Sự kiện hot
13 năm trước

Các "ông lớn" kêu khổ vì giải phóng mặt bằng

Giá đất leo thang gây mẫu thuẫn trong đền bù, vướng mắc trong việc xác định tiền sử dụng đất và xác định giá đất theo giá thị trường… là một trong những vấn đề nổi cộm mà nhiều doanh nghiệp bất động sản than phiền.

Giá đất leo thang gây mẫu thuẫn trong đền bù, vướng mắc trong việc xác định tiền sử dụng đất và xác định giá đất theo giá thị trường… là một trong những vấn đề nổi cộm mà nhiều doanh nghiệp bất động sản than phiền.

Các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có chính sách nhất quán và cương quyết trong công tác giải phóng mặt bằng đi kèm với tuyên truyền, động viên thuyết phục người dân trong khu vực dự án.

Tại hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng vừa diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo các tổng lớn như HUD, Vinaconex cũng hàng loạt doanh nghiệp đều đồng loạt kiến nghị về những bức xúc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Dự án chậm do tắc khâu giải phóng mặt bằng

Ông Nguyễn Đăng Nam – Chủ tịch tập đoàn HUD cho rằng, vấn đề khó khăn nhất ảnh hưởng quyết định đến tiến độ triển khai các dự án mà hầu hết các nhà đầu tư nói chung, đặc biệt các nhà đầu tư dự án khu đô thị mới nói riêng gặp phải trong quá trình thực hiện dự án là những vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

“Mâu thuẫn giữa đòi hỏi đền bù hỗ trợ của người dân với những ràng buộc, khống chế của các quy định, chính sách làm cho nhiều dự án không thể triển khai được. Các chế độ chính sách chưa theo kịp diễn biến thực tế, hơn nữa, việc áp dụng tại từng địa phương cũng khác nhau” ông Nam nói.

Ngoài ra, trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định đời sống cho người dân thực sự là bài toán khó cho các chủ đầu tư và các cấp chính quyền địa phương.

Một vấn đề đã được rất nhiều doanh nghiệp đề cập đó là vướng mắc trong việc xác định tiền sử dụng đất và thời điểm nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP

Theo bà Châu Thị Thu Nga – Chủ tịch HĐQT-TGĐ Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đấtNghị định 69 có hiệu lực được 3 năm, nhưng cho đến nay số lượng doanh nghiệp chấp nhận nộp tiền sử dụng đất vẫn còn hết sức khiêm tốn so với số lượng dự án cần phải nộp tiền sử dụng đất.

Cùng một dự án, việc giải phóng mặt bằng trước và sau thời điểm Nghị định số 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực khác biệt nhau. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp chưa đóng tiền sử dụng đất bởi các vướng mắc về tiền sử dụng đất quá cao và xác định thời điểm đóng tiền sử dụng đất. Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt các dự án buộc phải án binh bất động chờ cho đến khi việc thu tiền sử dụng đất, khấu trừ tiền sử dụng đất được rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, theo quy định Nghị định số 69, khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án… khi Nhà nước thu hồi đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để xác định lại giá đất cụ thể cho phù hợp…

Theo quy định này, các doanh nghiệp bất động sản phải đóng tiền sử dụng đất căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế theo giá thị trường. Điều này hoàn toàn khác so với cách tính trước đây và gây khó khăn do mức tổng số tiền phải đóng cao.

“Nếu doanh nghiệp mạnh dạn tiến hành thực hiện dự án mới thì với cách tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường như Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ban thì mức giá mỗi thành phẩm nhà ở được bán ra sẽ rất cao. Một mặt bằng giá nhà ở mới sẽ hình thành, và trong tình hình khó khăn tài chính như hiện này sẽ đẩy thị trường bất động sản chìm vào im ắng vì giá nhà đất quá cao” bà Nga cho biết.

Hài hòa lợi ích

Để giải quyết khó khăn, đại diện doanh nghiệp bất động sản cho rằng, việc lập và thoả thuận phương án đền bù giải phóng mặt bằng là cả một quá trình khó khăn, lâu dài. Nên chăng ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư doanh nghiệp cần phải chủ động tiếp xúc với chính quyền địa phương để phối hợp triển khai cụ thể từng bước với phương châm mềm dẻo, linh hoạt.

Chủ đầu tư tổ chức bám sát và nắm bắt diễn biến tư tưởng của người dân để có những giải pháp thích hợp theo từng thời điểm, vận dụng những quy định của Nhà nước và thành phố để đề xuất áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ khi thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.

Bà Châu Thị Thu Nga cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét cho phép doanh nghiệp được đóng tiền sử dụng đất theo bảng giá đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Bởi nhiều dự án đã triển khai cả chục năm nay, việc giải phóng mặt bằng đã hoàn tất từ trước khi có Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định cách tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Vì vậy, nếu bắt doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất theo thời điểm hiện nay thì doanh nghiệp không thể chịu đựng được.

Đại diện Công ty CP Vinaconex, nhà nước cần có chính sách nhất quán và cương quyết trong công tác giải phóng mặt bằng đi kèm với tuyên truyền, động viên thuyết phục người dân trong khu vực dự án. Đặc biệt, đưa ra các giải pháp tạo công ăn việc làm và lợi ích phát sinh từ dự án cho người dân bị thu hồi hạn chế việc sinh lời từ lợi thế bất động sản.

Anh Đào
Theo VnMedia

Từ khóa: