Không chỉ đầu tư xây dựng các phần mềm gọi ô tô mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách truyền thống đang bắt đầu áp dụng công nghệ cho xe ôm nhằm cạnh tranh với Grab, Uber.
Các "ông lớn" như Mai Linh, Vinasun cho biết đang xem xét phát triển thêm loại hình xe ôm công nghệ, trong khi hiện đã có một số doanh nghiệp (DN) đã triển khai dịch vụ này như "VivuMoto", "AGZ Bike", "Timxes.com"... Như vậy, ngoài các dịch vụ xe ôm công nghệ nổi trội như GrabBike, UberMoto, thị trường hiện đã có thêm nhiều sự lựa chọn khác.
Hàng loạt công ty vào cuộc
Trong những dịch vụ xe ôm mới ra đời, Công ty CP Phát triển công nghệ Vivu (Công ty Vivu) phát triển phần mềm Vivu có những tính năng khá nổi bật, tương tự như của Uber và Grab. Đại diện DN này cho hay ứng dụng trên được đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 13-8, sau khoảng 1 năm thử nghiệm.
Trên ứng dụng của Vivu gồm 3 tính năng "VivuCar", "VivuTaxi" và "VivuMoto" cho phép người dùng lựa chọn mức phí tương đương với từng loại xe. Người dùng khi đặt xe, nếu xác định điểm đến, phần mềm sẽ cập nhật mức phí cụ thể cho hành khách biết trước. Nếu không chọn điểm đến thì được tính phí theo quãng đường thực tế, với mức giá khoảng 3.800 đồng/km đối với dịch vụ VivuMoto. DN này đang tập trung triển khai ứng dụng gọi xe này ở một số địa phương mà Grab, Uber chưa xuất hiện như Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng... Riêng tại TP HCM, các dịch vụ trên chỉ tập trung trong các khung giờ cao điểm.
Xe ôm công nghệ đang bùng phát tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM
Trong khi đó, theo đại diện Tập đoàn Mai Linh, để cạnh tranh với Uber và Grab, DN này hiện đã áp dụng các công nghệ gọi xe trên toàn hệ thống với phần mềm "Mai Linh Car", trong đó đã định hướng phát triển thêm loại hình "xe ôm công nghệ". Trên bản đồ số tích hợp ở ứng dụng Mai Linh Taxi đã có nút M.Bike và M.Bike Premium nhưng theo đại diện DN này, hiện dịch vụ đặt xe ôm qua phần mềm mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm, cần hoàn thành nhiều thủ tục cũng như nâng cấp các tính năng mới đưa vào hoạt động chính thức.
Riêng Vinasun, mặc dù chưa triển khai nhưng trong đại hội cổ đông vừa qua, nhiều cổ đông đã đặt vấn đề phát triển dịch vụ xe ôm công nghệ. Lãnh đạo công ty này đang xem xét và lập chiến lược lâu dài cho dịch vụ này.
Cạnh tranh gay gắt
Thị trường vận tải 2 bánh được xem là phù hợp để phát triển tại các TP khi đường còn nhỏ hẹp và thói quen đi lại của nhiều người chủ yếu vẫn tập trung vào xe máy. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng các DN kinh doanh vận tải hành khách áp dụng công nghệ gọi xe 2 bánh vào thị trường là tất yếu và vấn đề cạnh tranh cũng không tránh khỏi. Dưới góc độ kinh tế, do kinh doanh trên nền tảng công nghệ nên DN nào có công nghệ tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu thực tế nhiều hơn và có thể duy trì lâu hơn thì sẽ được thị trường lựa chọn.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, đánh giá nếu triển khai công nghệ, việc cạnh tranh giữa các DN mới với những công ty đã phát triển như Grab, Uber là không hề đơn giản. Ông Sanh dẫn chứng từ cuối năm 2014, dịch vụ đặt xe ôm bằng ứng dụng công nghệ đã được Grab phát triển và TP HCM là nơi đầu tiên áp dụng dịch vụ GrabBike. Sau 3 năm, ứng dụng của Grab đã trở nên phổ biến và tăng trưởng mạnh cho thấy đơn vị này đã đánh vào đúng nhu cầu đi lại của người dân cũng như duy trì tốt. Vì vậy, những DN triển khai sau bắt buộc phải có những chiến lược đặc biệt thì mới có thể cạnh tranh.
Tuy nhiên, TS Phạm Sanh nhìn nhận những DN như Vivu, Mai Linh, Vinasun,... vẫn có lợi thế vì đã có sẵn cơ sở, thương hiệu cũng như hiểu rõ nhu cầu đi lại, văn hóa của người dân nên cần phát huy lợi thế này khi thực hiện. Dưới góc độ quản lý, nên xem xe ôm là một loại hình giao thông công cộng, từ đó mới có thể đưa ra quy hoạch và khung quản lý cụ thể nhằm bảo đảm tính cạnh tranh công bằng và minh bạch giữa các DN.
Xe ôm truyền thống gặp khó
Ông Lê Hoàng Vạn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm Bến xe An Sương, TP HCM, cho rằng xu thế phát triển dịch vụ gọi xe ôm như loại hình Grab, Uber đang áp dụng là tất yếu. Sự phát triển của loại hình này cũng sẽ khiến xe ôm truyền thống gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh về giá dịch vụ. "Trong nghiệp đoàn xe ôm, đa phần là dân nghèo địa phương, có thâm niên hành nghề hàng chục năm, chủ yếu là chở khách quen. Hầu hết anh em đều lớn tuổi, thu nhập bấp bênh nên không có điều kiện mua sắm điện thoại công nghệ mắc tiền, do vậy, khả năng gia nhập đội ngũ chạy xe ôm Grab, Uber rất khó" - ông Vạn bày tỏ.
K.AN
Gia Minh
Theo Người Lao động