Thị trường vừa qua chủ yếu trong trạng thái tích lũy đi ngang và sẽ tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn trong năm 2020. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này, các chuyên gia chứng khoán cho biết, những cơ hội vẫn có vì chu kỳ tăng dài hạn của thị trường vẫn còn đang tiếp diễn.
Diễn biến các phiên giao dịch trong tuần qua chưa thực sự khởi sắc, nhưng diễn ra theo hướng tích cực với điểm số tăng và có sự phân hóa trở lại. Trong tuần tới, tuần giao thời giữa năm 2019 và 2020, thị trường sẽ chuyển động theo chiều hướng nào, theo các ông/bà? Còn nhìn một cách tổng quan, TTCK trong năm 2020 có “dễ thở” hơn so với năm nay?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Trong các năm gần đây, thị trường thường có những tuần cuối quý/cuối năm biến động khá lớn, đặc biệt ở những mã trụ và luôn có tin đồn về việc chốt NAV của các quỹ đầu tư. Tôi cho rằng, tuần tới thị trường sẽ diễn ra theo kịch bản tương tự, tuy nhiên việc các mã trụ tăng hay giảm mạnh ở 2-3 phiên cuối năm là khó dự báo.
Nhìn xa hơn về năm 2020, tôi cho rằng sẽ diễn biến tương tự như năm 2019 khi sẽ phân hóa và đi ngang. Thanh khoản có thể không được cải thiện và duy trì ở mức thấp giống năm 2019, do vậy tần suất xuất hiện các phiên bùng nổ hoặc "trắng sàn" sẽ thấp.
Mặc dù cơ hội lướt sóng sẽ khó nhưng tôi cho rằng đây là môi trường phù hợp cho các nhà đầu tư dài hạn có thể lựa chọn các mã kỹ càng để nắm giữ lâu dài.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi cho rằng, thị trường trong tuần qua chủ yếu trong trạng thái tích lũy đi ngang trong vùng giá 960 – 963 điểm của chỉ số VN-Index. Tôi đánh giá trạng thái tích lũy có thể sẽ nhanh chóng kết thúc trong 1-2 phiên giao dịch đầu tuần tới và thị trường sẽ sớm bước vào giai đoạn xu hướng rõ ràng hơn.
Điểm tích cực tôi quan sát thấy là dòng tiền đã có sự dịch chuyển sang nhóm Largecaps và dòng tiền đầu cơ cũng hướng sang nhóm cổ phiếu bất động sản cho nên tôi kỳ vọng xu hướng ngắn hạn có thể tích cực hơn vì nhóm Smallcaps khó có thể hình thành sóng tăng cho xu hướng chung của thị trường.
Trong năm 2020, tôi vẫn nhận thấy thị trường sẽ còn khó khăn, nhưng cơ hội vẫn có vì chu kỳ tăng dài hạn của thị trường vẫn còn đang tiếp diễn và tôi cho rằng cơ hội này sẽ xuất hiện trong quý 1/2020. Và thận trọng ở giai đoạn còn lại.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tuần qua, thị trường đã quay đầu tăng 0,74% nhưng thanh khoản giảm 18,7%, sau 4 tuần giảm liên tiếp chỉ số VN-Index đã tăng 2/3 tuần gần đây qua đó củng cố vùng hỗ trợ ở ngưỡng 950 điểm.
Trong tuần tới, nhiều khả năng thị trường vẫn tiếp tục đi lên trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp, đây cũng là diễn biến thường thấy ở những tuần giao thời giữa năm cũ và năm mới. Hỗ trợ đà tăng của thị trường lúc này là việc khối ngoại đã quay trở lại mua ròng, dòng vốn quốc tế cũng đang có dấu trở lại các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong 3 tuần gần đây thanh khoản luôn duy trì ở mức thấp nhưng thị trường vẫn tăng 2/3 tuần như vậy khả năng điều chỉnh là thấp so với khả năng tích lũy hoặc phục hồi.
Về kỹ thuật, thị trường có thể tiếp tục đi lên với mô hình 2 đáy nhỏ, ngoài ra tín hiệu phân kỳ của chỉ số VN-Index đang ủng hộ khả năng mở rộng đà tăng của chỉ số.
Về triển vọng TTCK trong năm 2020, đã có một số tổ chức trong và ngoài nước nhận định tích cực, điều đó là hoàn toàn có cơ sở khi nền tảng vĩ mô vẫn được đánh giá sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường, bên cạnh đó rủi ro bên ngoài cũng giảm đi so với năm vừa qua và dòng vốn đầu tư quốc tế có thể quay trở lại đối với các thị trường mới nổi cũng như Việt Nam. Trong ngắn hạn, chu kỳ tăng tốt của thị trường thường rơi vào quý I, sau đó thị trường sẽ có xu hướng rõ hơn khi có thêm các thông tin mới.
Trong khi các chỉ số ở thị trường quốc tế liên tiếp lập đỉnh mới thì thị trường trong nước vẫn gần như “dẫm chân tại chỗ”, dù được thông tin vĩ mô hỗ trợ. Có thể “cắt nghĩa” sự trái chiều này như thế nào, theo các ông?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Thị trường trong nước mặc dù năm nay "dậm chân tại chỗ", tuy nhiên nếu nhìn dài hơn về các năm trước thì mức tăng trưởng như vậy theo tôi là hợp lý.
Cụ thể thì từ 2017 tới nay, VN-Index tăng khoảng 45%, tương đương mức tăng S&P500 và cao hơn hẳn thị trường Trung Quốc và châu Âu. Tôi cho rằng, thị trường đang ở mức định giá phù hợp.
Ngoài ra, thế giới mặc dù giảm tốc và có ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhưng nhờ các chính sách kích thích tài khóa, tiền tệ nên đang trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi, thị trường chứng khoán được hưởng lợi khá nhiều.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi nghĩ đó là sự lựa chọn của dòng tiền, đặc biệt yếu tố rủi ro thấp luôn được đặt lên hàng đầu trong năm 2020 do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài và rủi ro địa chính trị cho nên dòng tiền tìm kiếm đến các kênh đầu tư an toàn. Đồng thời, các yếu tố vĩ mô phản ánh trái chiều từng nhóm ngành nghề, điều này cũng đã khiến dòng tiền có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Ngoài ra, việc đà tăng trưởng mạnh trong hai năm 2017 và 2018, đặc biệt đà giảm sốc kể từ tháng 04/2018 cũng đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên suy yếu và chịu nhiều tổn thất trong giai đoạn này cho nên thị trường sẽ mất rất nhiều thời gian để thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường.
Còn yếu tố khác trên góc độ chu kỳ thị trường, tôi cho rằng, chỉ số VN-Index đang trong chu kỳ tăng trưởng dài hạn cuối cùng cho nên đà tăng ở chu kỳ này thường có mức độ thanh khoản kém và việc tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này sẽ trở nên khó khăn hơn, nghĩa là điều quan trọng nhất là tìm cổ phiếu nào trong danh mục của mình.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Có thể có một số nguyên nhân khiến thị trường trong nước lệch pha với các chỉ số chính của thị trường quốc tế như: 1)Thanh khoản sụt giảm: có tới 3/4 thời gian giao dịch trong năm vừa qua thị trường chỉ dao động trong vùng từ 940 điểm đến khu vực 1.000 điểm. Theo thống kê, thanh khoản thị trường năm 2019 bình quân đạt 4.697 tỷ đồng/phiên, giảm 34% so với cùng kỳ. Trong đó, thanh khoản riêng khớp lệnh đạt 3.500 tỷ đồng/phiên, giảm 39% so với cùng kỳ.
2) Khối ngoại bán ròng trong 5 tháng liên tiếp: mặc dù trong năm nay, khối ngoại mua ròng 7.866 tỷ đồng (tương đương 338 triệu USD) trên toàn thị trường, trong đó dòng vốn chảy qua các quỹ ETF đạt 244,81 triệu USD.
Tuy vậy, kể từ tháng 8 đến tháng 12 khối ngoại liên tục bán ròng thông qua khớp lệnh. Diễn biến này tương đối giống với giai đoạn cuối năm 2016. Đây có thể là một trong các nguyên nhân chính khiến thị trường trong nước có sự lệch pha với các thị trường quốc tế.
Sự sôi động ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa hiện vẫn ở mức khá thấp. Liệu sự chuyển biến tích cực này thường sẽ có hiệu ứng lan tỏa sang các cổ phiếu khác và khi sự lan tỏa đủ mạnh sẽ tạo ra làn sóng tăng giá trong giai đoạn đầu năm 2020 không, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Thị trường đang 2020 việc lựa chọn cơ hội đầu tư trở nên khó khăn, tuy nhiên áp lực giải ngân vẫn còn đó, đặc biệt ở các quỹ đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, dòng tiền ETF gần đây cũng đã hoạt động khá tích cực và có thể là câu chuyện dòng tiền chính trong năm tới.
Trong khi việc giải ngân những mã nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn, thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể là điểm đến của dòng tiền này. Vì vậy, tôi đánh giá trong quý I/2020 vẫn là cơ hội đối với nhóm vốn hóa lớn, nhưng với nhóm vốn hóa thấp hơn sẽ khó tạo ra làn sóng tăng giá nếu không có câu chuyện đủ mạnh hỗ trợ.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi cho rằng, thị trường sẽ có kịch bản lạc quan trong giai đoạn quý 1/2020.
Nhiều lý do để nhận thấy kịch bản này, đầu tiên là vĩ mô ổn định và dự báo tăng trưởng GDP 2020 vẫn có thể trên mức 6.5%. Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rẻ và việc phần lớn các cổ phiếu vẫn duy trì tăng trưởng hai con số. Thứ ba, quý 1 thường là thời điểm tăng trưởng mạnh nhất trong năm với mức tăng trưởng trung bình là 3,27% qua các năm.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Theo thống kê, kể từ đầu năm cho tới nay, chỉ số VN-Idex tăng 7,95%, trong khi các nhóm index khác như: VN30 tăng 2,5%, nhóm Smallcap tăng 1,98%, thậm chí nhóm Midcap còn giảm nhẹ 0,02%.
Thị trường đang trong giai đoạn tích lũy sau nhịp điều chỉnh lớn kể từ giữa tháng 11, làn sóng tăng giá trong giai đoạn đầu năm 2020 (nếu có) thì khả năng những cổ phiếu hoặc nhóm cổ phiếu đã tăng trong năm vừa qua sẽ có nhiều cơ hội tăng sang năm thứ 2 liên tiếp.
Vì vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, Vn30…vẫn là địa chỉ của dòng tiền ở giai đoạn tăng đầu tiên, sau đó dòng tiền mới có sự lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu nhỏ khác.
Trong báo cáo triển vọng TTCK 2020, một số CTCK nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản tiếp tục được kỳ vọng là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong năm tới. Còn quan điểm của ông/bà?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Ông Nguyễn Thế Minh
Tôi cho rằng, năm sau không có dòng nào đủ mạnh để dẫn dắt thị trường, mà là câu chuyện ở từng cổ phiếu cụ thể.
Về nhóm Ngân hàng mặc dù có tăng trưởng lợi nhuận nhưng khả năng sẽ chậm lại và không tạo được cú hích lớn như các năm vừa rồi. Trong khi tín dụng và lãi suất đang giảm, dư địa từ xử lý nợ xấu cũng không còn nhiều trong bối cảnh base lợi nhuận cao năm 2019.
Về mặt dòng tiền thì ngành này có thể tận dụng được cơ hội khi nhiều mã mới lên sàn và là đích đến của dòng tiền ngoại, tuy nhiên dòng tiền này biến động thất thường và khó dự báo. Chỉ những ngân hàng nào xử lý được các điểm nghẽn tăng trưởng hoặc phát hành tăng vốn thành công thì mới thực sự là cơ hội.
Đối với ngành bất động sản, sẽ khó biết khi nào là đỉnh nhưng đã có nhiều dấu hiệu rõ ràng về việc triển khai dự án, mức độ tăng nóng của đất nền đã chậm lại và thanh khoản sụt giảm. Cần lưu ý là mức độ vay nợ của nhóm bất động sản đã tăng lên đáng kể trong 2 năm qua, trong đó tập trung tương đối nhiều thông qua hình thức trái phiếu với tài sản đảm bảo khó được thẩm định kỹ lưỡng. Đây là một trong những rủi ro tiềm ẩn của ngành này trong năm 2020.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Năm 2020, tôi vẫn ưa thích nhóm ngân hàng, còn nhóm bất động sản có thể chỉ tăng tích cực trong quý 1/2020 và sẽ khó khăn trong các quý còn lại do tình hình bất động sản năm 2020 dự kiến sẽ còn khó khăn. Nhóm ngành bán lẻ, công nghệ dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Theo tôi, sẽ có sự phân hóa mạnh hơn đối với các cổ phiếu trong từng nhóm, do vậy nhà đầu tư cần chọn lọc, khả năng có sóng cho một nhóm cổ phiếu nào đó sẽ khó.
Về cơ hội đầu tư, triển vọng ngành và cổ phiếu cho năm 2020, tôi cho rằng nên tập trung vào các mảng như: Bán lẻ, công nghệ, ngân hàng, hàng không, nhiệt điện…
Hoàng Anh
Theo Đầu tư Chứng khoán