Sự kiện hot
5 năm trước

Big_Trends: Mặt bằng cổ phiếu đã ở mức thấp và rất hấp dẫn

Liệu có phải là các phiên bulltrap hay thị trường đã tạo đáy và đi lên? Đó là câu hỏi mà rất nhiều nhà đầu tư quan tâm sau khi chứng kiến phiên tăng điểm mạnh cuối tuần qua.

Ảnh Dũng Minh

Rõ ràng, dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại - Tăng trưởng GDP ghi nhận trong quý I/2020 chỉ ở mức 3,82%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Như vậy, hoạt động kinh tế trên toàn quốc đã bị ảnh hưởng rất lớn, thực trạng kinh tế vĩ mô đã phản ánh phần nào vào diễn biến TTCK trong giai đoạn vừa qua khi TTCK Việt Nam mất hơn 300 điểm trong vòng 2 tháng, rơi từ mức 990 điểm về quanh mốc 650 điểm cuối tháng 3.

Tuy nhiên, sau quá trình điều chỉnh mạnh kèm theo những động thái kiểm soát dịch bệnh tốt của Chính phủ, lực cầu bắt đáy đã phần nào giúp thị trường tạm thời tạo đáy ngắn hạn. VN-Index đã hình thành mẫu hình “double bottoms” tại vùng hỗ trợ mạnh 650 điểm và thị trường có thể bước vào giai đoạn phục hồi ngắn.

Phiên tăng điểm mạnh thứ Sáu vừa qua là một tín hiệu tích cực khi VN-Index tăng vượt mốc 700 điểm kèm theo sự tăng giá hàng loạt của các cổ phiếu lớn thuộc các nhóm ngành ngân hàng, dầu khí, xây dựng, tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính - chứng khoán, tiêu dùng. Điều này có nghĩa rằng, thị trường có thể tiếp tục tăng điểm hướng tới vùng 735 - 740 điểm trong tuần tới.

TTCK nhiều khả năng hồi phục ở tuần tiếp theo, nhưng chúng ta vẫn chưa thể khẳng định rằng thị trường sẽ tăng trở lại bền vững mà vẫn có thể điều chỉnh sâu trở lại bởi 3 nguyên nhân lớn.

Thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn đang bị đe dọa và bị tác động lớn bởi đại dịch khi số liệu thống kê số lượng lây nhiễm mới và số lượng tử vong tăng cao. Việt Nam vẫn đang tiến hành “cách ly cộng đồng”, nhưng rủi ro ở các ca lây nhiễm chéo vẫn hiện hữu. Việc cách ly diễn ra trong 2 tuần tháng 4 hoặc thậm chí hơn sẽ vẫn khiến Việt Nam đánh đổi bởi tăng trưởng kinh tế, cũng sẽ khiến TTCK chưa thể bước vào giai đoạn Uptrend ngay.

Thứ hai, khối ngoại vẫn đang bán ròng mạnh trong 2 tháng vừa qua khi tổng giá trị bán ròng vượt 25.000 tỷ đồng. Diễn biến bán ròng có thể tiếp tục diễn ra trong tháng 4 và các tháng tiếp theo phản ánh động thái bán mạnh ở các quỹ đầu tư, các cá nhân và nhà đầu tư tổ chức quốc tế. Khối ngoại bán mạnh cũng sẽ khiến TTCK Việt Nam thiếu đi 1 động lực hỗ trợ mua lên tại các cổ phiếu lớn, cổ phiếu dẫn dắt hàng đầu khiến thị trường tăng điểm.

Cuối cùng, dưới quan điểm kỹ thuật, sau mỗi giai đoạn giảm điểm mạnh thì thị trường cũng sẽ cần thêm thời gian tạo đáy ngắn hạn hồi phục rồi lại tiếp tục điều chỉnh tiếp. Phân tích diễn biến thị trường để có thể đưa ra các dự báo vận động của các chỉ số chứng khoán như VN-Index.

Rõ ràng, việc tạo đáy và đi lên cần được thể hiện bởi các phiên giao dịch có thanh khoản tăng vọt. Tuần tiếp theo sẽ là tuần quyết định xu hướng di giá trị giao dịch cần phải tăng đột biến kèm theo diễn biến tăng điểm của các cổ phiếu blue chips. Còn quá nhiều lý do khiến chúng ta cần phải thận trọng hơn với xu hướng thị trường sắp tới. Biến động mạnh, tăng điểm trái chiều sẽ khiến chúng ta có nhiều bất ngờ và khó dự báo.

Cho dù diễn biến thị trường sắp tới thế nào, chúng ta vẫn không quên các tiêu chuẩn đầu tư thông thường. Mặt bằng cổ phiếu đã ở mức thấp và rất hấp dẫn. Nếu có giải ngân có lẽ vẫn chỉ các cổ phiếu đầu ngành các nhóm ngành như bảo hiểm, dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, xây dựng, dầu khí như BVH, MSN, CTD, HCM, PVD, HPG sẽ là mục tiêu mua vào.

Cho dù áp dụng chiến lược đầu tư nào đi nữa thì việc chọn cổ phiếu và thời gian nắm giữ sẽ quan trọng quyết định đến sự thành bại trong hoạt động đầu tư trong bối cảnh đại dịch đe dọa kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam trong cả năm 2020.

Big_Trends

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: