Trong buổi đối thoại với doanh nghiệp bất động sản (BĐS) chiều 25.10, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đặc biệt nhấn mạnh các doanh nghiệp cần tập trung phát triển nhà ở xã hội là hướng đi đúng trong bối cảnh thị trường BĐS nước ta hiện nay.
Trong buổi đối thoại với doanh nghiệp bất động sản (BĐS) chiều 25.10, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đặc biệt nhấn mạnh các doanh nghiệp cần tập trung phát triển nhà ở xã hội là hướng đi đúng trong bối cảnh thị trường BĐS nước ta hiện nay.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần phát triển nhà ở xã hội trong bối
cảnh hiện nay - Ảnh: Lê Quân
“Thị trường BĐS là xương sống của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường BĐS nước ta đang rất khó khăn cần được tháo gỡ. Các doanh nghiệp cần vào cuộc cùng với ngân hàng, cơ quan nhà nước quyết liệt hơn nữa để phá băng BĐS”, Bộ trưởng Dũng nói.
Theo ông Dũng, việc rà soát lại các dự án rất cần thiết đối với quá trình cấu trúc lại thị trường BĐS, không để phát triển tràn lan như thời gian trước gây lãng phí tài nguyên, nguồn vốn. Đặc biệt là cơ cấu lại sản phẩm.
Hiện nay thị trường BĐS đang ở tình trạng đóng băng, lượng giao dịch không nhiều. Nguyên nhân là do phát triển những dự án đô thị không căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch mà tự phát, dẫn đến cung vượt cầu. Cùng với sự ồ ạt phát triển các dự án BĐS phân khúc căn hộ cao cấp, hiện còn nhiều hàng tồn kho, không bán được vì dân không đủ tiền. Còn phân khúc thị trường nhà ở xã hội thì lại đang khan hiếm, đắt hàng.
“Ở một nước khá giàu như Singapore mà chỉ có 20% nhà ở cao cấp, còn lại là 80% là nhà ở xã hội. Nước ta không giàu như họ mà chỉ chú trọng xây dựng căn hộ cao cấp, ít người đủ tiền mua. Trong khi lượng người cần nhà ở phân khúc nhà xã hội thì chưa nhiều doanh nghiệp thực sự chú trọng làm”, Bộ trưởng Dũng nói.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, thị trường BĐS ở nước ta còn yếu kém do nạn đầu cơ khiến sản phẩm chạy lòng vòng chứ không phải thực tế đến tay người tiêu dùng. Khi giá BĐS xuống, lãi suất ngân hàng cao lên thì bộc lộ rất rõ yếu kém của thị trường, những người đầu cơ không có khả năng tiêu thụ, do vậy thị trường đóng băng. Người tiêu dùng không mua vì đa số các căn hộ thuộc loại cao cấp không phù hợp khả năng thanh toán của người dân. Thêm vào đó, người đầu cơ đi vay tiền mua BĐS, nguy cơ phá sản cao.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Dũng là ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, Thủ đô cần rà soát lại các dự án. “Dự án nào đã gần hoàn thiện thì khẩn trương làm cho xong. Nếu thiếu vốn thì bơm vốn cứu sống dự án. Dự án nào đang ở giai đoạn móng, khó có khả năng hoàn thiện thì kiên quyết dừng lại. Không thể để thị trường BĐS phát triển tùy tiện như vết dầu loang”, ông Hải ví von.
Theo ông Hải, trong tình thế hiện nay, để “giải cứu” những dự án đang ế có thể cho phép chia nhỏ căn hộ ra để dễ bán, nhưng cũng còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng dự án.
Các doanh nghiệp cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách cho dân vay
tiền mua nhà hợp lý để thúc đẩy thị trường BĐS dù chỉ là muốn phát triển
nhà ở xã hội - Ảnh: Lê Quân
Phát biểu tại cuộc đối thoại, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, muốn cứu thị trường BĐS, trước hết các doanh nghiệp cần cơ cấu lại giỏ hàng hiện nay, cao cấp quá nhiều, bình dân thì hiếm.
Cũng theo ông này, phía ngân hàng trong thời gian qua cũng đã có nhiều nỗ lực giải cứu thị trường BĐS.
“Chúng tôi đã bàn thảo, nếu có đối tượng cần đầu tư thì ngân hàng sẽ hỗ trợ tích cực ngoài 4 ngành nghề tập trung thì BĐS được ưu tiên”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chính sách cho phép các tổ chức tín dụng dành 30% vốn đầu tư ngắn hạn đầu tư dài hạn.
Còn ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho rằng, giá BĐS trung bình ở thời điểm hiện nay đang cao hơn mức thu nhập năm bình quân trên đầu người nên chắc chắn không nhiều người có khả năng mua nhà, nhất là ở các thành phố lớn.
Theo ông Thành, cơ quan chức năng cần có chính sách tác động hỗ trợ tín dụng cho cả người mua nhà chứ không chỉ chủ đầu tư.
“Đa số các công trình đều phải vay vốn, nhiều dự án đang làm phải chững lại hoặc bỏ dở. Nếu không có tiền để tiếp tục thi công, doanh nghiệp không bán được hàng thì số nợ xấu của ngân hàng ngày càng gia tăng", ông Thành nói.
Cùng quan điểm trên, ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Vinaconex cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần có chính sách để tăng sức mạnh cho cầu, vì hiện nay nhu cầu nhà ở của người dân đang rất lớn nhưng không có tiền mua. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách cho người dân vay tiền mua nhà, vay tiền sản xuất. Từ đó mới tạo ra công ăn việc làm, tích lũy để trả nợ cho ngân hàng.
Cũng theo ông Phong, cơ quan chức năng cần có văn bản, nghị định chống bán phá giá BĐS cụ thể để tránh vỡ thị trường.
“Khi nhà thương mại còn bán rẻ hơn cả nhà xã hội thì chẳng ai thèm mua nhà xã hội. Trong khi đó, nhà ở xã hội cũng không thể hạ chất lượng xuống để chạy đua giá với dự án nhà thương mại bán phá giá”, đại diện doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực nhà ở xã hội cảnh báo.
Lê Quân
Theo Thanhnien