Tháng 8 thu về, là lúc một mùa trăng Rằm lại đến với sự mong ngóng về thứ bánh truyền thống đậm chất Hà Nội xưa, cũng là lúc tôi tìm về cửa hàng bánh trung thu truyền thống Bảo Lộc.
“Miếng ngon nhớ lâu” - ẩm thực truyền thống Việt Nam
Tôi tìm về địa chỉ tại số 59 Lê Hồng Phong, tọa lạc trên con phố nay nhộn nhịp, tấp nập nhất nhì tại quận Hà Đông, nơi đây không ai là không biết đến thương hiệu bánh trung thu Bảo Lộc đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ, như những năm tháng miệt mài gìn giữ “vị cổ truyền” của thế hệ cha truyền con nối trong gia đình. Bước chân đến xưởng sản xuất của Bảo Lộc thì thật khó có thể cưỡng lại được thứ hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ những chiếc bánh nướng thơm ngon mới ra lò cũng như sự thu hút không thể rời mắt từ hình ảnh người thợ đóng gói tay nhanh thoăn thoắt cho vào hộp từng chiếc bánh dẻo gọn gàng, vuông vắn và đẹp mắt.
Bên chén nước trà xanh với hương nồng đượm, xen lẫn vị chát nhẹ tinh tế, tôi may mắn được ông Tạ Tường Bảo và con trai là anh Toàn, kể cho nghe về những tuyệt chiêu làm nên thứ hương vị truyền thống trải qua đã gần 4 thế hệ. “Phải nói rằng có những người đã thưởng thức bánh nhà chúng tôi đến 3 đời nay và kể cả có những người dù bôn ba làm ăn bao năm ở nước bạn xa xôi khi quay về, cũng không thể quên được vị bánh mà quay lại tìm mua.Thời bao cấp, tôi chỉ nghĩ làm ra chiếc bánh Trung thu để tiếp tục công việc ông cha để lại mưu sinh cho cuộc sống nhưng không ngờ, chiếc bánh nhỏ bé ấy lại được các thế hệ nối nghiệp cho đến tận bây giờ. Với tôi, sản phẩm làm ra và đưa được đến tay người tiêu dùng giống như mâm cơm chúng tôi ăn hàng ngày, nó phải là sự trân trọng, nâng niu và đảm bảo nhất”. ông Bảo chậm rãi chia sẻ như một lời tâm sự, giãi bày.
Anh Toàn trao đổi thêm: “Bảo Lộc vốn nổi tiếng khó tính về khâu nhập nguyên liệu đầu vào. Mỡ là loại nguyên liệu chiếm 50% trong nhân bánh, sau khi được sơ chế đầy đủ đúng quy trình các bước thì ra thành phẩm đưa vào làm nhân phải đảm bảo được sạch và trong như miếng bí, không còn độ ngấy mà chỉ có độ ngậy và thơm của mùi rượu hay mùi hoa bưởi thoang thoảng, khi đó mới được đưa vào để sử dụng. Bánh trung thu truyền thống thường sẽ có hai nhân cổ truyền chủ đạo là thập cẩm và đậu xanh. Sau này đời sống người dân phát triển thì có thêm nhiều loại nhân đa dạng, phong phú hơn như gà quay, thịt xá xíu, nhân cốm dừa, nhân các loại nông sản: khoai môn, đậu đỏ, trà xanh…Hiện tại trên danh sách tại cửa hàng có 10 đầu sản phẩm chính, tuy nhiên, các loại nhân truyền thống vẫn luôn được ưa chuộng và hết hàng đầu tiên.”
Giữ vị cổ truyền từ tâm và lòng yêu nghề
Ngay từ khi mới tiếp bước làm nghề, ông Tạ Tường Bảo đã luôn tâm niệm một điều mà cha của mình răn dạy: Người làm nghề phải chân thật, không gian dối. Sản xuất ra mỗi chiếc bánh phải có cái tâm đặt trong đó, để người ăn được thưởng thức và nhớ mãi hương vị bánh cổ truyền của dân tộc. Mình không phụ khách hàng thì nghề cũng không phụ mình. Những năm về sau, khi đất nước phát triển, có những xưởng sản xuất bánh công nghiệp mọc lên như nấm mà còn có rất nhiều người làm bánh handmade bán tràn lan trên mạng. Chiếc bánh truyền thống của gia đình ông cũng bị ảnh hưởng đôi chút. Có thời điểm những chính sách kinh doanh buôn bán chưa được mở rộng, còn nhiều khó khăn, ông Bảo cũng nhiều lần vắt tay lên trán trăn trở xem có nên thay đổi sang mô hình sản xuất công nghiệp hay không. Thế nhưng khi suy nghĩ kỹ, gia đình ông vẫn muốn giữ gìn bản sắc, hương vị bánh truyền thống từ thời cha mình.
Những năm sau đó, dòng người vẫn giữ trọn vẹn sự trân trọng với hương vị cổ truyền mà tới mua bánh tại xưởng của ông không hề thay đổi, thậm chí gia tăng đáng kể. Có cả những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Phồn Thịnh Tae Wang cũng đặt của Bảo Lộc hàng nghìn sản phẩm để mang đi biếu tặng, quan hệ với đối tác…, hay những khách hàng quanh năm cứ đến ngày Rằm, Mùng 1 lại mua cặp bánh của Bảo Lộc để về dâng lễ Tổ tiên.
Cao điểm một ngày vào dịp lễ Tết có thể lên đến 3.000 chiếc bánh được xuất đi, mỗi chiếc bánh có giá trung bình từ 30 - 50 nghìn, còn sản phẩm cao cấp hơn sẽ do khách hàng đặt làm theo yêu cầu xứng với số tiền mà khách bỏ ra, nhiều khi cửa hàng còn không đủ lượng bánh để mua bán trực tiếp tại cửa hàng.
“Những tiêu chí mà Bảo Lộc vẫn luôn đặt ra hàng đầu trong quy trình chế biến thực phẩm là phải ngon mắt, đặc trưng hương vị truyền thống và đảm bảo tất cả sản phẩm làm ra đều từ nguyên liệu tự nhiên, “tự tiêu tự sản”. Vì thế tôi tin, sớm muộn gì người ta cũng quay về với cổ truyền như tôi đã gìn giữ chiếc bánh gia đình bao năm qua thôi”, ông Bảo mỉm cười.
Rất vui và hân hạnh
Như đã nói, khi tôi tới đây, được nghe những câu chuyện từ xa xưa của ông Tạ Tường Bảo và gia đình, được chứng kiến sự hối hả của người bán cũng như sự tấp nập của người mua, thì tôi mới hiểu được phần nào rằng, quả thật những hương vị vốn là cổ truyền thì sẽ bền vững và giữ được mãi theo năm tháng. Minh chứng cho việc đó là có rất nhiều vị khách đến với cửa hàng vào mỗi dịp trăng tròn hay ngày lễ, đều mang trong lòng mong muốn tìm lại khẩu vị quen thuộc mà chỉ có Bảo Lộc mới là lựa chọn duy nhất. Khi được hỏi, chị Hà (45 tuổi, La Khê, khách mua hàng) cho biết: “Năm nào tôi cũng đến đây mua bánh về ăn và mang đi biếu, bởi vì đây là dòng bánh cổ truyền lâu năm mà gia đình tôi vô cùng yêu thích, ăn rồi khó quên lắm. Các loại bánh hiện đại bây giờ đâu chả có. Năm nay tôi phải tranh thủ đến sớm để không phải chờ lâu”. Hay như bác Đức (72 tuổi, Văn Quán) dù ngày càng cao tuổi nhưng năm nào cũng đạp xe sang tận cửa hàng để được mang về những chiếc bánh mà theo bác, đó là sự cảm nhận của hương vị chỉ có từ thời xa xưa, đối với bác: “Chiếc bánh không chỉ là một món ăn, mà nó còn là tinh thần, là sự gợi nhớ về những nét cổ truyền dân tộc truyền lại để con cháu cùng ghi nhớ mỗi dịp trăơng rằm!”
Với cá nhân tôi, sự khác biệt của sản phẩm “làm từ tâm” chính là chìa khóa trong lòng người tiêu dùng bằng chính cái tâm và cái tình của người làm bánh mà khi đến đây, tôi đã thực sự được trải nghiệm sâu sắc nhất.
PV/KTDU