Nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2020, các khoản nợ nằm trong diện tái cơ cấu bắt đầu quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các khoản nợ đã tái cơ cấu đã trả được nợ và không còn nằm trong diện tái cơ cấu.
Trong báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng 2021 được công bố mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, các khoản nợ tái cơ cấu không phải vấn đề lớn đối với các nhà băng trong năm nay.
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư 01 cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến hết năm 2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 355.000 tỷ đồng dư nợ, được đánh giá không tăng nhiều so với mức 321.000 tỷ VND cuối tháng 9/2020.
Theo thống kê của BSC tại các ngân hàng niêm yết, dư nợ tái cơ cấu theo thông tư 01 bắt đầu giảm trong quý IV/2020. Cụ thể, tỷ lệ nợ tái cơ cấu trên tổng dư nợ đã đã giảm từ mức 2,6% vào cuối quý III xuống mức 2% vào cuối quý IV.
BSC nhận định kết quả có được nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong quý III, IV giúp các doanh nghiệp nằm trong diện tái cơ cấu nợ bắt đầu quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các khoản nợ đã tái cơ cấu đã trả được nợ và không còn nằm trong diện tái cơ cấu.
Ảnh: Báo cáo BSC.
Nhóm phân tích cũng cho rằng các khoản nợ VAMC và lãi dự thu không còn là rủi ro lớn đối với hệ thống khi 2020 là một năm thành công với các ngân hàng trong việc xử lý và trích lập dự phòng với các khoản nợ xấu VAMC.
Theo BSC, hầu hết các ngân hàng hiện nay đã xử lý xong nợ VAMC trước hạn, các khoản nợ VAMC lớn nhất thuộc về 3 nhà băng là Sacombank (khoảng 26.700 tỷ đồng), SHB (khoảng 4.300 tỷ đồng) và Eximbank (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Đối với Eximbank và SHB, hai ngân hàng này dự kiến sẽ xử lý xong nợ VAMC vào năm 2023; Sacombank dự kiến sẽ xử lý xong các khoản nợ này vào 2025.
Ảnh: Báo cáo BSC.
Mặt khác, BSC cho rằng nhiều ngân hàng đã tăng mức trích lập dự phòng phòng ngừa rủi ro trong năm 2020, đẩy mức bao phủ nợ xấu lên mức cao giúp chống đỡ trước rủi ro tăng cao về nợ xấu.
Cụ thể, mức trích lập dự phòng hiện nay đã lên mức 1,3% tổng dư nợ, đẩy mức tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên mức 82,6%. Chi phí tín dụng trong năm 2020 hiện đang ở mức 1,6%, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tích cực xóa nợ xấu nội bảng. Tổng nợ xấu đã xóa trong năm 2020 là khoảng 53.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm trước. Trong đó nhiều ngân hàng đẩy mạnh xóa nợ xấu nội bảng như Techcombank, HDBank. VietinBank hay VIB.
Dựa trên nhưng quan điểm tích cực trên, BSC kỳ vọng nợ xấu toàn ngành sẽ được kiểm soát ở mức 1,8% trong năm 2021.
Lê Huy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng