tăng 47% và 91%. 

Cá ngừ là mặt hàng khác có giá trị kim ngạch vượt 100 triệu USD trong tháng 4, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, con số là 368 triệu USD, tăng 63%.

Vải thiều lần đầu xuất hiện trong Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản

Từ ngày 15/12/2019, vải tươi Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản đồng ý mở cửa, cho phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Sản lượng xuất khẩu mặt hàng này vào Nhật Bản tăng đều qua từng năm.

Vải Thiều Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường quan trọng – Trang Ngoại  giao Kinh tế

Cụ thể, vào năm đầu tiên xuất khẩu (2020), lượng nhập khẩu vải tươi khoảng 40 tấn. Đến niên vụ thứ hai (năm 2021), sản lượng tăng gấp gần 10 lần, đạt khoảng 300 - 400 tấn. Con số này dự kiến sẽ tiếp đà tăng trong năm nay.

Thành công bước đầu của vải thiều Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường Nhật Bản có nguyên nhân từ việc: Đây là một trong những loại hoa quả nhập khẩu được người tiêu dùng Nhật Bản mong chờ nhất trong mùa hè.

Nhằm quảng bá hình ảnh trái vải tươi Việt Nam rộng rãi hơn nữa, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức sự kiện giới thiệu trái vải tươi tại Lễ hội Việt Nam tại Tokyo năm 2022, diễn ra từ ngày 4-5/6/2022, trùng thời gian thu hoạch vải thiều chính vụ tại Việt Nam.

Song song với việc nâng chất lượng và giá trị sản phẩm, các công ty Việt Nam và đối tác Nhật Bản cũng đẩy mạnh hợp tác trong chuyển giao công nghệ bảo quản mới, giúp vải thiều có thể giữ màu sắc, hương vị trong thời gian lâu hơn.

Việc giám sát chất lượng được thực hiện trong tất cả các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, thu hái. Đặc biệt, quả vải sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế ngay trong vòng 3 tiếng để giữ được độ tươi ngon.

Tại lễ hội năm nay, trái vải được đóng gói theo túi 1kg, 2kg hay 5kg, nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu từ tiêu dùng cá nhân, đến mua làm quà tặng cho bạn bè, đối tác…

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: