Sự kiện hot
12 năm trước

Bi kịch mang tên “vàng đen”

Cùng rời quê đến Quảng Ninh một ngày, cùng bị bắt trong một ngày và cùng lĩnh một mức án tù - Đó là bi kịch của 28 thanh niên thôn Quần Nham 2, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mảnh đất mang nặng nỗi đau

Chúng tôi tìm đến thôn Quần Nham 2, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi sinh sống của 28 thanh niên bị bắt trong đợt truy quét than thổ phỉ tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 13/12/2011. Bác Phạm Văn Phương, trưởng thôn cho biết: “Cả thôn tôi mấy tháng nay nhà nào cũng buồn như có đám, phụ nữ ra đường chẳng ai dám ngẩng mặt vì nỗi nhục chồng con vướng vào tù tội. Cái nghèo đeo đẳng đã lâu, tưởng đàn ông thoát ly sẽ giúp vợ con có cái ăn, cái mặc, ai ngờ…”.

Câu chuyện phải tạm dừng bởi tiếng cười sằng sặc phát ra từ phía đầu ngõ. Bác Phương kể tiếp: “Con bé đó là vợ thằng N, 2 đứa chúng nó lấy nhau được 3 năm. Lúc đầu gia đình chúng nó cũng êm ấm lắm, từ khi con bé con ra đời tai họa từ đâu cứ trút xuống. Ông bố chồng thì bị tai nạn chỉ nằm một chỗ, con bé con bị bại não. Nhà chỉ có mỗi sào ruộng mà có đến 5 miệng ăn, rồi lại tiền thuốc men chạy chữa cho bố, cho con. Đang lúc túng quẫn, thấy có người về làng thuê ra Quảng Ninh làm công nhân mỗi tháng cũng được chừng 3 triệu đồng nên con bé động viên chồng ra đi. Chồng nó đi làm chưa được 1 tuần thì có tin báo về là bị công an bắt. Từ đó con bé hóa điên”.


Các bị cáo tại phiên xét xử

Theo chỉ dẫn của bác Phương chúng tôi tìm đến nhà của bị cáo N. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là một ô gạch chừng 10m2 được quây tạm bợ, mái căng bạt, trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài 1 cái giường gỗ mọt và một chiếc chõng tre. Thấy chúng tôi đến, ông Toàn (bố của N) cứ ôm ghì đứa cháu nội oặt ẹo, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo rồi nói như van lơn: “Thằng N nhà tôi không bị công an bắt phải không chú? Nó đi làm ăn xa sắp về rồi phải không chú?”. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, lòng nghẹn đắng.

Cách nhà ông Toàn không xa là nhà của bà Hoàn (mẹ của bị cáo T). Xếp vội mấy mớ rau vào chiếc rổ để chuẩn bị cho buổi chợ chiều, bà buồn bã: “Nhục nhã với xóm làng lắm chú à. Nếu mẹ con tôi cứ dắt díu nhau nhờ mấy mớ rau này sống qua ngày thì vẫn còn có mẹ, có con, nhưng thằng T nó lại muốn đi làm để mua cho con nó bộ quần áo mới, chiếc cặp sách đẹp cho bằng chúng bằng bạn vì năm nay thằng bé con vào lớp 1. Giờ nó bị đi tù, con nó nhớ bố  nhưng tôi không có tiền để đưa thằng bé ra thăm bố nó. Tội nghiệp thằng bé, mẹ nó mất khi vừa đẻ ra nó, giờ lại bị bạn bè ghẻ lạnh vì có bố ở tù. Đêm nào nó cũng khóc, nó bảo nó không đi học nữa để bố nó sớm về nhà…”.

Thương tâm hơn là hoàn cảnh của 2 anh em bị cáo Nguyễn Xuân Long, Nguyễn Xuân Thiết. Bố mẹ của 2 bị cáo qua đời từ khi Long vừa tròn 1 tuổi. Anh em Long lớn lên trong sự cưu mang của bà con chòm xóm. Không có tiền để ăn học, 2 anh em chỉ biết nương tựa vào 1 sào ruộng đắp đổi qua ngày. Mấy tháng trước, thấy có người về làng thuê đi làm công nhân, vốn có sức khỏe, 2 anh em cùng dắt díu nhau đi, mong kiếm chút tiền về sửa lại căn nhà. Và rồi cả 2 anh em Long đều vướng vào vòng lao lý.

Theo tìm hiểu của PV, 28 phu than ở thôn Quần Nham 2 đều là những trụ cột trong gia đình. Họ có chung một đặc điểm là chỉ biết làm nông nghiệp, một nửa trong số họ không biết chữ, chưa bao giờ thoát ly khỏi làng và đều rất nghèo. Họ chấp nhận đến Quảng Ninh làm phu than với một hy vọng đổi đời nhưng khát vọng của 28 phận người này đều đóng lại sau cánh cửa trại giam công an tỉnh Quảng Ninh.

Bi kịch xé lòng

Được mời gọi đến Quảng Ninh làm công nhân với mức lương hấp dẫn, 28 thanh niên đã hăm hở rời làng. Khi đặt chân tới Hạ Long, họ mới vỡ lẽ, cái công việc kiếm được nhiều tiền mà họ phải làm là làm phu than cho 1 lò than thổ phỉ của tên Phạm Văn Ngọc. Hàng ngày, 28 con người phải thức dậy từ 6h sáng làm quần quật trong đường lò tối thui hẹp chừng 1m2, dài khoảng 100m được chèn chắn sơ sài bằng những khúc cây cho đến 6h tối mới được lên mặt đất. Nhiều hôm, để qua mặt lực lượng chức năng chủ lò bắt họ làm việc suốt đêm. Lương 2,7 triệu đồng/tháng. Không ai có bất kỳ một dụng cụ bảo hộ lao động nào.

Vất vả là vậy nhưng 28 con người không ai dám kêu than nửa lời, phần sợ bị đánh, phần sợ bị trừ lương. Họ làm việc được đúng 5 ngày thì bị công an TP.Hạ Long bắt giữ khi đang miệt mài đào than dưới lò...

Những ngày sống trong trại tam giam, 28 thanh niên không có một ai đến thăm nom. Khi được tin phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào 2 ngày11,12/7, người thân của 28 thanh niên mới lặn lội từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh. Không có tiền, họ mang cơm nắm ở nhà đi ăn, tối đến họ xin bìa các-tông trải ra ngủ trên vỉa hè cạnh cổng TAND tỉnh Quảng Ninh.

Trong không khí oi ả của mùa hè đất mỏ, một người đàn ông gần 60 tuổi bế trên tay đứa cháu chừng 6 tháng tuổi thở dài mệt mỏi sau một đêm thức trắng. Ông là Hoàng Văn Cầu, bố của bị cáo Hoàng Văn Tình, cạnh đó là  người con dâu Trịnh Thị Hiền.


Người thân của bị cáo trong thời gian chờ dự phiên tòa

Đưa tay gạt vội nước mắt, chị Hiền tâm sự: “Thấy tôi chuẩn bị sinh, anh Tình đi làm thuê khắp nơi để kiếm thêm tiền mua sữa cho con. Nghe mọi người nói đi đào than thuê sẽ có cơ hội đổi đời nên anh đi theo nào ngờ chưa gửi được đồng nào về nhà thì đã bị bắt. Muốn anh ấy nhìn mặt con một lát, tôi vay được 500.000 đồng để 2 bố con đi đường, không đủ tiền, bố con tôi chỉ dám ăn bánh mỳ, tối ngủ tạm ngoài vỉa hè. Đêm qua nóng và muỗi quá con bé con không ngủ được cứ khóc mãi”. Cạnh bên chị Hiền còn khoảng hơn chục người cũng khăn gói mong chờ đến giờ phút được gặp mặt người thân.

Đúng 8h, chiếc xe chở phạm nhân đỗ xịch trước sân TAND tỉnh Quảng Ninh. 28 bị cáo bước xuống từ chiếc xe bít bùng nóng hầm hập. Người thân của họ liền xô tới chỉ mong nhìn thấy chồng, con mình một lát sau gần 7 tháng xa cách. Những tiếng khóc xé lòng vang lên. 28 nông dân nghèo khó bị đưa ra xét xử vì tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên.

Sau vành móng ngựa, 28 thanh niên vẫn ngơ ngác không biết mình đã phạm tội gì, chỉ biết là mình đi làm thuê để lấy tiền công rồi bị công an bắt. HĐXX khá vất vả trong phần thủ tục vì tất cả những gì tòa nói và phổ biến cho các bị cáo đều quá mới mẻ và xa lạ. Họ không phân biệt được giấy triệu tập, quyết định xét xử và cáo trạng là gì…

Đại diện VKSND giữ quyền công tố phiên toà, phải thốt lên: “Từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa xảy ra một vụ án nào thương tâm như vụ án này. 28 bị cáo đều không được đi học, đều là những thanh niên chất phác, chỉ vì miếng cơm manh áo và thiếu sự hiểu biết nên đã bị kẻ xấu lợi dụng. Việc làm của các bị cáo đã tiếp tay cho những kẻ khác vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của địa phương, đến tính mạng của các bị cáo và những người xung quanh".

Vị đại diện VKSND cho biết: "Các bị cáo đã vi phạm vào khoản 1, Điều 172 BLHS”. Khi đã hiểu được mức độ nguy hiểm tại các lò khai thác than trái phép, trên khuôn mặt 28 nông dân mới hiện lên vẻ ăn năn,sợ hãi. Phiên tòa lặng lẽ trôi đi trong sự xót xa của cả HĐXX và những người dự khán. Được nói lời sau cùng, các bị cáo đồng thanh trả lời: “Mong pháp luật khoan hồng để các bị cáo sớm được về với gia đình để làm lại cuộc đời”.

Tòa tuyên án, 28 bị cáo phải chịu mức án 9 tháng tù giam. Cả hội trường như vỡ òa bởi những tiếng khóc nấc của 28 bị cáo và thân nhân của họ. Họ khóc vì tủi phận, vì cái nghèo, vì sự thiếu hiểu biết đã đẩy họ vào vòng lao lý.

Kết thúc phiên tòa, 28 bị cáo bước lên xe bít bùng trở về trại giam, để lại phía sau những ánh mắt khắc khoải và nỗi tiếc nuối của những người dự khán về 28 mảnh đời, 28 bi kịch từ “vàng đen”.

Nhật Thiên - Hoàng Hà
theo Người Đưa Tin

Từ khóa: