Sự kiện hot
5 năm trước

Các ngân hàng ''tiếp sức'' cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng tiếp tục tung ra các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Hoạt động nghiệp vụ tại VietinBank chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang phải đối mặt với sự thiếu hụt dòng tiền.

Trước sự tồn tại của các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đồng loạt tung các chương trình, gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Đối mặt khó khăn

Theo khảo sát nhanh của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh tại 16.300 doanh nghiệp cho thấy, có gần 14.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chiếm 86%.

Do thiếu nguyên liệu, đơn hàng, khoảng 8.400 doanh nghiệp có khả năng phải dừng hoạt động hoặc phải cắt giảm lượng lớn lao động.

Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố có 2.504 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,9% so với cùng kỳ; tạm ngưng hoạt động có 8.329 doanh nghiệp, tăng 40,6% so với cùng kỳ.

Cũng trong khoảng thời gian này, có gần 328.000 người lao động nghỉ việc. Đến đầu tháng 7/2020 đã có trên 90.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Những con số này cho thấy các doanh nghiệp đang phải “vật lộn” với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19; trong đó, câu chuyện hỗ trợ vốn đang là vấn đề then chốt để doanh nghiệp tồn tại ở thời điểm này.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất cơ bản đã nối lại được nguồn nguyên liệu, nhưng phần lớn lại chưa xuất khẩu được như trước đây do các nước nhập khẩu chưa khống chế được dịch bệnh.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch lữ hành, lưu trú, dịch vụ… gặp rất nhiều khó khăn.

“Mức độ thiệt hại ở các doanh nghiệp là khác nhau, nhưng nhìn chung cần sự trợ giúp từ ngân hàng trong việc khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay, cho vay mới với lãi suất thấp… để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp rất cần vốn hỗ trợ để duy trì dòng tiền bị thiếu hụt hoặc gián đoạn; đầu tư đổi mới thiết bị và ứng dụng công nghệ, tái cấu trúc doanh nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập,” ông Hưng cho biết.

Ông Phạm Quang Trưng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Vận tải Tâm Duy Phát cũng cho biết, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: giãn nộp thuế và tiền thuê đất, khoanh nợ, giảm lãi suất…, doanh nghiệp đều đã tiếp cận được.

Tuy vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, tác động của đại dịch COVID-19 lên các doanh nghiệp vận tải là quá lớn.

Mặc dù bản thân doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục khó khăn, song chi phí thuê bến bãi, tiền lương cho các lái xe… là rất lớn. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn ngành ngân hàng tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ cho cả những trường hợp sản xuất kinh doanh ít thiệt hại, thậm chí không bị thiệt hại vì mục tiêu phát huy khả năng hồi phục của nền kinh tế.

Đồng thời, các thủ tục hỗ trợ lúc này cần đơn giản để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí làm cơ sở pháp lý thực hiện khoanh nợ, cơ cấu lại các khoản vay cũ của doanh nghiệp.

Nhiều gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng tiếp tục tung ra các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhất là doanh nghiệp SME.

Để hỗ trợ doanh nghiệp SME tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã ra mắt gói tín dụng siêu tốc cho doanh nghiệp với hạn mức lên đến 10 tỷ đồng, thời gian phê duyệt từ 2 - 5 ngày cùng nhiều ưu đãi khác.

[TP.HCM cơ cấu hơn 384.000 tỷ đồng nợ vay cho doanh nghiệp]

Gói tín dụng siêu tốc của MSB không chỉ đáp ứng nhu cầu vay vốn ngay của doanh nghiệp mà còn giải quyết nhanh chóng nhiều nhu cầu đa dạng khác như bảo lãnh, L/C, thấu chi, thẻ tín dụng…

Đồng thời, doanh nghiệp còn được hưởng chính sách ưu đãi gói phí Titan trong vòng 6 tháng kể từ ngày kích hoạt hạn mức (được miễn, giảm đến 100% các loại phí giao dịch, quản lý tài khoản, Internet Banking…).

Với gói tín dụng này, các doanh nghiệp không còn phải lo lắng về thủ tục hồ sơ phức tạp, mất thời gian khi muốn tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Thay vào đó, gói tín dụng siêu tốc sẽ giúp các doanh nghiệp kịp thời chớp thời cơ kinh doanh và sẵn sàng nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu thanh toán hàng ngày.

Để hỗ trợ doanh nghiệp SME, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng tung ra chương trình ưu đãi VietinBank SME Stronger.

Theo đó, doanh nghiệp SME sẽ được tiếp cận với các chính sách linh hoạt về giá (lãi suất và phí); các ưu đãi về sản phẩm, dịch vụ của VietinBank và hệ sinh thái các công ty con, các công ty thành viên.

Đồng thời, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng kết nối kinh doanh và mở rộng thị trường thông qua các kênh kết nối đa dạng cả online và offline thông qua mạng lưới rộng khắp của ngân hàng.

Ông Trần Minh Bình, Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết, với vai trò và định hướng chiến lược của mình, VietinBank đã tung ra hàng loạt gói tín dụng với lãi suất trong nhóm thấp nhất thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp SME tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.

Đặc biệt, bên cạnh các giải pháp tài chính, VietinBank còn tiếp sức cho các doanh nghiệp qua nhiều cách làm mới, các giải pháp phi tài chính như tổ chức các hội thảo chuyên sâu, các buổi kết nối giao thương trực tiếp giữa các SME.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ phân khúc khách hàng doanh nghiệp SME tại Vietinbank đạt gần 247.000 tỷ đồng, chiếm 26% dư nợ khách hàng doanh nghiệp, giữ vững tốc độ tăng trưởng tín dụng là 2%.

Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), kể từ ngày 1/7 đến 30/9/2020, SCB tiếp tục triển khai chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, SCB thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay với khoản giải ngân mới; giảm 10% phí thanh toán quốc tế; giảm 20% phí dịch vụ (chuyển tiền qua Internet Banking, giao dịch qua Fax, nhận sổ phụ qua Email).

Ngoài việc hỗ trợ các nguồn vốn ưu đãi, SCB còn triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại như: mở tài khoản, chuyển tiền quốc tế, phát hành LC trực tuyến, đăng ký vay vốn online 24/7… nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn vốn, gia tăng năng lực cạnh tranh và chủ động trong việc quản lý tài chính.

Cũng trong thời gian này, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng dành 1.000 tỷ đồng, với mức lãi suất ưu đãi từ 6%/năm nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Trước đó, tại hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đầu tháng 7/2020, đại diện 16 tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã tham gia ký kết hỗ trợ (gia hạn nợ, giảm lãi vay cũ và cho vay mới) cho hơn 17.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp SME bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với tổng dư nợ trên 87.000 tỷ đồng.

Đây được xem là sự đồng hành, chia sẻ thiết thực của ngành ngân hàng đối với các doanh nghiệp SME trong giai đoạn hiện nay./.

Hứa Chung
Theo TTXVN/Vietnam+

Từ khóa: