Chỉ trong vòng 1km xung quanh trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, hàng trăm sàn giao dịch bất động sản, công ty kinh doanh bất động sản mọc lên như ‘nấm sau mưa’. Trong số này, có những công ty có tiếng tăm trên thị trường bất động sản Bình Dương nhưng cũng không ít doanh nghiệp đóng cửa do dính bê bối hoặc đang ‘nằm chờ thời’.
Thời gian gần đây, tỉnh Bình Dương được xem là điểm đến của nhiều nhà đầu tư khi chỉ trong thời gian ngắn UBND tỉnh này đã chấp thuận nhiều dự án bất động sản.
Cụ thể, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có hơn 300 dự án nhà ở được UBND tỉnh chấp thuận cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Chưa dừng lại, mới đây UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của UBND tỉnh Bình Dương. Theo đó, trên địa bàn TP Dĩ An, TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một có đến gần 70 dự án được phép chuyển mục đích sử dụng đất và đăng ký mới, trong đó xuất hiện nhiều dự án căn hộ chung cư.
Nhiều dự án chung cư xuất hiện nhiều theo trục Quốc lộ 13 và trung tâm thành phố, nhất là trên địa bàn 2 thành phố mới được thành lập là TP Dĩ An và TP Thuận An.
Việc cho phép nhiều dự án được triển khai cũng đã thu hút các nhà đầu tư ồ ạt làm dự án cũng góp phần thúc đẩy giá đất ở Bình Dương lên cao hơn. Lấy mốc thời điểm 3 năm trở lại đây để so sánh, giá đất tại nhiều dự án ở Dĩ An, Thuận An đã có biên độ tăng giá từ 30% đến 50%, thậm chí có nơi tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với lúc mở bán.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá đất tăng cao do phát triển hạ tầng, một số khu vực được công nhận đạt chuẩn đô thị loại I, II; một số thị xã lên phường, thị trấn; một số nơi lên thành phố như Dĩ An, Thuận An …
Tuy nhiên, mặt trái của phát triển nóng hạ tầng đô thị Bình Dương cũng vô hình chung biến một lượng lớn lao động ở đây đã trở thành cò đất. Một số khu vực đã trở thành phố ‘cò’ như Bến Cát, Tân Uyên, TP. Thủ Dầu Một. Đặc biệt là xung quanh trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương sau nhiều năm, đã trở thành “phố cò” với nhan nhản sàn giao dịch bất động sản.
Chính vì vậy, không ít người cho rằng Thủ Dầu Một trở thành TP của cò đất. Nhận xét này không phải là không có cơ sở khi bất cứ chỗ nào của TP. Thủ Dầu Một cũng gặp bảng hiệu của các doanh nghiệp bất động sản, tờ rơi quảng cáo mua bán đất…
Trong khi đó, theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lực lượng tham gia hành nghề môi giới BĐS của Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người, trong đó chỉ 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ; 8.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật mới. Số còn lại khoảng 265.000 chưa có chứng chỉ hành nghề.
Việc nhiều doanh nghiệp, sàn giao dich bất động sản mở ra là lợi thế để tỉnh Bình Dương Phát triển. Tuy nhiên, nếu quản lý không chặt thì dễ dẫn tới việc các cò đất lộng hành tạo con sốt đất ảo. Khiến Bình Dương chẳng những không phát triển mà còn đi theo chiều hướng ngược lại nhiều dự án trở thành dự án ma. Nhà đầu tư sẽ "chết" theo nếu thị trường bất động sản nơi đây đóng băng do sốt đất ảo.
Kỳ Phương - Đăng Trung
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng