Sự kiện hot
11 tháng trước

Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Kênh huy động vốn quan trọng
Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Về nâng cao chất lượng thị trường: Chính phủ đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế. Đây là một xu hướng và thông lệ phổ biến trong phát triển thị trường chứng khoán các nước trên thế giới hiện nay. Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025 và phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế nhằm nâng tầm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Về hội nhập quốc tế: Thị trường chứng khoán Việt Nam tích cực hội nhập vào thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 có gì mới?

Về phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới, tiếp tục triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ; từng bước triển khai hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán, các sản phẩm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đơn lẻ hoặc nhóm cổ phiếu; cải tiến chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCK phái sinh...; hướng tới phát triển đa dạng các sản phẩm phái sinh dựa trên nhiều tài sản cơ sở khác nhau.

Nghiên cứu, triển khai đa dạng các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, các loại sản phẩm cấu trúc, các loại chứng chỉ lưu ký, các loại chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, các công cụ tài chính xanh phù hợp với trình độ phát triển của TTCK.

Nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa, trong đó, thực hiện sắp xếp, phân loại cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam dựa trên quy mô, chất lượng đồng thời nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cố phiếu.

Thẩm định, giám sát chặt chẽ việc phát hành chứng khoán; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích theo phương án phát hành được cấp phép theo quy định pháp luật; kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin của các doanh nghiệp huy động vốn trên TTCK; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật về niêm yết/đăng ký giao dịch.

Tăng cường kiểm tra việc tuân thủ công bố thông tin báo cáo tài chính; kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và dịch vụ kế toán - kiểm toán; xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: