Sự kiện hot
13 năm trước

Buôn bán tiểu ngạch: Phải điều chỉnh chính sách

Chậm trễ trong điều chỉnh chính sách về thương mại mậu biên của cơ quan quản lý trong nước là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thua thiệt của phía Việt Nam.

Họ quản chặt, ta buông lỏng

Ông Hà Hồng, Phó ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) nhận xét, Trung Quốc có chính sách cụ thể với từng loại hình, như hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc tại cửa khẩu nào, giá nào đều có chỉ đạo rất rõ. “Về giá, thương nhân Trung Quốc có thể thống nhất một khung giá chung trên toàn tuyến biên giới. Có thể nhìn thấy rõ bàn tay can thiệp ở đây”, ông Hồng cho biết.

Một chuyên gia khác cũng cho rằng, sự linh hoạt trong đóng mở van chính sách với xuất nhập khẩu qua biên giới của Trung Quốc rất rõ nét. Trung Quốc có thể tăng giảm mức phí biên mậu từng thời điểm, mùa vụ mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam không biết hết. Họ có thể tăng cường kiểm soát gắt gao với vệ sinh an toàn hàng xuất khẩu nếu muốn siết nhập khẩu, hoặc nới lỏng kiểm tra nếu muốn tăng lượng nhập. Bởi thế, các DN Trung Quốc có thể ép giá bán, chủ động mua hàng Việt Nam khi giá thấp. Đáng nói, Trung Quốc chỉ áp dụng các chính sách này với hàng nhập khẩu tiểu ngạch của Việt Nam, nên không hề vi phạm các cam kết WTO.

 
Xe tải phía Trung Quốc nằm chờ hàng ở biên giới - Ảnh: Hải Hà

Trong khi Trung Quốc rất chặt chẽ thì lâu nay các cửa khẩu của ta lại buông lỏng việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Theo tiến sĩ luật Phạm Văn Chắt, thành viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, nguyên nhân là do cơ chế kiểm tra, kiểm soát của chúng ta không tốt. "Tôi từng chứng kiến ở cửa khẩu tỉnh Lào Cai, hàng hóa của ta vào Trung Quốc được họ kiểm tra kỹ càng rồi mới cho qua. Còn ngược lại, chỉ cần thương nhân Trung Quốc đóng thuế là hàng hóa của họ có thể vào Việt Nam. Hiện nay, chúng ta chỉ mới có thể kiểm soát được một vài mặt hàng cơ bản. Hệ thống kho bãi, kỹ thuật kiểm tra ở cửa khẩu dọc biên giới với Trung Quốc vừa thiếu, vừa yếu. Nếu muốn tăng cường kiểm soát, nên đầu tư xây dựng nhiều kho bãi có trang bị kỹ thuật để hàng hóa tập kết ở đó, chờ kiểm tra xong mới được nhập, chứ không thể ra vào tự do. Nhưng trước hết, chúng ta phải thật sự kiên quyết" - ông Chắt bức xúc.

Tôi từng chứng kiến ở cửa khẩu tỉnh Lào Cai, hàng hóa của ta vào Trung Quốc được họ kiểm tra kỹ càng rồi mới cho qua. Còn ngược lại, chỉ cần thương nhân Trung Quốc đóng thuế là hàng hóa của họ có thể vào Việt Nam

Tiến sĩ luật Phạm Văn Chắt, thành viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam

Theo GS Võ Đại Lược, Viện Khoa học xã hội - không chỉ DN mà ngay cơ quan điều hành cấp tỉnh đang biết rất ít về chính sách biên mậu Trung Quốc, ngay cả thị trường gần Việt Nam nhất như Quảng Tây cũng có ít thông tin, nên khó tránh rủi ro. Bộ Công thương cần đề xuất Chính phủ thành lập ủy  ban hỗn hợp tại các cửa khẩu để xử lý những vấn đề bất thường. Đặc biệt, cần thiết lập một hiệp hội biên mậu, cũng như thiết lập cấp chính quyền của khu kinh tế cửa khẩu.

Đẩy mạnh giao dịch mậu biên

Theo ông Trần Bảo Giám, Vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi, Bộ Công thương, hiện Trung Quốc đang có những động thái đẩy nhanh sự phát triển của hoạt động thông thương qua biên giới, dựa vào trọng điểm xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Tại tỉnh Quảng Tây, có nhiều cửa khẩu giáp Việt Nam, Trung Quốc cũng đã xây dựng Khu ngoại quan tổng hợp Bằng Tường, vừa là cửa khẩu, lưu thông hàng hóa tự do thương mại miễn thuế, gia công thương mại tự do miễn thuế và thương mại quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội nhận xét, phía Trung Quốc luôn chủ động chủ trì ý tưởng buôn bán tiểu ngạch với ta, vì có lợi cho họ nhiều thứ.  Tiểu ngạch cũng tạo điều kiện dễ dàng cho Trung Quốc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho DN trong buôn bán với nước ngoài mà không bị kiện tụng theo các cam kết WTO như chính ngạch.

Thiếu cơ chế kiểm soát

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, bổ sung: Ở tầm chính phủ, chúng ta có những thỏa thuận với phía Trung Quốc hằng năm nâng mức kim ngạch thương mại song phương đạt chừng này tỉ USD, nhưng ở dưới lại không có các cam kết kiểu nghị định thư nhằm đảm bảo nguyên tắc trao đổi thương mại. Những nghị định thư có thể hạn chế được rủi ro trong buôn bán, mà phần thiệt bao giờ cũng trút lên đầu người nông dân do hợp đồng bị phá (không ổn định tiêu thụ) hoặc có cơ sở để giải quyết tranh chấp.

GS-TS Võ Thanh Thu, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách thương mại quốc tế, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến Trung Quốc không nhanh chóng thúc đẩy giao thương chính ngạch với Việt Nam. Thứ nhất, chính sách phát triển thương mại mậu biên sẽ giúp các tỉnh biên giới phía nam Trung Quốc giảm nghèo. Đây là địa bàn xa xôi so với thủ đô Bắc Kinh, nơi đa số người dân là dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn. Cho nên, hàng hóa sản xuất ở khu vực này sẽ xuất khẩu qua Việt Nam, hoặc từ đây vào các nước Đông Nam Á. Thứ hai, thương mại mậu biên giúp doanh nhân Trung Quốc được hưởng chính sách giảm thuế nhiều hơn của chính phủ nước này so với buôn bán chính ngạch. Thứ ba, xuất khẩu chính ngạch phải thanh toán qua ngân hàng bằng ngoại tệ, trong khi tiểu ngạch lại có thể thanh toán bằng hàng đổi hàng; bằng tiền đồng hoặc nhân dân tệ. Do đó, ở khu vực các cửa khẩu biên giới phía bắc, ngân hàng làm ăn không mấy khấm khá vì đã có “ngân hàng nhân dân” là những người ôm cả bao tải tiền để đổi cho khách hàng buôn bán tiểu ngạch.

Xem lại phương thức giao dịch

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, cho rằng trước thực tế Trung Quốc không muốn giao thương với ta bằng đường chính ngạch, chính sách của ta phải được điều chỉnh cho phù hợp. Buôn bán tiểu ngạch là cách làm theo kiểu nhỏ lẻ. Trong khi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng lên gần 30 tỉ USD/năm thì hình thức tiểu ngạch chắc chắn không còn phù hợp. Vì vậy, chúng ta phải tính đến việc thay đổi hình thức giao dịch để loại trừ bất lợi cho DN Việt Nam. Không thể để tình trạng quản lý buôn bán qua đường biên giới với Trung Quốc tiếp tục được thả nổi. Đến lúc phải đặt vấn đề nghiêm túc đối với thực trạng này, nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng chính sách một cách bất hợp pháp thông qua con đường tiểu ngạch.

Tuy vậy, GS Thu cho rằng, không thể nói đến việc hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch với các nước có đường biên giới chung với Việt Nam, trong đó có Trung Quốc. Bởi lẽ, như Trung Quốc đã tính toán chính sách này nhằm phát triển những vùng biên giới còn nghèo khó. Do vậy, chúng ta cần tìm giải pháp tốt để điều tiết vĩ mô vì phát triển kinh tế mậu biên trên thực tế đem lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn, cho các tỉnh nghèo biên giới thu ngân sách qua thuế tiểu ngạch, được giữ lại để phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư vào sản xuất... Từ đó cải thiện được đời sống người dân, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và thành thị. Đây cũng là cách mà Trung Quốc áp dụng để phát triển các địa phương giáp biên với ta và đã mang lại kết quả rõ ràng.

Theo một chuyên gia, việc hướng tới thành lập các khu hợp tác kinh tế biên giới Việt - Trung là hướng đi hợp lý, thay thế dần hoạt động biên mậu nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó quản lý. Để không bị lép vế, bên cạnh việc xây dựng những quy định ràng buộc chặt chẽ về thông thương tiểu ngạch, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, vốn đang rất yếu hiện nay.

N.Trần Tâm - Mai Hà
theo Thanh niên online

Từ khóa: