Các nhà đầu cơ tiếp tục đặt cược vào thị trường hàng hóa trong tuần qua, với lượng tiền nhiều nhất trong 2 tháng vì kinh tế Mỹ cải thiện và châu Âu đạt được thỏa thuận giải quyết nợ công, đưa giá hàng hóa có chuỗi ngày tăng mạnh nhất trong 2 năm.
Theo dữ liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), các quỹ quản lý tiền tệ đã tăng vị thế mua ở 18 hàng hóa trên thị trường kỳ hạn và quyền chọn thêm 13% lên 831.421 hợp đồng trong tuần kết thúc ngày 25/10. Chỉ số Standard & Poor’s GSCI của 24 loại hàng hóa đã tăng 10% trong tháng này – hướng tới tháng tăng nhiều nhất kể từ tháng 5/2009.
Hôm 27/10, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận giải quyết khủng hoảng nợ bằng cách giảm 50% nợ cho Hy Lạp và tăng quỹ cứu trợ tài chính khu vực lên gấp 4 lần. Cùng ngày, Mỹ công bố tăng trưởng GDP quý 3 tốt hơn mong đợi, với 2,5%. Chỉ số chứng khoán S&P 500 đang hướng tới tháng tăng nhiều nhất kể từ năm 1974, còn chỉ số GSCI của các hàng hóa muốn lấy lại những gì đã mất trong tháng 9.
Trong tuần đến ngày 25/10, có 19 trong số 24 mặt hàng đã tăng giá, trong đó đứng đầu là đồng với 15% - tuần tăng giá tốt nhất kể từ năm 1988. Giá bạc tăng 13% còn dầu thô lên mức cao nhất của 12 tuần. Duy có 5 mặt hàng để mất giá do nguồn cung lớn là cà phê, thịt, đường, xăng và gia súc sống.
Dữ liệu cho thấy, nhà đầu cơ đã tăng vị thế mua với bạc thêm 1.470 hợp đồng lên 12.106 hợp đồng trong tuần qua. Vị thế mua ở vàng tăng thêm 11.157 hợp đồng lên 138.846 - nhiều nhất kể từ cuối tháng 9.
Vị thế mua với dầu thô tăng 15% lên 197.280 hợp đồng – cao nhất kể từ cuối tháng 5.
Với đồng, nhà đầu tư vẫn duy trì trạng thái bán, nhưng lượng bán ra giảm tới gần 40% so với tuần trước đó, chỉ còn 5.023 hợp đồng.
Đầu tư vào 11 mặt hàng nông sản tăng 7,2% lên 506.947 hợp đồng – tuần tăng thứ hai liên tiếp, trong đó ca cao, đường và thịt đều được mua, vị thế bán lúa mì giảm sút. Nhà đầu cơ đặc biệt mua mạnh đối với cà phê, gấp đôi so với tuần trước đó lên 10.768 hợp đồng, bất chấp giá giảm 4% trong tuần.
Theo dữ liệu của EPFR Global, hãng theo dõi hoạt động của các quỹ đầu cơ, trong tuần đến 26/10, đã có 423 triệu USD chảy vào thị trường hàng hóa, trước khi châu Âu thông báo về biện pháp giải quyết khủng hoảng nợ. Dự đoán trong tuần làm việc tiếp theo, dòng tiền sẽ đổ vào nhiều hơn nữa.
Nguyễn Hằng
Theo TTVN