Vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh là các tuyến giao thông có vai trò hết sức quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có tuyến đường đi qua cũng như các tỉnh, thành phố lân cận. Với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 150.000 tỷ đồng, dự án đường vành đai 3, 4 TP HCM đang được gấp rút triển khai.
Ngày 9/7, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 180/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc về triển khai các dự án thành phần trên tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, ngày 18/6/2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thưởng trực Trương Hòa Bình đã chủ trì buổi làm việc về triển khai các dự án thành phần trên tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
Thông báo nêu rõ, đường vành đai 3, vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh là các tuyến giao thông có vai trò hết sức quan trọng đối với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh có tuyến đường đi qua cũng như các tỉnh, thành phố lân cận.
Đây là tuyến đường kết nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TP.Hồ Chí Minh và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực.
Để tiếp tục triển khai ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ trong thời gian qua nhằm sớm hoàn thành 2 tuyến đường này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 149/TB-VPCP ngày 4/6/2021; khẩn trương thống nhất phương án triển khai các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP (lưu ý nghiên cứu phương án thu phí tổng hợp trên toàn tuyến và phân bổ đến từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2021.
Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan lưu ý rà soát điều chỉnh quy hoạch, tích hợp quy hoạch, hướng tuyến cho phù hợp, tránh đi qua các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu di tích lịch sử, đường hiện hữu đi qua khu đô thị để giảm chi phí giải phóng mặt bằng; đồng thời, đầu tư hệ thống đường song hành, đường gom để khai thác giá trị đất đai, phát triển khu đô thị, cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ, các cụm công nghiệp..., thực hiện đấu giá quỹ đất để tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Phương án thu phí đường cao tốc phải thực hiện theo hình thức điện tử không dừng để giảm chi phí đầu tư trạm thu phí, tăng hiệu quả khai thác.
UBND các địa phương có các dự án đường vành đai 3, vành đai 4 đi qua khẩn trương chỉ đạo đơn vị đầu mối tại địa phương làm việc với Bộ GTVT và các đơn vị tư vấn, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án thành phần để chủ trì triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Trong quá trình triển khai đầu tư, lưu ý triển khai đồng thời các dự án đường vành đai 3, 4 theo điều kiện của từng địa phương, sớm khép kín các tuyến đường vành đai trong giai đoạn 2021 - 2025 và phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành tất cả dự án.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải nghiên cứu, xử lý phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để các địa phương triển khai đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật; nghiên cứu cơ chế cho các địa phương vay vốn từ quỹ bảo hiểm xã hội, phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (hoặc trái phiếu Chính phủ theo hình thức cho các địa phương vay lại) và các nguồn vốn khác để Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư các dự án tuyến đường vành đai theo quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến vành đai 3 và vành đai 4; tổng hợp tình hình triển khai thực hiện các dự án thành phần, định kỳ 6 tháng báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành xem xét, chỉ đạo. Trong đó nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo chung do 1 đồng chí lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải làm Trưởng ban Chỉ đạo, cùng với thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan để điều phối chung triển khai đầu tư xây dựng các tuyến vành đai nêu trên.
Theo quy hoạch, đường Vành đai 3 có chiều dài 89 km, đi qua địa bàn các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Đường Vành đai 4 có chiều dài 197 km, đi qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Tổng vốn đầu tư hai dự án dự kiến hơn 150.000 tỷ đồng.
Tạ Thành
Theo KTDU