Theo quan điểm ông bố làm nghề kỹ sư xây dựng Đinh Ngọc Vỹ Long, việc tạo cho con tính kỷ luật từ bé là cơ sở, nền tảng giúp con phát triển toàn diện.
Dạy con về tính kỷ luật không có nghĩa là tạo sự nghiêm khắc và quá cứng nhắc trong cách giáo dục trẻ. Tính kỷ luật mang đến cho trẻ sự nghiêm túc trong công việc sau này, tạo thói quen tốt cho sức khỏe cũng như hình thành một nhân cách tốt cho xã hội. Bởi vậy, giáo dục gia đình về tính kỷ luật là điều cần thiết.
Tuy nhiên, nếu việc cha mẹ không kiên nhẫn và khéo léo, việc hình thành tính kỷ luật trong đời sống cũng như tạo thói quen, xây dựng nhân cách cho con sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí tạo áp lực cho trẻ và phản tác dụng.
Anh Đinh Ngọc Vỹ Long, một kỹ sư xây dựng, đồng thời là ông bố khá tâm lý. Khi có con, anh dành thời gian tìm hiểu và áp dụng những phương pháp giáo dục phù hợp nhất cho con của mình. Những kết quả khả quan đạt được khiến anh tràn đầy hy vọng về một thế hệ tương lai của dân tộc Việt Nam. Ông bố cho biết, nếu bé nào cũng được phát triển tối đa về trí lực, thể lực và tâm hồn, thì chắc chắn, mọi người có quyền hy vọng về một thế hệ trẻ tương lai có tài, có chí và có tâm.
Cùng trò chuyện với ông bố trẻ Vỹ Long để có thêm kinh nghiệm dạy con về tính kỷ luật:
- Chào anh, anh cùng vợ phối hợp với nhau trong việc giáo dục con như thế nào?
- Tôi sinh năm 1985, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM.
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục gia đình trong giai đoạn đầu đời của trẻ, bà xã tôi đã nghỉ việc ở công ty để tập trung hoàn toàn thời gian vào việc chăm sóc bé tại nhà cho đến khi bé 36 tháng tuổi. Từ 0 đến 3 tuổi ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách trẻ, gia đình tôi muốn đảm bảo con được sống trong môi trường đầy tình yêu thương, được nghe lời hay ý đẹp và được hướng về những suy nghĩ tích cực đối với mọi tình huống trong cuộc sống.
Được sự hỗ trợ 100% thời gian và công sức của bà xã, chúng tôi đã phối hợp giáo dục con khá hiệu quả, và tôi cũng khao khát được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các bố mẹ khác.
- Bé nhà anh có sở thích và tính cách như thế nào?
- Bé trai nhà tôi tên là Đinh Vĩ Hoàng Sơn, tên ở nhà là Soda. Tính đến thời điểm này bé được 20 tháng tuổi. Được nuôi dưỡng trong môi trường “tích cực”, bé lúc nào cũng vui vẻ, hoạt bát, và rất tò mò.
Đặc biệt bé rất quan tâm đến người khác, không làm các bé nhỏ tuổi hơn bị đau (là các cô hàng xóm nhận xét với vợ chồng tôi như thế). Tính cách này có lẽ do gia đình mình đã giáo dục bé ngay từ hồi mới sinh.
Bé rất độc lập trong suy nghĩ, có khả năng thể bày tỏ kiến riêng của mình.
Vợ chồng anh phối hợp thống nhất cách dạy con. (Ảnh NVCC)
- Theo anh, tại sao ba mẹ cần dạy con tính kỷ luật từ bé? Điều đó có ảnh hưởng gì đến tính cách và tương lai của con sau này?
- Kỷ luật là chiếc cầu nối giữa “mong muốn” và “kết quả”, là mảnh ghép cuối cùng của bức tranh “thành công”, và là chìa khóa mở ra cánh cửa “hạnh phúc”.- Theo anh, tại sao ba mẹ cần dạy con tính kỷ luật từ bé? Điều đó có ảnh hưởng gì đến tính cách và tương lai của con sau này?
Suy nghĩ tạo ra hành động, hành động tạo ra thói quen, thói quen tạo ra tính cách, tính cách tạo ra số phận. Suy nghĩ giống như một người khách lạ ghé nhà, hành động là khi người khách đó trở nên thân thiết với chúng ta, thói quen là khi người thân đó sống chung một ngôi nhà với mình, và tính cách là khi người thân đó chiếm quyền kiểm soát ngôi nhà. Lúc đó, quyền định đoạt số phận không còn nằm trong tay của chúng ta nữa.
Hình ảnh ẩn dụ trên cho thấy sự cần thiết phải tạo suy nghĩ và hành động “kỷ luật” ngay từ bé. Chính thói quen này sẽ giúp định hướng tương lai của con sau này.
Ông bố trẻ luôn dành thời gian cho con. (Ảnh NVCC)
- Tính kỷ luật đối với trẻ được hiểu như thế nào? Làm thế nào để bé hiểu về kỷ luật mà ba mẹ đặt ra?
- Theo tôi, đối với trẻ, kỉ luật chỉ đơn giản là:
+ Dừng chơi khi đến giờ ngủ,
+ Trả lại đồ chơi cho bạn sau khi chơi xong,
+ Tránh xa những vật dụng nguy hiểm như quạt máy, ổ điện…
+ Không xé sách
+ Thông báo cho ba mẹ khi muốn đi đại tiện, tiểu tiện...
Kiên trì hướng dẫn bé ngay từ nhỏ, phải nhất quán trong hành động, và quan trọng là bố mẹ phối hợp với nhau cho nhịp nhàng.
- Anh có bao giờ cảm thấy bất lực khi con không vâng lời? Khi con không nghe theo những nguyên tắc ba mẹ đặt ra, anh xử lý trường hợp này như thế nào?
- Trong giai đoạn đầu của việc giáo dục, bé đôi khi không hiểu những gì người lớn nói. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ cảm thấy bất lực rồi cáu gắt to tiếng với con. Nếu con không hiểu lời tôi nói, thì tôi xác định xem bé cảm nhận thế giới bằng những giác quan gì, và giúp bé đánh giá/tìm hiểu môi trường xung quanh, từ đó bé hiểu tốt hơn những gì người lớn nói.
Ví dụ:
Khi bé té đau, tôi dạy con biết cảm giác “đau”. (Con đau lắm phải không, lần sau con nhớ cẩn thận nhé.)
Sau đó, nếu bé nhào vào nồi cơm điện (đang nóng), tôi không cản con, mà kiểm tra xem nồi cơm có nóng đến mức làm bé phỏng hay không. Nếu nồi cơm nóng vừa phải, tôi cho bé sờ vào. Khi bé thấy nóng, giật tay ra, tôi nói: “Nồi cơm nóng lắm, con sờ vào sẽ bị phỏng, đau lắm. Con không lại gần nhé.” Lúc này bé học được thêm các khái niệm “nóng”, “phỏng”, và “không lại gần”.
Cứ thế mở rộng dần các khái niệm, bé sẽ hiểu lời nói của bố mẹ tốt hơn, và đây chính là nền tảng của việc giáo dục tính kỷ luật cho con.
Ngược lại, khi bé tiến lại gần nồi cơm, mà bố mẹ bế bé đi chỗ khác và nói “nóng lắm, đừng lại gần”; thì bé không hiểu thế nào là nóng, nên sẽ tiếp tục nhào vào nồi cơm. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy vô cùng bực mình, quát con, (tất nhiên bé vẫn tiếp tục chưa hiểu ra), và làm hỏng không khí vui vẻ của bữa ăn gia đình.
Dạy con tính kỷ luật từ khi mới sinh. (Ảnh NVCC)
Con học được tính kỷ luật, bố mẹ cũng nhàn nhã hơn. (Ảnh NVCC)
- Anh dạy tính kỷ luật cho con từ khi nào? Anh có thể chia sẻ các cách dạy hiệu quả giúp bé hiểu và tuân thủ kỷ luật và nguyên tắc đúng đắn ba mẹ đặt ra?
- Mình dạy con tính kỷ luật ngay từ hồi… mới sinh. Cũng giống như ở giai đoạn đầu của nền văn minh nhân loại, các môn khoa học chưa tách rời nhau, mà được gọi chung là “triết học”. Trải qua thời gian dài phát triển, triết học được phân nhánh thành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, từ đó phân hóa thành các ngành nhỏ hơn.
Giáo dục con cũng tương tự như vậy. Phải bắt đầu từ khi tượng hình bé trong người của mẹ, và cũng không phân định là giáo dục con đức tính dũng cảm, bao dung, kỷ luật,… nhưng tập trung giúp con cảm nhận thế giới xung quanh thông qua 5 giác quan.
Bé càng “hiểu biết” về môi trường sống, thì việc hình thành các đức tính tốt sẽ càng dễ dàng, tựa như lâu đài xây trên nền móng vững chắc.
- Đến thời điểm hiện tại, anh thấy việc dạy tính kỷ luật cho bé mang lại những điều gì tích cực cho con?
- Tính kỷ luật giúp bé ăn ngủ đúng giờ, chơi đùa vui vẻ với các bạn hàng xóm, và ngày càng tăng khả năng học hỏi, khám phá thế giới xung quanh. Bé ít bị đánh đòn, ít bị quát mắng nên lúc nào cũng vui vẻ hoạt bát, và thường xuyên nói ra những lời hay ý đẹp, những từ ngữ tích cực.
Hai vợ chồng cùng nhau dành nhiều thời gian cho con. (Ảnh NVCC)
- Theo anh việc áp dụng tính kỷ luật như thế nào thì hợp lý để giúp trẻ vừa hiểu được những nguyên tắc sống của gia đình vừa không làm cản trở sự sáng tạo và phát triển của con?
- Kỷ luật không đồng nghĩa với việc “cấm đoán”, nên không cản trở sự phát triển của con.
Mục tiêu của bố mẹ là giúp con phát huy tối đa các tiềm năng về trí tuệ, thể lực và tâm hồn, điều này chỉ có thể đạt được khi bé có những hiểu biết chính xác về môi trường xung quanh. Muốn bé đạt được những hiểu biết đó, thì cần cho bé tiếp xúc, trải nghiệm, và tự rút ra quy luật, bài học cho mình. Chính những trải nghiệm đó là nền tảng của sự sáng tạo và phát triển của con.
Hiện tại tôi đang viết 1 quyển sách hướng dẫn bố mẹ các phương pháp nuôi dạy con trong giai đoạn 0-12 tháng, rất chi tiết và cụ thể, các bố mẹ sẽ biết chính xác cần phải làm gì trong mỗi giai đoạn của con. Sách này được viết dựa trên rất nhiều nguồn tham khảo, và kinh nghiệm nuôi dạy con của chính gia đình tôi.
- Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm dạy con hữu ích. Chúc anh và gia đình thật nhiều sức khỏe và niềm vui.
Mỹ Anh
Theo ĐSPL, Vietnammoi