Nghe lạ tai, nhưng Frienvy là một thói xấu mà nhiều cặp bạn đang mắc phải và có khả năng phát tán như một tên vi-rút.
Nghe lạ tai, nhưng Frienvy là một thói xấu mà nhiều cặp bạn đang mắc phải và có khả năng phát tán như một tên vi-rút.
Frienvy – Chuyện thường tình thế thôi
Được viết tắt, kết hợp từ hai danh từ “friend” (tình bạn) và “envy”(sự ghen tị), frienvy dùng để chỉ những cơn ghen nảy sinh trong quan hệ bạn bè, đồng nghiệp. Nếu ghen tuông là trạng thái cảm xúc thường gặp khi yêu, thì Frienvy là biểu tâm lý phổ biến giữa những người bạn, đặc biệt khi một trong hai có sự chênh lệch về trình độ, nhan sắc… Tuy nhiên, frienvy ít khi biểu hiện ra bên ngoài mà thường ẩn náu, ngấm ngầm trong tâm khảm.
Khi BFF có boyfriend
Mình có cô bạn thân tên là Lan. Hai đứa chơi rất thân với nhau. Thế nhưng, từ khi có người yêu, nó chẳng thèm quan tâm đến mình. Trước đây, tôi có buồn phiền gì, chỉ cần sms, là cô nàng sẽ đến bên cạnh an ủi. Nhưng bây giờ thì một là nó sẽ kiếu “bận”, hai là nhắn tin bảo: “Mình đang ở bên anh í. Gặp cậu sau”, nhưng rốt cuộc chẳng thấy tăm hơi. Nó còn vô tâm đến mức, gặp mình chỉ toàn huyên thuyên về chàng “bồ” mà không để ý tâm trạng một người đang lẻ bóng. Cứ nghĩ cảnh nó đang cười tíu tít với bạn trai, còn mình thì chẳng có ai bên cạnh, là lại cảm thấy khó chịu rồi.
(Ngọc An , 16 tuổi)
Tâm trạng của bạn y hệt tâm trạng người anh trong câu chuyện “nhà mình có thành viên mới”. Ban đầu, người anh rất thích thú khi mẹ sinh em bé nhưng sau đó lại tỏ vẻ ghen tức với cậu em do có cảm giác ba mẹ chẳng còn quan tâm, yêu thương mình như trước. Thậm chí đứa em có làm sai điều gì, thay vì quát mắng, mẹ lại ra chiều bênh vực dỗ dành. Điều này khiến cậu cảm thấy hụt hẫng, tổn thương.
Thế nhưng, trạng thái này sẽ nhanh chóng qua đi nếu bạn nghĩ vấn để thoáng ra một chút. Sẽ như thế nào khi trái tim bạn bắt đầu “loạn nhịp” vì ai kia. Liệu ban có thể suốt ngày ở bên cạnh cạ cứng và đủ sức chối từ những cảm xúc mới mẻ mà tình yêu thưở đầu mang đến. Bởi thế, thay vì ủ rũ, trách móc nọ kia, bạn nên thông cảm hơn cho cô ấy và tìm một người khác để khoảng trống được lấp đầy.
Nỗi lòng chàng “ví mỏng”
“Ra trường, tôi và Minh thuê chung phòng sau 4 năm cùng ở ký túc. Cả hai nhanh chóng tìm được một công việc đúng chuyên ngành đã học. Thời gian đầu, lương khởi điểm của tôi và nó “san sát” nhau. Nhưng sau một năm, thu nhập của Minh cao hơn hẳn tôi. Cậu ta sắm sửa được khá nhiều thứ. Trong khi tôi, thì vẫn cứ lẹt đẹt. Mặc dù, bề ngoài tôi luôn tỏ vẻ mình chẳng quan tâm gì đến vấn đề này nhưng kỳ thực trong bụng thì lại thấy tưng tức…”
Nam Anh, 23 tuổi
Khi thu nhập ai đó cao hơn mình, ngoài cảm giác chạnh lòng, thì ghen tị cũng là một biểu hiện cảm xúc thường gặp. Đó là lý do vì sao chúng ta thường có xu hướng giấu nhẹm hoặc “nhẹ hóa” sự thật về mức lương vì sợ người khác so sánh này nọ.
Tuy nhiên, điều này chỉ khiến bạn “dậm chân tại chỗ” hơn thôi. Thay vì thế, bạn nên trau dồi thêm kiến thức, phát triển các mối quan hệ để có một công việc tốt với mức lương “đáng mơ ước”.
Frienvy tích cực, bạn rất nên
Ghen tị quá đà dĩ nhiên là điều không tốt. Nhưng nếu bạn chẳng có chút máu ghen thì điều này phần nào chứng tỏ bạn thuộc tuýp người dễ hài lòng, thỏa hiệp với bản thân.
Ngoài ra, ghen có khả năng lây nhiễm như vi-rút nếu bạn thường xuyên chơi với những anh chàng, cô nàng hay bỉ bai, soi mói người khác. Vì thế, lời khuyên ở đây là hãy “frienvy” một cách thông minh, khéo léo. Tức bạn nên lấy ưu điểm, thế mạnh của người khác làm động lực để mình phấn đấu, học tập. Bên cạnh đó, kết bạn với những người lạc quan, vui vẻ, quan điểm sống tích cực, cũng sẽ giúp bạn hạn chế những cơn ghen “không đáng”.