Để làm con đường dài gần 4 km nối từ thôn đến trung tâm xã, chàng thanh niên người Dao, Bàn Văn Trị phải đem cầm sổ đỏ vay tiền ngân hàng, bán thêm 2 con trâu và 18 con lợn thuê máy ủi, san đất làm đường.
Để làm con đường dài gần 4 km nối từ thôn đến trung tâm xã, chàng thanh niên người Dao, Bàn Văn Trị phải đem cầm sổ đỏ vay tiền ngân hàng, bán thêm 2 con trâu và 18 con lợn thuê máy ủi, san đất làm đường.
Thôn Phiêng Tạc vẫn còn hoang sơ, từ trung tâm xã Nhạn Môn (H.Pắc Nặm, Bắc Kạn) đến Phiêng Tạc chỉ có cách đi bộ theo lối mòn nhỏ hẹp men theo triền đồi. Không có đường, nông sản thường xuyên bị tư thương rủ nhau cố tình làm giá, cả xã Nhạn Môn chỉ có duy dất một điểm họp chợ, lại nằm mãi dưới khu trung tâm, đường đi lại khó khăn khiến nông sản ở Phiêng Tạc không có thị trường tiêu thụ. “Khổ nhất là khi trúng mùa, tư thương vào thu mua tại chỗ nhưng cò kè bớt giá. Rau quả đến ngày thu hoạch, dù biết bị ép giá nhưng vẫn phải bán”, anh Trị kể lại. Chứng kiến nông sản bị làm giá, thấp hơn nhiều so với ở chợ, Trị tức đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên.
Bàn Văn Trị trên con đường tự bỏ tiền thuê máy san ủi - Ảnh: M.Huân
Khoảng cách từ Phiêng Tạc đến khu trung tâm xã dài gần 4 km, gia đình Trị thoát nghèo cách đây chưa lâu nên chuyện mở đường tưởng chừng là giấc mơ không có thật. Quyết tâm làm đường, Bàn Văn Trị thuyết phục vợ, mang sổ đỏ của mảnh đất gần trung tâm xã thế chấp vay tiền ngân hàng. Cộng thêm số tiền bán 2 con trâu và 18 con lợn, Trị cầm trong tay ngót 80 triệu đồng để làm việc lớn. Có tiền, anh tìm thuê máy ủi đất. Khởi công đầu tháng 7 năm ngoái, chỉ sau gần 2 tháng làm việc liên tục, con đường đất đã được hoàn thành trong niềm vui vô bờ của người dân thôn Phiêng Tạc. Dành toàn bộ số tiền thuê máy ủi, vợ chồng Trị phải bỏ việc đồng áng, chấp nhận lỡ vụ cấy để tham gia làm đường.
Có đường mới, người dân không còn phải đi bộ trên lối mòn. Xe máy có thể chạy đến từng nhà trong thôn. Nông sản làm ra không còn cảnh bị tư thương làm giá. Còn với vợ chồng anh Trị, ngoài tổn thất đàn gia súc, số tiền 35 triệu đồng vay ngân hàng vẫn lơ lửng trên đầu. Không quá bận tâm về món nợ này, Trị chia sẻ rất chân tình mộc mạc, chẳng riêng gì Phiêng Tạc, nhiều vùng đất còn khó khăn hơn nhiều. Mình cũng không thể cứ mãi trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, mà phải tự tìm cách tháo gỡ khó khăn. “Chẳng đáng lo đâu, mình phải nghĩ tới chuyện phía trước, bởi từ khi có đường rộng, công việc chăn nuôi sản xuất đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Mình cũng đang nuôi thêm trâu bò để sớm có tiền trả ngân hàng”, Trị nói.
Điều mà Trị băn khoăn nhất, đó là ở thôn Phiêng Tạc vẫn còn khoảng 10 ha đất có thể khai hoang thành ruộng 2 vụ nhưng lại đang thiếu tiền mua ống dẫn nước. Dân bản còn nghèo, gia đình Trị cũng dốc sạch tiền để làm đường. Trị dự tính, sau khi trả nợ ngân hàng sẽ đầu tư mua đường ống dẫn nước, giúp bà con khai khoang số đất này. Nhưng trước hết, với con đường đất gần 4 km làm từ số tiền mồ hôi, công sức của chính mình, Bàn Văn Trị đã giúp người dân ổn định đời sống, yên tâm gắn bó với vùng đất mới và diện mạo thôn Phiêng Tạc đang thay da đổi thịt từng ngày.
Theo Thanhnien