Sự kiện hot
3 năm trước

Trẻ lớp 1 học online, khó khăn tâm lý nào cần vượt qua?

Khi phụ huynh chưa hiểu về nền tảng năng lực của trẻ, kết hợp với việc không đặt trẻ vào bài giảng nhưng lại áp đặt sự hiểu biết của mình vào kiến thức của trẻ như: “Dễ thế cũng không biết à”, “Cầm bút như thế này à”… Càng khiến sự căng thẳng và áp lực của phụ huynh cũng như trẻ ngày càng cao...

Trẻ học trực tuyến.

Trẻ học trực tuyến.

Năm học 2021 - 2022 được xem là một năm học với khởi đầu đầy khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có chia sẻ với báo chí trước thềm năm học rằng: “Thời gian dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường. Đến nay, ngành giáo dục xác định, dạy học trực tuyến trở thành việc lâu dài, vừa để thích ứng, vừa để triển khai chuyển đổi số để phát triển. Trong trường hợp học sinh có thể tới trường học trực tiếp, việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương pháp hỗ trợ, bổ sung rất tốt”.

Chị N, một giáo viên dạy Tiểu học chia sẻ rằng, năm nay gia đình chị có một bé bước vào lớp 1, nhưng trong điều kiện dịch, bé đang được tham gia học online ở trường. Mặc dù chị đang là giáo viên Tiểu học dạy khối lớp 3, lớp 1 ở một trường Tiểu học ở Hà Nội nhưng việc học online của bé cũng khiến chị gặp rất nhiều áp lực.

“Bé ngồi học online cùng mẹ nhưng không hiểu được nhiều. Sau những buổi học của con, mỗi khi chị dạy con tập viết giống như là một cực hình vậy, bởi bé cứ viết được vài ba trang là lơ đãng, rất khó để khuyên nhủ con có thể viết một cách liền mạch và phải mất cả buổi hai mẹ con mới viết được một trang giấy. Theo chia sẻ của chị N, bé bình thường rất thông minh nhưng khi bước vào lớp một lại rất hiếu động và kém tập trung trong hoạt động học”.

Cùng tâm trạng với chị N, một phụ huynh khác cũng chia sẻ rằng, việc không có cô giáo trực tiếp kèm cặp, nên bé rất khó tiếp thu được các bài tập viết và các bài toán. Mặc dù mẹ cũng ngồi học cùng con. Nhưng khi hướng dẫn lại, con rất lười và ít nghe theo bố mẹ. Cứ mỗi buổi học là hai mẹ con làm ầm ĩ lên cả căn nhà. Những ngày đầu học rất căng thẳng và phải kiềm chế lắm trước khả năng hiện tại của con, chỉ mong hết dịch để con có thể được cô giáo hướng dẫn trực tiếp.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Văn Quyết - Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày Mới, thành viên dự án “Hỗ trợ Tâm lý cộng đồng miễn phí vượt qua đại dịch” đã có cuộc trao đổi, chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.

Những khó khăn tâm lý của cả trẻ và phụ huynh

Học Online không chỉ dừng lại ở bài toán là sự căng thẳng của trẻ mà đó còn là bài toán hỗ trợ tâm lý cho phụ huynh. Và sự căng thẳng tâm lý của phụ huynh cũng ảnh hưởng đến việc học của trẻ cũng như sức khỏe tâm thần của người lớn.

Lý giải về điều này, chuyên gia tâm lý Hoàng Văn Quyết cho rằng: Có nhiều nguyên nhân xuất phát từ đặc điểm tâm lý sinh lý của trẻ ở độ tuổi này. Trong đó khi những năm mầm non trẻ được vui chơi thoải mái, được tự do và chạy nhảy thì bước sang lớp 1 trẻ cần tuân thủ những nội quy, quy định nhất định và những khó khăn trong việc tiếp thu hệ thống kiến thức hoàn toàn mới.

Ở độ tuổi này, trẻ vẫn còn khá hiếu động, dễ mất tập trung, dễ sao nhãng trước mọi hoạt động xung quanh, khả năng chú ý của trẻ ngắn. Nên khi phải chuyển từ việc được chơi thoải mái đến sự gò bó khi phải ngồi một chỗ, học trên điện thoại cả tiết học khiến nhiều trẻ rất bức bối, khó chịu và căng thẳng. Bên cạnh đó, khả năng phối hợp thị giác - thính giác - vận động kém, các em không thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc nên sẽ dễ bỏ lỡ bài học nếu bị phân tâm hoặc lúng túng bởi công nghệ.

Những áp lực của trẻ khi phải theo dõi toàn bộ bài giảng, những đòi hỏi khi nắm bắt các kiến thức hoàn toàn khác với những thói quen trước đây như chỉ xem tivi, điện thoại với các chương trình trò chơi, giải trí… Khiến trẻ rất khó hệ thống hóa được các kiến thức suốt cả bài dạy, chưa nói đến là những trục trặc về đường truyền, công nghệ.

Những căng thẳng của trẻ khi học online.

Ngoài ra, trẻ ở độ tuổi này, tâm lý của bé vẫn chưa ổn định, dễ bị sao nhãng, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xung quanh, cũng như dễ lo lắng và tổn thương. Do đó nếu phụ huynh để trẻ tự học, ít quan tâm trong quá trình học, hay bé ít được cô giáo quan tâm, hoặc thậm chí nhiều bố mẹ nhiệt tình ngồi học cùng con cả buổi, nhưng không khéo có thể lại gây căng thẳng và áp lực cho trẻ hơn là hỗ trợ trẻ học.

Những áp lực từ việc học không chỉ đến từ trẻ, mà còn đến từ tâm lý của phụ huynh. Khi quan sát con ngồi học online nhưng thấy nhiều bạn đối đáp tốt, nhiệt tình và hào hứng tham gia. Nhưng bé nhà mình hoặc trầm ngâm, kiệm lời hoặc hiếu động, ít tập trung chú ý vào bài giảng và sau buổi học hầu như quên hết các kiến thức. Do đó, việc trẻ chưa hiểu hoặc chưa nắm bắt được những kiến thức thì cảm thấy hoặc tỏ ra rất khó chịu.

Ngoài ra, việc đặt kỳ vọng quá cao với con cũng gây ra những căng thẳng cho cả phụ huynh lẫn cả trẻ. Sau thời gian mầm non, có nhiều bé rất tốt về ngôn ngữ, nhưng có những bé chỉ hứng thú với các con số, hoặc nhiều bé chỉ hứng thú với vận động… Do đó khi bước vào lớp 1, đòi hỏi sự tổng hợp nhiều kỹ năng khác nhau. Cho nên việc có những bé dễ khi học đọc nhưng khó khi học viết, hoặc dễ khi tập viết nhưng học trước quên sau với môn Toán… Có thể cũng là những biểu hiện tâm lý khá thường thấy.

Tuy nhiên khi phụ huynh chưa hiểu về nền tảng năng lực của trẻ. Kết hợp với việc không đặt trẻ vào bài giảng nhưng lại áp đặt sự hiểu biết của mình vào kiến thức của trẻ như: “Dễ thế cũng không biết à”, “Cầm bút như thế này mà hướng dẫn mãi vẫn chưa biết cầm à”… Càng khiến sự căng thẳng và áp lực của phụ huynh cũng như trẻ ngày càng cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến bé gặp khó khăn trong việc học từ những ngày đầu.

Phụ huynh cần làm gì?

Từ những thực trạng trên cho thấy, phụ huynh khi đồng hành cùng con trong quá trình học online cũng cần chuẩn bị tâm lý nhiều hơn và chính tâm lý của phụ huynh ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nắm bắt thông tin và tiếp nhận kiến thức của trẻ trong từng buổi học và sự cải thiện theo từng thời gian của bé.

Phụ huynh cần biết kiềm chế và đặt mình vào vị trí của con để hỗ trợ con hiệu quả. Tâm lý về kiềm chế, hiểu về năng lực của con thông qua các bài kiểm tra năng lực các lĩnh vực cho con như khả năng ghi nhớ, khả năng chú ý, khả năng tính toán, khả năng ngôn ngữ, khả năng vận động… Hiểu trên từng lĩnh vực, điểm mạnh, điểm yếu của con là điều rất quan trọng.

Từ việc hiểu về năng lực của con để trong từng bài dạy, kiềm chế và kiên trì. Hướng dẫn dựa trên những điểm mạnh của con trong từng bài tập, dần dần giúp con làm quen, thích nghi và bắt nhịp được việc học theo những yêu cầu mới. Có sự khởi đầu tích cực và thuận lợi, là chiếc vé đầu tiên để con vượt qua những khó khăn khi học lớp một nói chung cũng như khi học online.

Xây dựng không gian tâm lý tích cực, nâng đỡ nhiều hơn là căng thẳng, khó chịu. Từ việc học trước đây ở mầm non là sự chiều chuộng, bao bọc và học như chơi của bố mẹ, đến việc phải bắt gò bó vào bàn học là điều rất khó khăn. Do đó phụ huynh cần tạo tâm thế cho bé về việc học trực tuyến như một điều mới mẻ, thú vị cần khám phá. Phụ huynh cần trao đổi, chia sẻ với con nhiều hơn về những câu chuỵện đi học, việc học trực tuyến, việc lên lớp và được gặp gỡ nhiều những bạn mới thông qua hình thức mới… Từ việc tạo lập được một không gian tâm lý tích cực của cả bố mẹ và con cái là điều quan trọng để tạo hứng thú cho mỗi buổi học của con cũng như mỗi lần hướng dẫn của bố mẹ.

Tạo cơ hội để con chủ động trong các hoạt động học tập của mình. Khi trẻ đươc học ở nhà, đồng nghĩa với việc phụ huynh có nhiều thời gian để quan tâm, lo lắng hơn cho con. Nhưng thay vì làm giúp con mọi việc, phụ huynh nên định hướng mọi việc trước với con để tạo tâm thế hoàn toàn chủ động với trẻ. Như việc học online cũng có tâm thế như đi học bình thường nên phải mặc quần áo chỉnh tề, chuẩn bị về đồ dùng, sách vở cho đến các thời gian biểu, các sticker về thời gian học hàng ngày vui nhộn… Và tất cả những hoạt động liên quan đến học, phụ huynh nên là người kiểm huấn/người hướng dẫn hơn là làm thay, làm hộ.

Điều chỉnh môi trường hợp lý cho bé. Khi học online, khác với việc ngồi trên lớp với không gian rộng, tất cả các bạn cũng học cùng, có sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên… Nay trẻ chỉ ngồi học một mình, nhìn qua máy tính, điện thoại… sẽ rất khó để tập trung trong thời gian dài. Vì vậy phụ huynh cần tạo cho con góc học tập riêng, yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn như tiếng tivi, tiếng trò chơi, hoặc sự làm phiền của các anh/chị/em khác trong nhà. Tránh để trẻ mất tập trung, khó chịu khi học theo kiểu: Mình phải học, trong khi các em, các anh/chị được chơi; Mình phải học trong khi bố chơi điện thoại, mẹ xem tivi…

Và cũng cần thời gian vui chơi, thời gian học tập hợp lý để giảm áp lực và căng thẳng cho cả phụ huynh và trẻ. Thời gian vui chơi, vận động là điều rất cần thiết để giúp trẻ giải tỏa căng thẳng cũng như rèn luyện sức khỏe cho con sau những giờ ngồi trên màn hình căng thẳng và chưa kịp thích nghi được với việc học trong thời gian đầu.

Do đó những giờ vận động giải tỏa căng thẳng là rất quan trọng. Gia đình có thể bố trí thêm các hoạt động thể chất vừa sức để con cùng tham gia như đá bóng trong nhà, các bài tập gym, yoga cho đến các việc vặt như tưới cây, sắp xếp lại góc học tập, bê đồ lên giặt, quét nhà, dọn đồ chơi, chuẩn bị bàn ăn, phụ giúp bố mẹ trong các hoạt động hàng ngày…

Thu Trang

Theo KTDU

Từ khóa: