Khó thu mua nguyên vật liệu, linh kiện và tăng lương là những khó khăn có tính lặp lại qua nhiều năm được doanh nghiệp Nhật Bản chỉ ra trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Liệu doanh nghiệp Nhật Bản có nản lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam?
Theo kết quả khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương được thực hiện bởi Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) công bố mới đây, năm 2017 là năm ghi nhận môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, báo cáo của tổ chức này cũng chỉ ra, có 3/5 hạng mục rủi ro về môi trường đầu tư không có sự cải thiện và nhấn mạnh vẫn như các kết quả điều tra những năm trước, chi phí nhân công tăng cao, cơ chế thủ tục thuế phức tạp đang là những rào cản khiến doanh nghiệp Nhật Bản e ngại đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, những rủi ro này đang có xu hướng ngày càng gia tăng hơn.
Doanh nghiệp Nhật Bản có nản lòng với môi trường đầu tư tại Việt Nam?
Cụ thể, 61,6% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng chi phí nhân công tăng cao, tăng 3,1 điểm phần trăm so với năm 2016 là 58,5%. Liên quan đến cơ chế thủ tục thuế phức tạp là 42% tăng 3,5 điểm phần trăm so với năm 2016 là 38,5%. Ngoài ra, JETRO cũng cho biết, khó khăn trong việc thu mua nguyên, vật liệu linh kiện tại Việt Nam cũng là một trong những rào cản khiến doanh nghiệp Nhật Bản “ngại” đầu tư vào Việt Nam.
Trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến câu hỏi, cụ thể doanh nghiệp Nhật Bản khó thu mua nguyên vật liệu, linh kiện ở Việt Nam là vì sao? Ông Hironobu KITAGAWA cho biết: “Chủ yếu là do doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tiêu chí của doanh nghiệp Nhật Bản. Doanh nghiệp Nhật Bản sãn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam”.
Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia quốc tế cho biết, hiện nay, Việt Nam vẫn còn thiếu các nhà cung cấp tiềm năng có năng lực cạnh tranh và khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng, giá và độ tin cậy của các nhà đầu tư Nhật Bản hay các tập đoàn xuyên quốc gia. Đây chính là một trong những trở ngại lớn về kết nối theo chiều ngược ở Việt Nam.
Tuy nhiên, khi trả lời liên quan đến câu hỏi, với những khó khăn lặp lại như vậy, nhà đầu tư Nhật Bản có nản lòng hay dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ giảm không?
Ông Hironobu KITAGAWA - Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội cho biết:“Qua khảo sát này, JETRO mong muốn những khó khăn và rủi ro về môi trường đầu tư sẽ được Việt Nam nhìn nhận. Khi đó Việt Nam sẽ cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư và thu hút dòng vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung vào Việt Nam hơn nữa”.
Cũng theo báo cáo của JETRO, Khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng nhờ hoạt động doanh nghiệp làm ăn có lãi lên tới 65,1% doanh nghiệp trong tổng số 1345 doanh nghiệp.
Ngọc Hà
Diễn đàn Doanh nghiệp