Sự kiện hot
3 năm trước

Bản tin nông sản 7/6: Hướng đi đúng của nền nông nghiệp hiện đại

Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin nông sản hôm nay: Nông dân phấn khởi khi giá tôm tăng cao; cơ hội quảng bá nông sản của nông dân Bình Phước; 'chìa khóa' xuất khẩu gạo Việt vào thị trường Bắc Âu…

Hướng đi đúng của nền nông nghiệp hiện đại

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã luôn quan tâm chú trọng tới công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại

Cụ thể, Bộ đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch các ngành, lĩnh vực để thống nhất với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 150/QĐ-TTG ngày 28.01.2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân...

Đến nay, hệ thống các tổ chức sản xuất, nhất là HTX ngày càng có vai trò quan trọng, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhất là nhiệm vụ tổ chức nông dân sản xuất theo quy trình an toàn và kiểm soát nội bộ chất lượng sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc; đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân... Năm tháng đầu năm 2022, cả nước đã thành lập mới 456 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 77 Liên hiệp HTX nông nghiệp, trên 18.500 HTX nông nghiệp; trong đó có khoảng 60% HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt; thu hút được 3,28 triệu hộ (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước).

Nông dân phấn khởi khi giá tôm tăng cao

Thị trường tôm sú, tôm thẻ bắt đầu nóng, nhà nông hóng mùa tết - Đời sống -  Việt Giải Trí

Trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng tôm ở Cà Mau đạt khoảng 98.000 tấn, tăng gần 11% so cùng kỳ năm ngoái, giá tôm nguyên liệu, nhất là tôm sú các loại cũng tăng cao nên bà con rất phấn khởi.

Từ đầu tháng 5 đến nay, giá tôm thẻ nuôi thâm canh tại Cà Mau tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, riêng tôm thẻ kích cỡ nhỏ 100 con/kg được thu mua trong khoảng 95.000 - 97.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg dao động từ 225.000 - 235.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; loại 30 con/kg được xuất bán từ 185.000 - 195.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.

Năm 2022, Cà Mau phấn đấu tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 630.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm đạt 230.000 tấn, sản lượng chế biến tôm là 157.000 tấn.

Nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Cơ hội quảng bá nông sản của nông dân Bình Phước

Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh lần thứ V diễn ra từ ngày 2/6, đã tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi trực tiếp giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong 5 ngày diễn ra, đã có 5 bản ghi nhớ được ký kết về tiêu thụ nông sản, hỗ trợ phát triển nông nghiệp số cùng nhiều thỏa thuận về hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, tiêu thụ nông sản... được ký kết, hứa hẹn thành công trong thời gian tới.

Khai mạc Hội chợ trái cây và hàng nông sản Bình Phước lần thứ 4 năm 2019

Quy mô 200 gian hàng, trong đó 90 gian hàng trưng bày các loại trái cây, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng, thể mạnh, phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; sản phẩm OCOP; thiết bị phục vụ nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp... Các sản phẩm tham gia trưng bày, mua bán tại Hội chợ rất đa dạng, phong phú về kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại. Đặc biệt, các sản phẩm trái cây được đông đảo người dân đánh giá đẹp về mẫu mã, ngon về chất lượng.

'Chìa khóa' xuất khẩu gạo Việt vào thị trường Bắc Âu

Do tác động tích cực của Hiệp định EVFTA, mặt hàng gạo của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên thị trường như gạo Ấn Độ, Thái Lan. Bên cạnh đó, Thương vụ cũng đã tích cực xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nhập khẩu gạo Việt Nam để được hưởng lợi thuế quan

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, do thị trường gạo Bắc Âu khá nhỏ. Ngoài việc cạnh tranh các loại gạo thông thường với Thái Lan và Campuchia, các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu thị trường ngách, đối với những loại gạo có ít cạnh tranh hơn. Ví dụ, trong thời gian vừa qua, Thương vụ đã thành công trong việc bước đầu đưa gạo Japonica vào thị trường Thụy Điển.

Hiện nay, doanh nghiệp khu vực này thường mua gạo Japonica từ các nước trồng gạo trong khu vực EU như Tây Ban Nha, Ý, hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, gạo Japonica Việt Nam chất lượng không thua kém gạo cùng loại của Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý nhưng giá chỉ từ 1/3-1/2. Do vậy, khi được giới thiệu và nhập khẩu thử, các doanh nghiệp đều hào hứng với loại gạo này của Việt Nam.

“Hiệp định EVFTA công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý với một số loại gạo của Việt Nam. Gạo ST24, ST25 được giải thưởng gạo ngon thế giới. Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu đưa các loại gạo này vào thị trường Bắc Âu với thương hiệu Gạo đặc sản Việt Nam” – Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển chỉ rõ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cố gắng tạo ra nhiều loại sản phẩm độc đáo, kết hợp một giống lúa độc đáo với các phương pháp sản xuất hữu cơ, bền vững và tác động đến kinh tế xã hội. Đồng thời nhận thức rằng thị trường cho loại gạo đặc sản này còn rất nhỏ và đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Gạo đặc sản có chứng nhận hữu cơ hoặc thương mại công bằng cũng sẽ làm tăng giá trị sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường Bắc Âu.

Mở lối đi rộng hơn cho nông sản đến vụ

Khai thác tiềm năng thị trường nội địa: Lối thoát cho nông sản Việt | Báo  Dân tộc và Phát triển

Từ đầu tháng 5 đến nay, hàng chục hội nghị kết nối tiêu thụ, tuần lễ trái cây, ngày hội nông sản,… đã diễn ra trên khắp cả nước, từ Bắc Kạn, Sơn La, Hải Dương, Hà Nội đến Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp,… Không chỉ ở cấp tỉnh, thành phố, mà các quận, huyện trực thuộc cũng tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, kết nối cung - cầu để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản đến vụ. 

Có thể thấy những ngày qua các tỉnh, thành phố và các hệ thống phân phối đã bận rộn thế nào trong công tác thúc đẩy tiêu thụ trái cây, nông sản tại thị trường nội địa. 

Để có những hoạt động sôi nổi như vậy, ngay từ cuối năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chỉ thị nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho 8 đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương và Hiệp hội ngành hàng trong đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản. 

Đồng thời, chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong hệ thống; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: