Để con làm quen với môi trường thiên nhiên xung quanh, giúp con học hỏi được nhiều điều từ cuộc sống và hơn hết, chị Nguyễn Hân luôn tạo điều kiện cho sức đề kháng của con được phát triển.
Mặc cho mọi người nói rằng mình nuôi con… không giống ai, chị Nguyễn Hân vẫn tự tin đọc những tài liệu khoa học về cách chăm sóc con để giúp hai mẹ con cùng đi trên hành trình khôn lớn và hoàn thiện mình.
Người mẹ trẻ Nguyễn Hân hiện đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai. Vì muốn có nhiều thời gian ở bên con nên chị Hân đã chọn cách kinh doanh online một số mặt hàng Mẹ và bé. Công việc bán hàng thường được chị tranh thủ khi con tự chơi hay ngủ nghỉ. Điều tuyệt vời khi làm mẹ của chị Hân đó là nuôi dạy và chăm sóc một em bé lanh lợi, thông minh, khỏe mạnh. Chị cho biết, hiện tại con chị đã gần 13 tháng và chưa từng uống một viên thuốc hay đi khám ở bệnh viện.
Chị Nguyễn Hân dành thời gian đọc sách, tìm hiểu tài liệu về nuôi con khoa học ngay từ khi mang thai.
Cùng trò chuyện với người mẹ trẻ đảm đang để có thêm kinh nghiệm nuôi con thuận tự nhiên.
- Chào chị Nguyễn Hân, để sinh con được khỏe mạnh, thời gian thai kỳ chị đã chăm sóc bản thân như thế nào?
Thời gian mang thai mình có nghén khoảng 3 tháng. Ngoài ra trong suốt thai kì mình hoàn toàn không gặp vấn đề gì về sức khoẻ của mẹ và bé, thai hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển tốt.
- Trong thời gian mang thai, chị đã chuẩn bị kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ như thế nào?
Theo mình không phải sau khi sinh con mới để ý đến việc làm gì giúp con phát triển tốt, mà ngay từ khi cấn thai, người mẹ nên chủ động trang bị toàn bộ kiến thức về quá trình mang thai, thai giáo từ trong bụng, tìm hiểu về việc nuôi con sữa mẹ có tầm quan trọng như thế nào đối với sức khoẻ lâu dài của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vận động lúc mang thai, sau sinh và vận động cho trẻ sơ sinh có những lợi ích gì...
Em bé có tên ở nhà là Kem.
- Thông thường, trẻ thường bị các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa trong những năm đầu đời. Chị đã làm gì để tăng sức đề kháng cho con?
Mình đã trang bị cho bản thân kiến thức sữa mẹ từ chuyên gia sữa mẹ quốc tế Betibuti ngay từ lúc mang bầu, nên sau sinh con được hưởng những nguồn kháng thể và dinh dưỡng vô cùng lớn khi được nuôi sữa mẹ. Mình tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo của WHO cho con bú sữa mẹ trực tiếp hoàn toàn 6 tháng đầu đời (không kèm bất cứ dung dịch nào khác kể cả nước lọc). Khi đến giai đoạn ăn dặm mình đã cho con ăn đa dạng thực phẩm tự nhiên (hoàn toàn nói không với đồ công nghiệp), ít chế biến nhiệt độ nhất, tươi và gần với nơi sinh sống nhất.
Ngoài ra, mình còn cố ý cho con tắm nước lạnh từ khá sớm. Đồng thời, mình đã cho con ra ngoài từ rất sớm (không kiêng 3m10d như các cụ bảo), con được trải nghiệm đi cùng mẹ rất rất nhiều nơi bằng đủ các phương tiện từ sớm nên không chỉ con dạn dĩ mà còn thích nghi cực nhanh và có sức đề kháng tốt ở nhiều vùng khí hậu khác nhau. Mình cũng hy vọng các mẹ đừng "ủ" con quá kĩ và quá lâu, vì quan niệm đó chỉ làm con khó thích nghi với thế giới rộng lớn.
Là người thích phượt nên sau sinh, chị Hân vẫn thường đưa con đi chơi đây đó.
Bé được mẹ địu đi chơi từ khi còn rất nhỏ.
- Khi con bị ốm, chị đã xử trí như thế nào nếu không đi khám và uống thuốc?
Do bản thân đã trang bị kiến thức về các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ sau khi sinh con, nên tâm lý đã được "đề kháng" mỗi khi con có biểu hiện của các triệu chứng bệnh. Với những lần con sốt mình chỉ luôn ở cạnh theo dõi con, sử dụng phương pháp điều nhiệt da tiếp da, tích cực bú mẹ và uống thêm các loại nước trái cây. Vì khi hiểu cơ chế "sốt là bạn", sốt là cần thiết và không nên cắt cơn sốt nếu bé không quấy khóc không thể ngủ được, thì cơ thể bé rất thông minh, hoàn toàn trở về thân nhiệt bình thường nhanh chóng trong 1-2 ngày mà không hề phải dùng bất cứ loại thuốc hạ sốt nào.
Tương tự ho, sổ mũi, tiêu chảy, nôn ói liên tục... cũng được mình xem là "bạn" của cơ thể con cũng như mình, vì khi đó cơ thể đang cố gắng tống toàn bộ nguồn nhiễm khuẩn/độc ra khỏi cơ thể nên việc cắt cơn bằng thuốc là hoàn toàn không tốt cho cơ chế phòng bệnh tự nhiên của cơ thể.
Hiểu được cơ chế của bệnh sẽ biết được con cần sổ mũi bao nhiều ngày, cần tiêu chảy, cần ói bao nhiêu...để tống độc thì sẽ an nhiên, ung dung ôm con ở nhà bú ti mà không cần đi đến bệnh viện hay nghe lời dược sĩ tự tiện dùng thuốc. Hãy theo dõi con, ôm con bú, con sẽ cho bạn biết lúc nào con sẽ khỏe nếu mẹ biết đủ về bệnh lý con đang gặp.
Mỗi lần con ốm mình hay "tự kỉ ám thị" con: "là một chàng trai mạnh mẽ, con ốm để con trưởng thành và mạnh mẽ hơn vào ngày mai. Mọi chuyện ngày mai sẽ ổn hơn đó Kem!." Vào những lúc con mệt quá thiếp đi hay vừa mới lim dim ngủ.
Em bé nhiều lần theo mẹ đi học các lớp kỹ năng, giáo dục.
- Chị có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc con giúp bé khỏe mạnh như chế độ dinh dưỡng, cách chăm con hàng ngày?
Mình chọn phương pháp ăn dặm bé chỉ huy cho con. Bé hoàn toàn được ăn theo nhu cầu của chính mình chứ không phải nhu cầu của mình hay của ông bà, con hoàn toàn chủ động ăn cái gì con muốn và từ chối cái con không thích và hiện tại con đang ăn cùng bữa cơm, đồ ăn với gia đình mà không cần chuẩn bị gì riêng nữa cả.
Cùng theo mẹ tổ chức hành trình sữa mẹ Xuyên Việt tại điểm Đồng Nai.
Bên cạnh đó, mình giúp con vận động từ ngay sơ sinh, theo con từng giao đoạn, lật, trườn, bò, đi... Luôn hỗ trợ, cổ vũ và tin tưởng con sẽ đạt được những khả năng tốt hơn vào ngày mai.
- Cảm ơn bạn rất nhiều đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm hữu ích.
Mỹ Anh - (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi