Các anh chị khóa trên, những người đã ra trường và đi làm từng an ủi chúng tôi: “Bằng cấp không quan trọng đâu em ơi, chủ yếu do năng lực của mình thôi”.
Các anh chị khóa trên, những người đã ra trường và đi làm từng an ủi chúng tôi: “Bằng cấp không quan trọng đâu em ơi, chủ yếu do năng lực của mình thôi”.
Thật sự tôi vô cùng ngưỡng mộ những người thành đạt, với tài sản kếch sù từ chính bàn tay mình làm nên. Người có bằng cấp làm được điều này đã là quá tài, giờ người không cần bất kỳ chứng nhận, bằng cấp nào mà thành công, thật sự, đúng là thần tượng của lòng tôi. Và tôi càng bái phục hơn, những ai giữ một cương vị cao trong xã hội đi lên chính khả năng của mình, mà không cần các mối quan hệ nâng đỡ.
Không biết các bạn thế nào, nhưng với tôi, với một sinh viên mới ra trường, cũng có cái bằng đấy. Khi chạy đôn chạy đáo đi xin việc tôi mới thấy thấm thía giá trị của nó. Không tiền, không mối quan hệ, nhưng để ngồi được vào một vị trí tốt, thu nhập tốt, ôi, đó chính là cái bằng quyết định.
Các anh chị khóa trên, những người đã ra trường và đi làm từng an ủi chúng tôi: “Bằng cấp không quan trọng đâu em ơi, chủ yếu do năng lực của mình thôi”. Ừ, lúc đó nghe sướng đấy, lạc quan đấy nhưng giờ, tôi nhận ra, mình thiếu mất một điều kiện: Ừ, bằng cấp không quan trọng đâu, ừ, chủ yếu do năng lực của mình; nhưng mà đi kèm với nó phải là tiền, là quan hệ”. Nên một đứa con nhà nông như tôi, bằng cấp là tất cả.
Tại sao ư? Đơn giản, tôi không tiền, nhà tôi không có công ty riêng hay cơ ngơi nào cả, bố mẹ tôi không có quen ông này hay bà kia. Nhưng khổ nỗi, tôi muốn tìm được một công việc để duy trì cái dạ dày, sự sống của tôi, muốn ba mẹ tôi bớt khổ cực khi tuổi già đang đến.
Ảnh minh họa
Tôi không có tiền chạy điểm, vừa học vừa làm nên với cái bằng khá cử nhân đã là một hạnh phúc. Theo gót các đàn anh, đàn chị đi làm thêm, tôi cũng tích lũy được kinh nghiệm, cũng thành thạo việc đấy. Nhưng để tìm được công việc thu nhập ổn định, thực sự tôi choáng: “Cử nhân, tốt nghiệp loại giỏi hoặc khá với điểm TB >= 7,5”. Tự tin vào khả năng của mình, tôi có đủ. Nhưng hỡi ôi, cái hồ sơ của tôi, cái CV (sơ yếu lý lịch) của tôi, nó không vượt qua nổi vòng nộp hồ sơ. Mà có khi, mất luôn sự can đảm gửi xe và bước chân vào công ty đó. Vậy thử hỏi, sự cố gắng của tôi, năng lực của tôi, kinh nghiệm của tôi ai sẽ biết đây? Đấy là chưa kể, nhiều nơi còn đòi hỏi phải tốt nghiệp từ trường lớn này, trường lớn nọ. Ừ, người ta vẫn nói ầm ầm, đào tạo chỉ là trên lý thuyết, giữa học và làm khác nhau. Học nhiều nhưng tận dụng vào công việc chỉ phần nào; ừ, cái chính phụ thuộc vào năng lực, ý thức, khả năng. Trời, nhưng các nhà tuyển dụng, xã hội ta đâu coi trọng cái tự học, cái tự mày mò chứ.
Người ta chỉ coi trọng cái được đào tạo từ trường lớn, trình độ cao; chứ đâu coi trọng cái tự đào tạo. Anh cao đẳng làm tốt hơn anh cử nhân, nhưng anh cử nhân lương vẫn cứ cao hơn. Các bạn cử nhân, các bạn có dám chắc các bạn hơn toàn bộ các bạn tốt nghiệp trung cấp hay cao đẳng cùng ngành bạn không? Nếu có ai, nhà tuyển dụng nào dám khẳng định vậy thì thật là thất vọng cho cái mác cử nhân – cái mác được đào tạo sâu về tư duy, lý luận, nhìn nhận. Mà thạc sĩ giấy, tiến sĩ giấy cứ nhan nhản, nhưng xã hội ta, người tuyển dụng vẫn cứ yêu cầu.
Rồi chưa kể, vi tính có người lướt như phím đàn, sử dụng thành thạo các thủ thuật, ứng dụng, nhưng khổ không có chứng chỉ hay bằng cấp nào cả. Hay tiếng anh giao tiếp được, dịch thuật tốt, nhưng không có chứng nhận, cũng loại. Nên cứ hỏi sao dịch vụ làm chứng chỉ Tin học, ngoại ngữ cứ mọc lên như nấm, phát triển ẩm ầm. Không có thời gian thi hay để kịp thời hạn dự tuyển, người ta cứ đổ xô đi mua thôi.
Hiện tại, có mấy nhà tuyển dụng chỉ yêu cầu nộp một cái CV, rồi gọi người ta phỏng vấn, dự thi. Thử hỏi, tại sao người ta cứ cố gắng bán chất xám, sức lực đến kiệt quệ cho những công ty nước ngoài.
Nói chung, để có một công việc ổn định, thu nhập tốt, có thời gian cho gia đình, có thời gian cảm nhận cuộc sống; ở cái xã hội ta ngày nay, với tôi bằng cấp vô cùng quan trọng. Tôi chẳng phải thiên tài nên chẳng thay đổi được xã hội. Chỉ khi nào xã hội thay đổi thì suy nghĩ và quan điểm của tôi mới thay đổi.
Vậy còn các bạn thì sao? Với bạn, bằng cấp có quan trọng không?
SuriYan
Theo Nguoiduatin