Sự kiện hot
8 năm trước

Biến đổi khí hậu, gấu Bắc Cực có thể ăn cả thịt người

Một nhóm chuyên gia khoa học cho rằng biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của loài gấu trắng Bắc Cực và khi đó, nguồn thức ăn của loài vật này rất có thể là chính chúng ta.

Nhiệt độ toàn cầu tăng, gấu trắng có cơ hội tiếp xúc với con người nhiều hơn và có thể ăn cả thịt người. Ảnh: Reuters

Theo nghiên cứu được đăng trên Wildlife Society Bulletin, nhóm nghiên cứu nhận định gấu trắng Bắc Cực là một trong những loài động vật chịu tác động lớn từ biến đội khí hậu.

Đối mặt với tình trạng cạn kiệt thức ăn, chúng có thể tấn công và biến con người thành bữa ăn hàng ngày. Nhiệt độ toàn cầu càng tăng, gấu trắng Bắc Cực sẽ càng tương tác với con người nhiều hơn. Từ đó, chúng có cơ hội tấn công và ăn thịt người.

Thông thường, những tảng băng trôi là địa điểm săn mồi lý tưởng của những chú gấu đói. Đây là nơi chúng có thể tìm thấy những con hải cẩu đang lẩn trốn trong những vết nứt trên tảng băng. Chúng sẽ chờ cho đến khi con hải cẩu xuất hiện, hoặc ẩn nấp dưới băng và bất ngờ tấn công.

Nhưng khi nhiệt độ tăng dần, những tảng băng ngày càng ít đi, những chú hải cẩu sẽ có lợi thế hơn trong trò chơi "trốn tìm" này.

"Gấu Bắc Cực vẫn phải ăn. Vì không tìm được nguồn thức ăn trên biển, chúng sẽ phải chuyển sang những thứ mới mẻ hơn, và rất có thể đó chính là chúng ta", Geoff York, chuyên gia của tổ chức Polar Bears International, dự đoán.

Với xu hướng băng ở Bắc Cực tan dần và môi trường sống của loài gấu trắng ngày càng thu hẹp vì biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã thu thập và phân tích dữ liệu để dự đoán hành vi của loài động vật này trong tương lai.

Qua số liệu thống kê từ những năm 1980, nhóm chuyên gia nhận thấy các vụ gấu Bắc Cực tấn công người xảy ra nhiều nhất trong giai đoạn 2010-2014, với 15 vụ được ghi nhận. Đây là giai đoạn số lượng băng giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, băng tan chảy đồng nghĩa với việc gấu trắng phải đi lại nhiều và đốt cháy lượng calor nhiều hơn, để thích nghi với môi trường sống. Đối với gấu trắng Bắc Cực, băng ngày càng giảm, chúng càng phải dành nhiều thời gian hơn để đi kiếm ăn trên đất liền.

Khi băng tan, sự hiện diện của con người ở các vùng cực cũng sẽ tăng lên so với trước đây, theo York. Những chú gấu sẽ có cơ hội bắt gặp thợ mỏ, ngư dân hay khách du lịch nhiều hơn.

Nhóm nghiên cứu đồng thời chỉ ra rằng, một khi quá đói, loài động vật này sẽ trở nên liều lĩnh. Gấu trắng không thể đi săn nếu bị thương, nên chúng thường tìm cách tránh con người và tấn công những loài động vật không phản kháng như hải cẩu. Nhưng khi quá đói, chúng sẵn sàng chấp nhận rủi ro và tấn công con người.

Hướng Dương

Theo ĐS&PL, Vietnammoi

Từ khóa: