Sự kiện hot
13 năm trước

Bí quyết trụ vững trong bão của doanh nghiệp BĐS

Năm 2012 được cho tiếp tục là năm khó khăn đối với lĩnh vực BĐS. Cách làm khác nhau, nhưng hầu như doanh nghiệp BĐS lớn nào cũng đã chuẩn bị tâm thế chủ động đối mặt với “cơn bão”, lấy đà bứt phá đi lên.

Năm 2012 được cho tiếp tục là năm khó khăn đối với lĩnh vực BĐS. Cách làm khác nhau, nhưng hầu như doanh nghiệp BĐS lớn nào cũng đã chuẩn bị tâm thế chủ động đối mặt với “cơn bão”, lấy đà bứt phá đi lên.

Tiết kiệm là thắng

Không phải lúc thị trường khó khăn, doanh nghiệp mới nghĩ đến chuyện tiết kiệm, mà ngay từ khi kiếm tiền từ thị trường BĐS còn dễ dàng, chủ đầu tư nào chủ động và tiết kiệm thì nay vẫn ung dung, bình thản khi thị trường lao dốc.

Những tháng cuối năm 2011, chủ đầu tư hơn chục dự án nhà ở tại Hà Nội là Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu đã nổ phát súng hạ giá 20% cho khách hàng đã, đang và sẽ mua căn hộ tại hai dự án là VP3 Linh Đàm và CT6 Bemes Cầu Bươu trong bối cảnh hai dự án này đã bán được từ 50-90% sản phẩm trong những năm qua. Theo đó, khách hàng sẽ được trừ số tiền hoặc được nhận về số tiền mặt từ 200-600 triệu đồng/căn hộ.

Điều đáng nói là áp dụng mức giảm sâu và trực tiếp nói trên, chủ đầu tư vẫn khẳng định, họ không hề lỗ mà chỉ là giảm lãi. Mức lãi hiện vẫn còn khoảng 10-15%. Đây là một nỗ lực hỗ trợ người mua, kích cầu thị trường mà không phải một chủ đầu tư có tiềm lực tài chính thì khó lòng làm được.

Lãnh đạo cao cấp của công ty cho biết, lợi thế lại nảy sinh từ chính vị trí kém thuận lợi của một doanh nghiệp tư nhân. Từ đó xuyên suốt là thế chủ động, tính toán linh hoạt chiến lược kinh doanh và tiết kiệm chi phí.

Hơn chục dự án tại Hà Nội của công ty hiện nay chỉ có một ban quản lý điều hành. Điều này vừa tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư, vừa tiết kiệm cả cho người tiêu dùng. Trong khi nếu không quản lý tốt, chi phí để nuôi một ban quản lý dự án cồng kềnh có thể chiếm 20-30% chi phí của dự án.

Ngoài ra, điểm tốn kém thứ 2 của nhiều doanh nghiệp BĐS hiện nay đó là lãi suất ngân hàng do quá phụ thuộc vào vốn vay. Ở đây, ngoài 3 nguồn vốn chính là vốn tự có, vốn huy động từ người mua, nguồn vốn của các nhà cung cấp vật liệu xây dựng, thì quan điểm của Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu, vốn ngân hàng chỉ là giải pháp cuối cùng.

Không chỉ tiết kiệm chi phí điều hành quản lý, mà tiết kiệm thời gian; sử dụng vật liệu, công nghệ xây dựng mới cũng là một trong những cách hữu hiệu chống lãng phí, nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh bão giá.

Năm vừa qua, thị trường chứng kiến cuộc chạy đua tiến độ "thần tốc" mang tên Vincom Village. Chỉ nửa năm kể từ thời điểm công bố dự án, đến cuối tháng 10, chủ đầu tư là VinGroup đã bàn giao các biệt thự đầu tiên cho khách hàng trong khu đô thị sinh thái 183 hecta tại Sài Đồng, Long Biên.

Nhiều ý kiến đánh giá, đây chính là một kỷ lục trong xây dựng ở Việt Nam. Trong bối cảnh hàng loạt dự án thiếu vốn, phải đắp chiếu, chậm tiến độ, việc chủ đầu tư nói trên công bố và thực hiện đúng cam kết tiến độ là một điểm sáng, đem lại lợi ích cho khách hàng.

Đầu tư vào hàng hiếm

Tổng kết một năm sóng gió của thị trường, ông Peter Ryder - Tổng GĐ điều hành Indochina Capital - nhà phát triển BĐS nước ngoài gắn liền với nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng, căn hộ cao cấp trên cả nước vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường với những kế hoạch chinh phục mới.

Vị CEO cho biết, ghi nhận doanh thu tăng trưởng ở tất cả các dự án bán căn hộ, doanh số năm 2011 ước tính đạt 40 triệu đôla - gần tương đương mức trung bình 50 triệu đô của các năm trước. Trong đó trên một nửa tổng doanh thu của lĩnh vực BĐS năm 2011 đến từ dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại Indochina Plaza Hà Nội (IPH).

Bí quyết thành công, theo ông Peter Ryder là chiến lược cung ứng sản phẩm đa dạng nhưng lại khác biệt, luôn đi đầu thị trường. Nếu một số chủ đầu tư BĐS thường cho ra mắt cùng lúc 8-9 dự án na ná nhau thì cách làm của Indochina Land là trong cùng một điều kiện thị trường thì chỉ ra mắt khoảng 2-3 dự án có những đặc điểm khác nhau để khu biệt, đẩy tính cạnh tranh lên cao.

Không chỉ căn nhà đơn thuần, đầu tư vào không gian xanh, vào giá trị sống bền vững cũng là xu hướng được một số chủ đầu tư dự án BĐS lấy đó làm lợi thế cạnh tranh.

Hình dung không quá rằng trong thời gian BĐS phát triển quá nóng vừa qua, nếu như tâm lý chủ đầu tư chỉ tập trung tăng mật độ xây dựng, cắt bớt hoặc rất ngại phát triển không gian xanh, thậm chí một số dự án ở phân khúc cao cấp, hướng tới đối tượng khách hàng hạng sang tại nơi đất chật người đông trên địa bàn Thủ đô còn nhắm tới và muốn xẻ không gian của công viên để làm dự án, thì điều ngược lại ở Ecopark, là khu đô thị được tâm huyết xây dựng thành công viên sinh thái.

Trong 500 hecta diện tích của khu đô thị thì chiếm hơn 1/5 (110 hecta) được dành để phát triển cây xanh, mặt nước. Mật độ xây dựng chỉ đạt 40%. Ngay 50 hecta giai đoạn 1 của dự án, chủ đầu tư này đã có tới 5 công viên cây xanh theo từng phân khu.

Có lẽ cũng vì cảnh trí tươi đẹp mà lượng khách hàng, khách tới tham quan dự án do Công ty tư vấn tiếp thị BĐS Savills Việt Nam thống kê từ tháng 6/2010 đến nay cho thấy, Ecopark đang giữ vị trí đầu bảng với gần 55.000 người, chia trung bình mỗi ngày có hơn 120 khách.

Tập trung vào mục tiêu cốt lõi

Một điều mới nghe tưởng như nghịch lý đó là để trụ vững trong cơn bão, doanh nghiệp nói chung và các đơn vị chuyên về BĐS nói riêng lại thoái vốn, tháo chạy, rút khỏi BĐS. Song đây lại là hợp lý và cũng là thực tế trong bối cảnh việc đầu tư, rót vốn vào BĐS một cách dàn trải kiểu giữ đất đã trở thành nguyên do chủ yếu làm suy yếu nhanh chóng cả những doanh nghiệp lớn.

Bằng chứng là, gần đây nhất Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Việt Nam) đã chính thức thông báo rút khỏi dự án "con đẻ" của mình là tòa tháp biểu tượng của ngành dầu khí. Công trình cách đây hơn một năm trước đã được truyền thông rầm rộ là kỷ lục cao nhất Việt Nam với chiều cao đăng ký là 102 tầng trên diện tích khoảng 30 hecta, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1 tỷ đôla tại địa bàn xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Không phải đợi đến đầu năm 2012, hồi quý I/2011, khi kinh tế và thị trường BĐS bắt đầu đón nhận những thông tin kém lạc quan về nguồn tín dụng, lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5) đã lên tiếng khẳng định tạm dừng đầu tư, "không xin thêm, không mở rộng" lĩnh vực "tay trái" là BĐS.

Vị này thừa nhận, kinh doanh BĐS thời gian trước đó của tổng công ty đã được hưởng lợi nhờ giá BĐS lên cao. Tuy nhiên, đến lúc thị trường bão hòa thì không thể tiếp tục đầu tư ào ạt vào BĐS nữa. "Không những mình phải tính trước 5-10 năm, cung và cầu nếu đủ rồi thì đầu tư bất động sản là thua" - lãnh đạo này thức thời.

Doanh nghiệp "tay ngang" đầu tư vào BĐS đã tỏ ra "biết sợ", còn một số doanh nghiệp mà tạo lập BĐS là ngành nghề chính cũng có nhiều động thái chuyển dịch. Mới đây nhất, thị trường xôn xao tuyên bố được cho là của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) về khả năng tập đoàn này sẽ rút khỏi lĩnh vực BĐS sau 3 năm nữa.

Sau đó cải chính thông tin này, ông Đức quả quyết, lợi nhuận của tập đoàn sẽ giảm dần mức độ phụ thuộc vào lĩnh vực BĐS như hiện nay. Bù lại đó là sự đóng góp rất lớn từ các lĩnh vực kinh doanh khác như cao su, thủy điện...

Một đơn vị tạo lập BĐS đình đám khác là Vingroup trong năm 2011 cũng liên tục công bố chuyển nhượng phần vốn góp, rút khỏi nhiều dự án, trong đó có dự án Sun City (quận Thanh Xuân, Hà Nội), dự án Viettronics Đống Đa và chuyển nhượng tháp B khối văn phòng của tòa nhà Vincom Center Hà Nội.

Trước sau như một, lãnh đạo tập đoàn này khẳng định những động thái nêu trên chỉ nhằm dồn toàn lực để tập trung và đảm bảo cao hơn chất lượng và tiến độ một loạt dự án trong điểm như Royal City, Times City, Vincom Village của đơn vị như cam kết với khách hàng.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, trong khó khăn luôn luôn có cơ hội. Để tìm được cơ hội trong khó khăn, trước tiên doanh nghiệp phải tự nhìn lại mình. Chính trong khó khăn mới bộc lộ ra hết chúng ta phải cắt giảm chỗ nào. Ông khuyên doanh nghiệp hãy dũng cảm cắt giảm, tinh giản, thay đổi, vận dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả.

Theo VEF


Từ khóa: