Sự kiện hot
khoảng 1 tháng trước

Giải pháp nào cho người mua khi giá nhà ở quá cao so với mức thu nhập?

Trong bối cảnh giá nhà ở ngày càng leo thang và mức thu nhập của người dân không theo kịp, việc sở hữu một căn nhà trở thành giấc mơ xa vời đối với nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những cặp vợ chồng mới cưới hoặc những gia đình có thu nhập thấp. Việc nhà ở trở thành tài sản không dễ tiếp cận không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của các cá nhân mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Vậy giải pháp nào có thể giúp người mua nhà vượt qua khó khăn này?

Theo Bộ Xây dựng và khảo sát từ một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, quý III-2024 giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ, mặt bằng giá dự án mới đã tăng khoảng 4-6% so với quý trước và 22-25% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí. Phân khúc căn hộ chung cư bình dân (mức giá dưới 25 triệu đồng/m2) gần như không có giao dịch và sản phẩm để bán. 

Hành nghề môi giới bất động sản, cần biết những kiến thức gì? - CafeLand.Vn
Giải pháp nào cho người dân khi giá nhà ở quá cao so với mức thu nhập?

Báo cáo của Savills Hà Nội, đơn vị chuyên về tư vấn BĐS, quý III-2024 giá chung cư tại Hà Nội vẫn tiếp tục tăng. Giá bán sơ cấp trung bình (do chủ đầu tư bán ra) hiện đang ở mức 69 triệu đồng/m2, tăng 6% so với quý trước và 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Làm rõ lý do giá nhà ở tăng cao, Bộ Xây dựng cho rằng, việc thiếu hụt nguồn cung chỉ là một trong những nguyên nhân. Giá bán BĐS tăng một phần do tăng chi phí liên quan đến đất đai cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới. Tại một số địa phương, khu vực, có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, trong đó, có việc nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá, trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm rồi có thể “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá nhằm thiết lập mặt bằng giá ảo để kiếm lời.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tạo giá ảo, thổi giá của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới BĐS, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi. Biến động của nền kinh tế trong thời gian qua liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... cũng dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang nhà, đất để làm nơi trú ẩn an toàn. 

Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, thế hệ 9x ở Việt Nam tại thời điểm năm 2024 cần trung bình 25,8 năm thu nhập để mua một căn chung cư với giá 3 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%.

“Còn theo số liệu quốc tế khảo sát, con số này là 23,5 năm. Như vậy là rất cao so với bình quân của thế giới. Thông thường các bạn trẻ cần đi làm khoảng 10 – 12 năm, tối đa 15 năm để kiếm một cái nhà. Còn ở Việt Nam lên tới 23-24 năm, gần hết đời công chức. Như vậy đi làm kiếm tiền gần cả đời công chức mới mua được cái nhà.

Hội Môi giới Bất động sản

Gần đây, giá bất động sản trên thị trường tại một số khu vực tăng đột biến do nhiều nguyên nhân về cung - cầu. Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện 9 giải pháp nhằm giảm giá nhà ở, bất động sản và ổn định thị trường bất động sản.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực bất động sản mới được ban hành như Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024... và các văn bản quy định chi tiết. Cùng với đó, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và Công điện số 82/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, theo hướng: tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cũng đề xuất nghiên cứu chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế…

Giải pháp tiếp theo là hạn chế tác động tiêu cực của việc ban hành bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 đến mặt bằng giá đất, giá nhà, đến cung cầu của thị trường bất động sản.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị việc nghiên cứu,  đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch bất động sản hoặc hoạt động môi giới bất động sản có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.

Cùng với việc nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, cần rà soát khâu tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, triển khai thực hiện các dự án bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản. Từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.

Song song với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ môi giới bất động sản... Bộ Xây dựng đề xuất đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đưa ra đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không neo giữ giá cao, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu tiêu dùng trên thị trường, tạo dòng tiền và thanh khoản. Doanh nghiệp BĐS cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân, giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân và tham gia phát triển nhà ở xã hội để có thể tiếp cận gói tín dụng ưu đãi.

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: