Biến hình
Không nhiều người có thể nghĩ trước được rằng, kinh doanh BĐS và lĩnh vực thời thượng hiện nay là sản xuất nông nghiệp lại có lúc được nhập làm một. Mới đây đại diện của Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) đã chia sẻ hướng đi mới của doanh nghiệp này là nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp và trồng cao su.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PDR cho biết, đây là những ngành nghề được ưu tiên và có triển vọng. "Với nông nghiệp, quan điểm của PDR là tự làm và trồng trọt tất cả sản phẩm nào có thể đem lại giá trị thu hoạch tốt trong ngắn hạn.
Với cao su, dĩ nhiên không thể thu hoạch được ngay, nhưng sẽ mang lại nguồn thu ổn định trong tương lai. Khó khăn của thị trường bất động sản vừa qua giúp chúng tôi hiểu hơn, nguồn thu bất động sản không phải luôn ổn định" - vị lãnh đạo bộc bạch.
Hay mới nhất, một công ty BĐS tại Mỹ Đình đã sáng kiến, tận dụng diện tích trống của dự án để trồng rau sạch và trang trại nuôi gà. Theo đại diện doanh nghiệp nói trên việc trồng rau sạch không đòi hỏi việc đầu tư nhiều. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn tận dụng được nhân lực là những kĩ sư nông nghiệp đang làm ở bộ phận thiết kế cảnh quan môi trường vào trồng rau, còn bộ phận kinh doanh thì chuyển sang liên hệ hợp tác với các nhà hàng, siêu thị.
Lượng thực phẩm sạch của doanh nghiệp này cung cấp cho thị trường chưa nhiều nhưng đây là nguồn thu chính để trả lương cho nhân viên. Không ai muốn nhưng lãnh đạo doanh nghiệp BĐS thừa nhận, quyết tâm chuyển đổi như vậy đã gây sốc cho các nhân viên. Một số phản đối, xin nghỉ việc, chỉ còn lại những người tâm huyết gắn bó để tìm hướng kinh doanh mới.
Không có thế mạnh về đất đai, có doanh nghiệp lại tận dụng ngay những ngón nghề gia truyền. Gặp lại giám đốc một doanh nghiệp BĐS, anh vui vẻ cập nhật tình hình: "mới chuyển đổi sang kinh doanh tranh thêu để lấy ngắn nuôi dài".
Vị này khoe đã đầu tư hơn một tỷ đồng để tìm kiếm đối tác cung cấp nguồn hàng và chuyển đổi hệ thống văn phòng tư vấn địa ốc sang làm showroom bán hàng. Đội ngũ nhân viên của sàn được nhận nhiệm vụ mới là chào đón khách, tìm kiếm nguồn hàng và khách hàng...
"Việc chuyển hướng đã đem lại lợi nhuận khá ổn định so với kinh doanh BĐS. Sắp tới, không chỉ tranh thêu mà doanh nghiệp cũng sẽ bán thêm các sản phẩm tranh ảnh đồ mỹ nghệ tại các khu phố cổ, trung tâm thương mại..." - lãnh đạo công ty dự tính.
Từ chỗ là một công ty giám sát xây dựng cỡ nhỏ và vừa với khoảng 100 kỹ sư, cán bộ cộng tác rải rác ở các địa phương, do làm ăn kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không có việc làm, công ty Hoàng Lợi - doanh nghiệp tư nhân ở quận Hoàng Mai đến nay đã cắt giảm chỉ còn khoảng 20 nhân viên, mỗi người ăn lương chờ việc 2 triệu đồng/tháng.
Sau quá trình cầm cự hết cỡ vừa qua nhóm lãnh đạo công ty đã đưa ra một quyết định đột phá, đó là thuê mặt bằng, mở điểm rửa và bảo dưỡng xe ô tô tại một khu đô thị mới (Hà Đông) nhằm giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho số cán bộ nhân viên nói trên.
Lấy ngắn nuôi dài, không ít doanh nghiệp BĐS trên địa bàn Hà Nội cũng tranh thủ dự án chưa thực hiện, lấy mặt bằng để cho thuê làm bãi trông giữ xe, làm sân bóng, kinh doanh café, có người còn thầu quán cơm...
Anh Dương Thành nhân viên một sàn BĐS nay đã thuê địa điểm mở quán café tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) tâm sự, bán café chỉ để đỡ cái cảnh "nhàn cư vi bất thiện", còn thực lòng nhiều người như anh vẫn cứ nuôi hy vọng sớm được trở lại thị trường. Ai hỏi gì vẫn nói "đang làm BĐS".
Xoay xở trăm bề
Nói đến giới kinh doanh BĐS trong năm đen tối của thị trường 2011 người ta thường nhắc đến tình trạng bỏ nghề, nằm chờ, đóng cửa hàng loạt sàn giao dịch BĐS với một con số ước tính lên đến 50-70%. Năm nay, hy vọng vào thị trường của bộ phận kinh doanh này dường như đã được gạt sang một bên để sống, lao động thích ứng với thực tế trước mắt.
Một ông chủ trẻ tuổi của một DN BĐS đình đám khu vực Mỹ Đình đang được xem kinh doanh ổn định nhờ tìm được hướng đi mới cho cả đơn vị trong hơn 1 năm qua. Theo đó, nếu trước đây, sàn này chỉ tập trung bán hàng cho các dự án thuộc công ty mẹ thì thời gian qua, với lợi thế kinh nghiệm và thương hiệu sẵn có, sàn chuyển ra liên kết, làm dịch vụ tư vấn triển khai từ A-Z cho các dự án từ Bắc chí Nam.
Vị giám đốc trẻ quan niệm, công việc trên thị trường BĐS là một vòng tròn khép kín. Không chỉ công tác bán hàng, doanh nghiệp đang tiến tới đáp ứng được nhu cầu của thị trường, từ việc tư vấn phát triển dự án, tư vấn pháp lý, chiến lược thông tin, giới thiệu các nhà thầu về thiết kế, quy hoạch, thi công, xây dựng bộ hồ sơ bán hàng... Vì thế thị trường khó khăn thì nhịp độ công việc cũng không giảm sút.
Xuất phát từ một doanh nghiệp kinh doanh nội thất hơn chục năm về trước rồi phất lên từ hoạt động kinh doanh BĐS nhưng lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Phân phối DTJ - ông Nguyễn Quốc Khánh giờ đây cũng thức thời xác định, muốn tồn tại phải đi bằng hai chân.
"Ngoài việc cắt giảm nhân viên, các chi phí một cách tối đa, chúng tôi buộc phải đẩy mạnh hoạt động sang lĩnh vực khác để có thu nhập như đẩy mạnh môi giới cho thuê, làm phân phối cho các phân khúc nhà có cầu thực, đặc biệt, công ty còn kinh doanh mua bán, thiết kế nội thất cho các dự án với nhãn hiệu DTJ home", ông Khánh nói.
Ông Trần văn Phồn - một nhà đầu tư BĐS vẫn còn mắc kẹt tiền tại vụ án lừa đảo bán khống đất dự án Thanh Hà (Hà Đông) của Công ty 1/5 hồi năm 2010 cho biết đến nay các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị bắt; một phần tiền lên tới hơn 400 tỷ đồng của trên 200 nhà đầu tư tuy chưa được hoàn trả và nghe nói đã được chuyển thành cổ phiếu để đầu tư vào dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng (Từ Liêm).
Tuy nhiên khổ nỗi đã mấy năm trôi qua, tiền của không thấy về, cổ phần mắc lại dự án mà dự án cũng không thực hiện, chỉ thấy chủ đầu tư dự án Nam Đàn Plaza sử dụng đất để làm bãi đỗ xe và sân bóng. Điều này khiến lòng ông cũng như những người "mắc cạn" tại đây như có lửa đốt.