Dantin - Tính đến 2013, điện ảnh đã ra đời được 118 năm, thì Biểu tượng sex (Sex Symbol) đã có cách đây hơn… 90 năm! Năm 1921, bộ phim câm The Sheik (Vị tộc trưởng) ra đời đã chính thức khai sinh ra khái niệm đầy hấp dẫn này.
Dantin - Tính đến 2013, điện ảnh đã ra đời được 118 năm, thì Biểu tượng sex (Sex Symbol) đã có cách đây hơn… 90 năm! Năm 1921, bộ phim câm The Sheik (Vị tộc trưởng) ra đời đã chính thức khai sinh ra khái niệm đầy hấp dẫn này. Và thật bất ngờ khi Biểu tượng sex đầu tiên trong lịch sử điện ảnh là một diễn viên đến từ nước Ý!
Bắt đầu từ “Người tình Latin”…
Rudolph Valentino sinh ra ở Castellaneta, Ý, vào đúng năm điện ảnh ra đời (1895). Đến Mỹ lập nghiệp từ năm 1913, Valentino đã làm đủ thứ nghề để kiếm sống và nhiều lần đóng vai… quần chúng trong các bộ phim câm thời đó. Năm 1917, Valentino với khả năng khiêu vũ tuyệt vời, đã bắt đầu bước chân vào thế giới showbiz, bằng những vai nhỏ xíu trên sân khấu kịch nghệ opera và những bộ phim hạng B.
Năm 1921, với sự tiến cử hết mình của nữ biên kịch đầy quyền lực June Mathis, bước ngoặt trong sự nghiệp đã đến với Valentino, khi ông thủ vai Julio Desnoyers trong siêu phẩm The Four Horsemen Of The Apocalypse (Tứ kỵ sĩ của ngày tận thế) của Hãng phim Metro Pictures. Tuy chỉ là vai phụ, nhưng với những bước nhảy điêu luyện - đặc biệt là trường đoạn vũ điệu tango nổi tiếng trong phim - Valentino đã lấn át tất cả các diễn viên chính, trở thành một cái tên nổi tiếng chỉ sau một đêm! Ông được khán giả và báo chí ưu ái đặt cho mỹ danh hấp dẫn, Người tình Latin (Latin Lover).
Đây là một trong những bộ phim hiếm hoi đạt doanh thu khổng lồ trên 1 triệu đô-la Mỹ (đứng thứ 6 kỷ lục doanh thu mọi thời của phim câm), nhưng trớ trêu thay, khi Valentino sáng chói trong phim ấy mà chỉ được trả có… 350 đô-la Mỹ/tuần!
… đến vị tộc trưởng đa tình
Chán ngán với cách đối xử của Hãng Metro Pictures, Valentino nhảy sang ký hợp đồng với hãng Famous Players-Lasky mà không hề tham khảo ý kiến bạn bè hay luật sư của mình. Nhà sản xuất Jesse Lasky khoe ầm cả Hollywood mình đã có được Valentino với giá rẻ bèo. Tuy chỉ nhận thù lao có 500 USD/tuần - thấp bằng nửa so với nhiều ngôi sao thời đó, nhưng bù lại Jesse Lasky cam đoan sẽ giao cho Valentino một vai chính để củng cố ngôi vị Người tình Latin của ông. Đó là phim The Sheik dựa theo tiểu thuyết tình cảm cùng tên rất ăn khách của nữ văn sĩ Edith Hull. Valentino thủ vai tộc trưởng đa tình Ahmed Ben Hassan.
Vào thời điểm bộ phim được phát hành, một nụ hôn giữa một phụ nữ da trắng và một người đàn ông da màu sẽ không được phép xảy ra trên phim. Cách duy nhất để làm cho tình yêu của vị tộc trưởng dành cho nhân vật Diana “có thể chấp nhận được” là khắc họa anh như là một người châu Âu ở gần cuối bộ phim. Ở Hollywood lúc ấy hay mô tả rập khuôn người A-rập như “những kẻ man rợ”. Nhưng Valentino cố gắng hết sức để làm cho nhân vật của mình khác đi, ông nói: “Không ai là người man rợ chỉ vì họ có làn da ngăm ngăm. Văn minh A-rập là một trong những nền văn minh cổ xưa nhất trên thế giới… Người A-rập có phẩm giá và thông minh sắc sảo”.
Cảnh hãm hiếp là một trong những cảnh gây tranh cãi nhất của bộ phim. Trong cuốn tiểu thuyết, Diana đem lòng yêu vị tộc trưởng dù bị anh hãm hiếp. Tuy không có bất kỳ sự hãm hiếp thực sự nào được mô tả, khán giả chỉ thấy anh hôn cô mạnh bạo. Nhưng những cảnh này đủ sỗ sàng để bộ phim bị Ủy ban Đạo đức ra lệnh cấm chiếu ở Kansas City.
“Biểu tượng sex” đầu tiên trong điện ảnh!
The Sheik được chiếu ra mắt ở Los Angeles vào ngày 21/10/1921. Nhiều nhà phê bình khi xem phim lại cho rằng chính cảnh cưỡng hiếp được làm cho dịu đi đã hủy hoại thông điệp ban đầu. Tuy nhiên bộ phim đạt thành công lớn về doanh thu, phá kỷ lục phòng vé ở tất cả các rạp. Uớc tính trong vài tuần đầu tiên, 125.000 người đã xem bộ phim.
Nhà sản xuất Lasky tuyên bố tuần cuối cùng của tháng 11/1921 là “Tuần của The Sheik”, và tung ra chiếu tại 250 rạp ở Mỹ. Bộ phim tung hoành suốt 6 tháng tại Sydney, Úc. Có một rạp ở Pháp đã chiếu phim này suốt 42 tuần! Chỉ riêng năm đầu tiên, The Sheik đã vượt mức doanh thu 1 triệu USD, trong khi kinh phí sản xuất là 200.000 USD.
Gần như đây là phim duy nhất trong lịch sử điện ảnh mà giới tính bị mâu thuẫn rõ rệt! Khán giả nam ngay lập tức ghét The Sheik, hầu hết đều từ chối xem hoặc cười nhạo những cảnh tình tứ. Nhiều khán giả nam bỏ ra ngoài giữa buổi chiếu, vì họ cảm thấy cách làm tình của Valentino là kinh hãi. Họ lên án phong cách diễn xuất, chê bai kịch bản và đổ lỗi cho bộ phận kiểm duyệt. Những kẻ cực đoan gọi anh là…”bóng lộ”, vì mặc những chiếc áo choàng kiểu A-rập dài thướt tha trong phim, và… đàn ông gì mà xinh quá! Thậm chí có một bài hát chỉ trích Valentino với tựa đề… “Bài ca căm thù!”
Nhưng khán giả nữ thì ngược lại 180 độ! Họ hâm mộ anh một cách cuồng loạn, nhiều người thậm chí rên rỉ xuýt xoa mỗi khi thấy Valentino xuất hiện! Nhà biên kịch Francis Marion đã đùa đặt biệt danh cho bộ phim là The Shriek (Tiếng rít), từ sự phản ứng sung sướng thái quá của nữ giới!
Thành công lớn của The Sheik đã đẩy Valentino lên hàng siêu sao khi ông mới 26 tuổi. Không chỉ là bước ngoặt trong sự nghiệp, bộ phim còn xác định di sản và hình ảnh bất hủ mãi mãi của Người tình Latin Rudolph Valentino.
Khơi mào cho chứng… phát cuồng thần tượng!
Ngày 15/8/1926, Valentino đột ngột ngã quỵ tại khách sạn Ambassador, New York. Ông được đưa vào bệnh viện, và một cuộc kiểm tra sức khỏe cho thấy ông bị viêm ruột thừa và loét dạ dày, cần phải phẫu thuật ngay lập tức. Vừa phẫu thuật xong, Valentino lại phát sinh bệnh viêm màng bụng.
Ngày 21/8, ông bị tái phát nghiêm trọng bệnh viêm màng phổi và nó phát triển nhanh ở bên phổi trái. Các bác sĩ nhận ra rằng Valentino sắp chết, họ quyết định không cho ông biết bệnh trạng. Trong những giờ đầu của ngày 23/8, Valentino tỉnh táo trong thời gian ngắn tán gẫu với các bác sĩ về tương lai của mình. Sau đó Valentino lại rơi vào hôn mê và qua đời vài giờ sau ở tuổi 31!
Ước tính có 100.000 người xếp hàng trên các con phố ở New York để tỏ lòng thành kính tại đám tang của Valentino, được tổ chức ở Nhà tang lễ Frank Campbell. Bản thân sự kiện này gây xúc động sâu sắc thậm chí đã xảy ra mấy vụ tự tử của các fan nữ tuyệt vọng! Các cửa sổ bị vỡ khi các fan cố chen vào và một cuộc náo loạn kéo dài cả ngày nổ ra vào ngày 24/8. Hơn 100 cảnh sát cưỡi ngựa và cảnh sát dự bị của Sở Cảnh sát New York được triển khai để vãn hồi trật tự. Một đội hình cảnh sát được dàn trận trên các con phố suốt khoảng thời gian còn lại của đám tang.
Kịch tính bên trong đám tang cũng gây xôn xao không kém. Nữ diễn viên Ba Lan Pola Negri quả quyết mình là hôn thê của Valentino. Cô ngã quỵ trong cơn xúc động cùng cực khi đứng túc trực bên quan tài. Bốn diễn viên được nhà tang lễ thuê để đóng giả làm một đội lính danh dự phát xít mặc áo đen, tự xưng mình đã được nhà độc tài nước Ý, Benito Mussolini phái tới. Sau này, người ta tiết lộ đó chỉ là một trò quảng cáo đã được lên kế hoạch! Truyền thông đại chúng còn rùm beng rằng, thi hài được quàn trong sảnh chính không phải là Valentino, nhưng nhà tang lễ liên tục phủ nhận đây là thi hài giả.
Thánh lễ an táng Valentino được tổ chức tại nhà thờ Saint Malachy’s, New York, thường được gọi là “Nhà nguyện của diễn viên”, vì nó tọa lạc trên phố West 49th, khu vực tập trung sân khấu Broadway. Rudolph Valentino giờ đây yên nghỉ tại nghĩa trang Hollywood Memorial Park (giờ là nghĩa trang Hollywood Forever), ở California.
Gần hai tuần sau khi qua đời (3/9/1926), The Son Of The Sheik (Con trai vị tộc trưởng), bộ phim cuối cùng của Valentino và được xem là phần tiếp theo của The Sheik đã được công chiếu. Bộ phim ra mắt đúng lúc sự tiếc thương một biểu tượng huyền thoại của khán giả đang ở đỉnh điểm, khiến bộ phim lập kỷ lục phòng vé cán mức 1 triệu USD chỉ trong năm đầu tiên. Các nhà phê bình cũng cho rằng, diễn xuất của Valentino trong The Son Of The Sheik là đỉnh cao trong sự nghiệp ngắn ngủi của ông.
Bình Minh (tổng hợp)