Sự kiện hot
3 năm trước

Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Y tế triển khai mở cửa trường học đảm bảo an toàn

Chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp trao đổi một số nội dung liên quan đến việc tăng cường triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường khi trường học mở cửa trở lại.

Phát biểu tại cuộc họp, hai Bộ trưởng thống nhất cho rằng: Việc học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng. Do đó, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường đảm bảo an toàn.

Hai Bộ trưởng đồng thời trao đổi, thống nhất một số nội dung nhằm tăng cường triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường cho việc đi học trực tiếp; tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhất trí cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe trong trường học khi học sinh, sinh viên trở lại trường, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP. Đồng thời, thúc đẩy các địa phương ứng xử phù hợp với việc mở cửa trường học ở từng xã, phường tương đương với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh.

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các công văn hướng dẫn biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy học, đồng thời hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp an toàn trong dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục; phối hợp với Bộ Y tế ban hành Sổ tay phòng, chống dịch COVID-19 và tài liệu hướng dẫn thực hiện công tác y tế trường học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương thực hiện rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo khi tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường. Trong đó, lưu ý ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vaccine cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ tại trường học; nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất, thực hiện khử khuẩn để đón học sinh đi học trực tiếp trở lại; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Các địa phương căn cứ vào đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định cho học sinh tới trường trên nguyên tắc nơi nào đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho các em trở lại trường học tập…

Tính đến 17 giờ ngày 31/10, cả nước có 22 tỉnh, thành phố tổ chức cho học sinh học tập trực tiếp; 16 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 địa phương còn lại vẫn phải dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Về việc triển khai tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học. Hiện một số địa phương đã thực hiện tiêm vaccine cho học sinh như Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 305.000 học sinh, Bình Dương là 42.330 học sinh, Ninh Bình 32.938 học sinh.

Liên quan đến tiêm vaccine, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc tiêm vaccine cho trẻ theo hình thức chiến dịch, thực hiện trước với lứa tuổi từ 16-17, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. Việc tiêm chủng chủ yếu thực hiện tại các trường học, trẻ không đi học thì tiêm tại trạm y tế, trẻ có bệnh nền tổ chức tiêm tại trung tâm y tế, bệnh viện để có những xử trí phù hợp.

Theo Thể thao & Văn hóa - TTXVN

Từ khóa: