Sự kiện hot
13 năm trước

Bất chấp 'bão giá', hàng Tết trữ đầy kho

Bất chấp kinh tế khó khăn và sức tiêu dùng ảm đạm từ đầu năm đến nay, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vẫn đặt ra những con số tăng trưởng doanh thu rất cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Bất chấp kinh tế khó khăn và sức tiêu dùng ảm đạm từ đầu năm đến nay, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vẫn đặt ra những con số tăng trưởng doanh thu rất cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ đầu năm đến nay chỉ tăng khoảng 20%/tháng. Tuy nhiên, sau khi trừ đi "bão giá", mức tăng trưởng sức mua thực tế chỉ còn dao động từ 4-6% - mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Lạm phát trong năm 2011 tăng ở mức hai con số, cùng với hàng loạt khó khăn của nền kinh tế đã tác động đến tâm lý tiêu dùng và túi tiền của người dân khiến phần đông cắt giảm mạnh chi tiêu. Nhiều lĩnh vực bán lẻ rơi vào lao đao, nhất là điện máy với các vụ phá sản, đóng cửa, chuyển đổi kinh doanh đồng loạt.

Song dường như những ảm đạm của tình hình sức mua từ đầu năm đến nay đã nhanh chóng được quên đi. Chuẩn bị cho vụ kinh doanh lớn nhất trong năm, thay vì lo âu quan ngại, giới kinh doanh đang tăng tốc và dốc tổng lực cho công tác thu mua, dự trữ hàng hóa với những mức tăng trưởng doanh số đặt ra vẫn cao đáng ngạc nhiên so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân phối lớn lạc quan

Hồ hởi nhất trong số các nhà kinh doanh có lẽ là các siêu thị. Đến nay, hầu hết hệ thống lớn đã hoàn tất kế hoạch, chốt số lượng hàng hóa trong mùa mua cao điểm sắp tới. Căn cứ vào các diễn biến thực tế, các siêu thị nhìn chung đều lạc quan cho rằng, mức tăng trưởng sức mua sẽ không thấp hơn các năm trước.

Đơn cử, theo tin từ lãnh đạo hệ thống Intimex, số lượng hàng hóa được siêu thị này chuẩn bị tương ứng sức mua dự kiến tăng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hệ thống Co.op Mart thông báo cũng tăng lượng hàng thiết yếu phục vụ mua sắp cao điểm các tháng cuối năm lên gấp 4 lần so với tháng kinh doanh bình thường. Tổng lượng hàng được dự trữ là 24.000 tấn với số vốn 2.800 tỷ đồng. Bao gồm 9.000 tấn lương thực, 7.000 tấn thịt gia súc gia cầm, 7.000 tấn rau củ quả và 1.000 tấn thực phẩm chế biến.

Theo giới kinh doanh siêu thị, thực chất của sự tăng trưởng này chưa chắc là do giỏ hàng của mỗi người dân tăng lên so với cùng kỳ, mà chủ yếu xuất phát từ xu hướng chuyển từ mua sắm Tết ở chợ sang siêu thị cho tiện ích, ổn định giá cả.

Đại diện một hệ thống lâu năm phân tích, ảnh hưởng của kinh tế khó khăn đến sức mua là có, tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng, sắm sửa cho cái Tết đầy đủ của mỗi gia đình đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đa số người dân.

Với nhà kinh doanh thì nguồn cầu nhất là hàng thực phẩm, tiêu dùng tăng cao đến nỗi, không bao giờ lo Tết không bán được hàng. Mức tăng trưởng sức mua thực tế của đơn vị này chưa năm nào thấp hơn dự báo đưa ra.

Vị này tự tin đưa ra một hình dung, bình thường tỷ lệ mua sắm tại các hệ thống bán lẻ hiện đại trên cả nước mới chiếm 20% trên tổng thị trường, 80% còn lại tập trung ở các kênh phân phối truyền thống như chợ, cửa hàng nhỏ lẻ... Song đến Tết, các con số nói trên gần như đảo ngược lại với 80% mua sắm tại các siêu thị, trung tâm lớn.

Nhìn nhận một cách khách quan, tác động của sự khó khăn kinh tế đến sức mua của người dân có thể thấy rõ nhất ở việc tỷ trọng các mặt hàng phi thực phẩm tại các siêu thị liên tục giảm sút, nhường chỗ cho sự đắt khách và gia tăng của nhóm ngành hàng thực phẩm, ăn uống.

Một năm về trước, cơ cấu ngành hàng thực phẩm tại các hệ thống lớn thường chỉ chiếm chưa đến một nửa, đa số là hàng phi thực phẩm. Nhưng nay con số tỷ lệ hàng thực phẩm đã vươn lên chiếm tới 55-60%, cho thấy người tiêu dùng dành chủ yếu ngân sách cho nhu cầu không thể cắt giảm được là ăn uống.


Các siêu thị đón đầu sức mua tăng mạnh cuối năm (ảnh SGTT)

Chưa chốt được giá

Công tác dự trữ, đặt mua hàng hóa của các hệ thống phân phối lớn mới chỉ đảm bảo được về lượng hàng, còn chốt về giá cả thì phải đợi một vài tuần trước khi nhập hàng.

Ngay cả một số doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thực phẩm thiết yếu, dù việc sản xuất đã hoàn tất, thậm chí có nơi chỉ còn tập trung vào công tác bán hàng sau Tết, nhưng khi được hỏi cũng tỏ ra chưa chắc chắn về mức độ biến động giá tiếp theo của một số mặt hàng quan trọng tới đây.

Giám đốc phụ trách mảng thị trường nội địa của Công ty Chế biến Thủy hải sản APT tại TP.HCM cho biết, sản lượng hàng cung ra phục vụ thị trường Tết năm nay của đơn vị tăng từ 15-20% so với năm ngoái.

Công tác chuẩn bị hàng hóa, dự trù nguyên liệu đã được thực hiện từ cách đây nhiều tháng. Song riêng nguyên liệu cá tra, ba sa và mặt hàng tôm đang nhích giá khoảng 2.000 đồng/kg nguyên liệu tại ao nuôi ở miền Tây. Nếu cầu thị trường tăng vượt sản lượng dự kiến khiến nhà sản xuất phải sử dụng nguồn nguyên liệu bổ sung thì chắc chắn, giá thành phẩm sẽ phải điều chỉnh.

Dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn trên địa bàn ước tăng từ 20-22% so với Tết 2011. Theo thông lệ, các tháng Tết bao giờ chỉ số giá (CPI) cũng tăng từ 1-2%.

Tuy nhiên, trong điều kiện chuẩn bị lực lượng hàng hóa dự trữ dồi dào để bình ổn giá năm nay, Sở khẳng định sẽ khắc phục và kiểm soát, không để CPI tăng quá một con số trong tháng Tết.

Mặt hàng thịt tại Hà Nội, đại diện Công ty TNHH Minh Hiền - một đầu mối tham gia công tác bình ổn giá trên địa bàn, cho hay, đơn vị này đã chốt xong đơn hàng 350.000 tấn thịt lợn, 80.000 tấn thịt gà, 50.000 tấn thịt bò với các cơ sở chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn cung thịt gia súc, gia cầm còn khó khăn không tránh khỏi giá cả tăng lên từng ngày.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh và giá thức ăn chăn nuôi khiến người nuôi không tái đàn, nguồn cung khan hiếm, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nói rằng, Sở đã yêu cầu một số doanh nghiệp trực tiếp vào Nam khai thác, ký hợp đồng đem hàng ra Hà Nội.

"Giá thịt lợn hơi xuất chuồng ở Hà Nội đang là 55.000-57.000 đồng/kg. Tại TP.HCM đang là 52.000-53.000 đồng/kg. Khi doanh nghiệp vận chuyển từ TP.HCM ra thì giá cũng cao bằng Hà Nội hiện tại nhưng quan trọng là ở Hà Nội, giá cao mà lại khó mua, bắt buộc phải mở rộng khai thác" - ông Đồng nói.

Trong khi giá thực phẩm tươi sống vẫn còn đuổi theo nguồn cung và chờ đợi diễn biến nguồn cầu thì các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo hiện đã chốt xong sản lượng và giá bán.

Đại diện Bánh kẹo Kinh Đô cho biết, mặc dù giá nguyên liệu đều tăng trung bình đến 35% nhưng mùa Tết này hãng chỉ áp dụng mức tăng phổ biến là 15%. Tổng lượng bánh kẹo đưa ra thị trường vào khoảng 3.200 tấn, tăng 15% sản lượng so với Tết 2011.

Cũng với mức tăng trưởng sản lượng 15%, Bánh kẹo Hữu Nghị chuẩn bị lượng hàng từ 8.000-10.000 tấn cho cả vụ. Ông Minh Đức - Phó Giám đốc, đánh giá xét về tổng thể, 2011 là năm khó khăn của các doanh nghiệp nói chung. Nhưng trong lĩnh vực bánh kẹo, mỗi doanh nghiệp nội lại có lợi thế riêng về sản phẩm, năng lực, quy mô, thị trường.

Do kinh tế khó khăn, sức tiêu dùng các sản phẩm đắt tiền cũng hạn chế. Chưa kể việc mua, vay đôla để nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp cũng không dễ dàng, vì vậy bánh kẹo nhập khẩu đắt tiền từ châu Âu khả năng sẽ bị hạn chế hơn.

"Nếu tất cả các doanh nghiệp sản xuất nội địa đều lo sợ sức mua kém mà không gia tăng sản lượng thì có thể cuối vụ còn thiếu hàng. Trong kinh doanh, khó khăn cũng là cơ hội để tinh giản, nâng cao hiệu quả và bứt phá" - ông Đức nhìn nhận tích cực. 

 Nguyễn Nga
Theo VEF

Từ khóa: