Bất chấp những khó khăn hiện tại, nhiều chuyên gia vẫn có niềm tin vào thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian tới.
Theo ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty phát triển nhà Thủ Đức, từ sau tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 đến nay, đã có những động thái, chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ nhằm giải cứu thị trường BĐS. Đã có một số tín hiệu tích cực như lạm phát giảm đáng kể trong 2 tháng đầu năm, cùng với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán. Đồng thời, TP.HCM cũng có động thái tích cực nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ được các sản phẩm BĐS đang “tồn kho” qua việc mua lại những căn hộ để phục vụ chương trình tái định cư.
Nhiều chuyên gia vẫn có niềm tin vào thị trường BĐS sau giai đoạn trầm lắng - Ảnh: Mai Vọng
Tuy nhiên, ông Lê Chí Hiếu cho rằng nhiều DN BĐS vẫn còn đang lâm vào tình cảnh “rã rời” vì khát vốn. Điều quan tâm hiện nay là làm sao lãi suất ngân hàng giảm hơn nữa để các DN BĐS dễ thở hơn. Về vấn đề này, chuyên gia về thị trường, giá cả - tiến sĩ Vũ Đình Ánh - cho rằng khả năng cung cấp tín dụng trong năm 2012 là có, kể cả cho vay BĐS. Có 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới nguồn vốn vào thị trường BĐS theo hướng tích cực. Đầu tiên là lãi suất đã và sẽ giảm trong năm nay. Dòng vốn thứ hai là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực BĐS, có khá nhiều nguồn tin cho rằng sẽ vào Việt Nam khi tình hình thị trường BĐS nói riêng và tình hình tài chính vĩ mô nói chung trong năm 2012 có sự cải thiện. Một dòng vốn khác mà tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhắc các DN BĐS nên quan tâm, nếu không thúc đẩy sẽ không bao giờ có, đó là nguồn quỹ tín thác BĐS và quỹ tiết kiệm nhà ở. Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho biết ông tin rằng trong năm 2012 tình hình sẽ bớt khó khăn hơn so với những gì đã diễn ra trong năm 2011.
Đối với các nhà đầu tư, tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng không ở nước nào người ta ứng tiền để mua tài sản tương lai (chưa hình thành) liên quan đến BĐS nhiều như ở Việt Nam. Đây là kẽ hở cực lớn liên quan đến thị trường BĐS ảo, có khi người mua sang tay qua đến 10 lần mà cũng chưa thấy sản phẩm đâu cả. Ông khuyên nhà đầu tư không nên mua những BĐS còn dở dang, vì việc chuyển nhượng vốn sẽ vô cùng khó khăn so với BĐS đã hoàn thành. Về giá BĐS, theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh, hiện đang có nhiều thông tin giảm 30-40%, nhưng cũng có thông tin giá vẫn không giảm.
Nhưng dù có giảm hay không, hiện giá bán căn hộ vẫn còn quá cao so với thu nhập của đa số người dân. Thạc sĩ Dương Hải, Phó chủ nhiệm thường trực CLB Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO Việt Nam), cho rằng người có thu nhập 4 triệu đồng/tháng ở căn nhà giá 180 triệu đồng đã là xa xỉ rồi, nhưng làm gì có căn nhà với giá như thế tại TP.HCM. Hiện giá một căn hộ chung cư tối thiểu khoảng 600 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng trong giai đoạn khó khăn này, DN nào xây dựng nhà có giá thành thấp khoảng 5 triệu đồng/m2 thì mới có thể tồn tại. Ông cho biết ở Bình Dương hiện có DN xây dựng nhà với giá thành chỉ 3 triệu đồng/m2.
Tạp chí BĐS Nhà đất Việt Nam phối hợp cùng Diễn đàn thị trường và doanh nghiệp BĐS tổ chức chương trình tư vấn pháp lý cho các DN BĐS. Chương trình sẽ được các chuyên gia có uy tín như luật sư Trương Thị Hòa hỗ trợ về pháp luật cũng như các tranh chấp; tư vấn về tài chính và đầu tư sẽ do các chuyên gia của Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO Việt Nam) và Tập đoàn tư vấn và đầu tư Asia Invest đảm trách; KS Nguyễn Văn Đực (Công ty Đất Lành) và các cộng sự sẽ tư vấn về các giải pháp thiết kế và kỹ thuật.
|
Mai Khanh
Theo Thanh nien