Sự kiện hot
khoảng 1 tháng trước

Bộ Tài chính đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Bộ Tài chính đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Môi trường kinh doanh là gì? Nhân tố ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh -  Vieclamkinhdoanh
Bộ Tài chính đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh.

Theo đó, Bộ Tài chính tập trung tăng điểm chỉ số thủ tục thông quan trong xếp hạng hiệu quả logistics của Ngân hàng Thế giới lên ít nhất 0,2 điểm; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành sau khi hàng hóa thông quan; phối hợp với các bộ ngành tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành…

Ngoài ra, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Đối với lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ chế biến thủy sản là "hoạt động chế biến" để thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo tinh thần đã nêu tại Văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp; tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách và quy định.

Đối với nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, Bộ Tài chính tiếp tục đăng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu; thực hiện rà soát, đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Chính sách tài chính hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát  triển - Tạp chí Tài chính

Theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Mục tiêu đặt ra nhằm, cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau: Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc; Quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc; Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc; An toàn an ninh mạng của ITU thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu.

Bên cạnh đó, theo Nghị quết của Chính phủ cũng đưa ra một số mục tiêu cụ thể năm 2024

a) Số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.

b) Về Năng lực Đổi mới sáng tạo của WIPO:

- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc.

- Nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc.

c) Nâng xếp hạng chỉ số Đăng ký tài sản trong xếp hạng Quyền tài sản của Liên minh quyền tài sản lên ít nhất 2 bậc.

d) Tăng điểm chỉ số Thủ tục thông quan trong xếp hạng Hiệu quả logistics của Ngân hàng thế giới lên ít nhất 0,2 điểm.

đ) Về Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn kinh tế thế giới:

- Nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành lên ít nhất 5 bậc.

- Nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch lên ít nhất 3 bậc.

Bộ Tài chính cho biết, sẽ thực hiện theo các Quyết định số 2838/QĐ-BTC ngày 25/12/2023 ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024, Quyết định số 1507/QĐ-BTC ngày 29/7/2022 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử…

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: