Sự kiện hot
2 năm trước

Biệt thự, liền kề Hà Nội cuối năm: Khan hiếm nguồn cung, phía Tây dẫn dắt thị trường

Trong bối cảnh quỹ đất nội đô khan hiếm, hoạt động xây dựng bị trì hoãn bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4, khó khăn trong vấn đề cấp phép đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung thị trường biệt thự, nhà liền kề Hà Nội. Dự đoán thị trường cuối năm tiếp tục khan hiếm, trong đó khu vực phía Tây sẽ dẫn dắt nhờ lợi thế về hạ tầng.

Picture 1
Biều đồ về thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội trong quý III/2021 (Theo Savills)

Báo cáo thị trường quý III/2021 của Savills cho thấy nguồn cung mới tại quý III/2021 đạt 225 căn, giảm -75% theo quý và -47% theo năm. Trong đó quận Hoàng Mai có thị phần lớn nhất với 32%, Đông Anh theo sau với 20% và Hoài Đức với 15%. Khu vực phía Tây luôn dẫn đầu thị trường biệt thự, liền kề từ quý IV/2019, tuy nhiên khu vực này mất vị trí dẫn đầu trong quý III bởi nguồn cung khá hạn chế.

Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ, nguồn cầu sẵn có cho bất động sản nhà ở tại Hà Nội nhìn chung là rất lớn. Ngay cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 khó khăn, Savills Hà Nội vẫn ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ đối với bất động sản nhà ở. Trong các giao dịch được ghi nhận, phần lớn vẫn là từ vốn sở hữu cá nhân của các nhà đầu tư.

Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu từ khách hàng đầu tư lớn khiến thị trường thứ cấp sôi động hơn bao giờ hết. Theo ghi nhận, thị trường thứ cấp cũng trở lên khan hiếm bởi khi đã sở hữu sản phẩm, nhà đầu tư giữ lại không chuyển nhượng vì sau khi thanh khoản xong sẽ khó tìm được sản phẩm tiếp theo để đầu tư mặc dù mức lợi nhuận đã đặt hơn mức kỳ vọng ban đầu. Chị Nguyễn Bích H., một nhà đầu tư chia sẻ: “Tôi đầu tư căn biệt thự tại khu vực phía Tây vào hồi tháng 7 vừa qua. Giá hiện tại đã tăng 20-30% nhưng tôi không bán vì bán là mất hàng. Sẽ rất khó để tìm được căn khác trong khi giữ lại mức lợi nhuận chắc chắn sẽ tiếp tục tăng.”

Các chuyên gia nhận định, lãi suất tiết kiệm giảm, lượng tiền gửi ngân hàng thấp kỷ lục cùng lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây được cho là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác. Trong đó, bất động sản là một kênh được ưu tiên.

Bà Nguyễn Hồng Vân - Giám đốc thị trường, Công ty Dịch vụ BĐS JLL chia sẻ, khi cơn sốt bất động sản khu vực các tỉnh đang có xu hướng chững lại, thị trường thiết lập mặt bằng giá mới thì có một lượng không nhỏ nhà đầu tư rút về thị trường Hà Nội. Phân khúc họ quan tâm là biệt thự, liền kề, shophouse trong khu vực trung tâm. Do đó, từ nay đến cuối năm, nhà thấp tầng sẽ tiếp tục còn tăng giá.

Picture 3
Khu vực phía Tây sẽ dẫn dắt thị trường biệt thự, liền kề cuối năm 2021 (Ảnh Khu đô thị Dương Nội)

Quan sát thực tế trên thị trường có thể thấy, khu vực nội đô hầu như không có thêm nguồn cung dự án mới do quỹ đất khan hiếm. Và khu vực phía Tây sẽ trở lại mạnh mẽ vào dịp cuối năm cũng như trong năm 2022 với nhiều nguồn cung nhất, chiếm 65% thị phần.

Lý giải về việc việc này các chuyên gia phân tích, lợi thế về hạ tầng đồng độ thúc đẩy giá trị khu vực phía Tây Thủ đô, bao gồm đại lộ Thăng Long, tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương… Cùng với đó là các dự án đang được triển khai như tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài, tuyến metro số 2A, đường vành đai 4, đường vành đai 3.5… mở rộng kết nối phía Tây với các quận trung tâm và tỉnh lân cận.

Cùng với đó, sản phẩm tại khu vực này được quy hoạch bài bản, chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân vừa đảm bảo tiện nghi vừa trong lành cũng là một yếu tố làm nên sức hút cho khu vực này.

Đặc biệt, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015) với quy định chỉ công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở trên đất ở hoặc một phần đất ở. Còn lại, tất cả các nhà đầu tư chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp thì không được triển khai dự án nhà ở. Thực tế hiện nay đa số đất dự án vẫn là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh nên gần như tất cả các dự án mới bị tắc. Như vậy, nguồn cung trong trung hạn 1-3 năm tới của thị trường sẽ tiếp tục khan hiếm.

PV/KTDU

Từ khóa: