Theo số liệu thống kê FiinGroup, NIM của các ngân hàng trong quí II/2020 đã có mức giảm mạnh nhất kể từ quí I/2018. Điều này phản ánh rõ ảnh hưởng từ việc miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo thống kê của FiinGroup cho thấy, tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của 19 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCoM trong quí II/2020 đã giảm 0,088 điểm % so với quí I/2020 xuống còn 0,76%. Đây là mức NIM thấp nhất so với quí II/2018 và quý II/2019, và cũng là mức giảm lớn nhất kể từ quí I/2018.
Theo FiinGroup, xu hướng giảm NIM của các ngân hàng trong quí II/2020 phản ánh rõ ảnh hưởng từ việc miễn giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến 8/6/2020, các ngân hàng miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 403 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,2 triệu tỉ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đạt 978.529 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Bên cạnh đó, FiinGroup cũng cho rằng NIM các ngân hàng sụt giảm trong quí II một phần đến từ sự giảm tốc của tín dụng cá nhân, do đây là các khoản vay có lãi suất cao và biên lãi ròng lớn.
Số liệu về phân tách dư nợ doanh nghiệp và cá nhân không được các ngân hàng công bố đầy đủ trong quí II/2020. Tuy nhiên, 5 ngân hàng có phân tích trong thuyết minh báo cáo tài chính (VPBank, VIB, MB, SHB, Kienlongbank, chiếm 19% tổng dư nợ so với toàn ngành) cho thấy động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm đến tín dụng doanh nghiệp.
Trong đó, VPBank, VIB, MB, Kienlongbank đều là các ngân hàng có tỉ trọng tín dụng cá nhân cao. Vì vậy, việc tín dụng cá nhân của các ngân hàng này chỉ tăng trưởng 2% trong khi tín dụng doanh nghiệp tăng 9,6% cho thấy xu hướng tín dụng cá nhân bị ảnh hưởng nhiều hơn do COVID-19 cũng như xu hướng siết tín dụng cá nhân của các ngân hàng.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng