Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TP HCM để khép kín 3 đoạn còn lại của đường vành đai 2, cần khoảng 15.000 tỉ đồng.
Sơ đồ đường vành đai 2, TP HCM
Hiện nay 3 đoạn chưa được đầu tư gồm đoạn từ nút giao An Lạc đến Nguyễn Văn Linh; từ cầu Phú Hữu đến ngã tư Bình Thái; đoạn cuối cùng từ Bình Thái đến ngã tư Gò Dưa.
Theo Sở GTVT TP HCM, hiện tại đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến nút giao Bình Thái (quận Thủ Đức), bao gồm nút giao thông Bình Thái đã có nhà đầu tư đề xuất. Đoạn này có chiều dài 3,82 km, mặt cắt ngang 67 mét, tổng mức đầu tư 5.732 tỉ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.100 tỉ đồng. Hiện tại, nhà đầu tư đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi theo ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan.
Còn đoạn từ nút giao Bình Thái đến Gò Dưa, một phần của đoạn này từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,7 km đã được động thổ từ cuối năm 2015.
Phần còn lại từ đường Phạm Văn Đồng đến Bình Thái đã được phê duyệt kế hoạch đầu tư từ cuối năm 2016 với chiều dài 1,9 km, chiều rộng 67 mét. Tổng mức đầu tư cho phần xây dựng khoảng 1.052 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 842 tỉ đồng (được tách thành dự án riêng). Hiện tại, nhà đầu tư đã nộp hồ sơ báo cáo đầu tư, Sở GTVT đang tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành liên quan trước khi phê duyệt dự án.
Riêng đoạn từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh hiện chưa có nhà đầu tư.
Theo tính toán của Sở GTVT, để khép kín tất cả các đoạn còn lại của đường vành đai cần số vốn ước tính lên đến 15.000 tỉ đồng.
Các đoạn còn lại của đường vành đai 2 thuộc danh mục công trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 đã được Hội đồng nhân dân TP HCM phê duyệt kế hoạch phải khép kín từ nay đến năm 2020.
Vì thế, hồi giữa tháng 9-2017, chính quyền TP HCM đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho TP HCM chỉ định thầu đối với 3 đoạn của đường vành đai 2 để kịp tiến độ.
Theo Sở GTVT TP HCM để đảm bảo tiến độ thực hiện và nhu cầu khai thác, trong giai đoạn 1 chỉ đầu tư chiều rộng đường khoảng 10 mét thay vì mở rộng 67 mét. Phần quỹ đất ở giữa rộng khoảng 33 mét sẽ được dự trữ để tiếp tục mở rộng trong giai đoạn 2.
Theo quy hoạch, đường vành đai 2 có tổng chiều dài khoảng 70 km bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh đi qua cầu Phú Mỹ nối vào đường vành đai phía đông ra đến ngã tư Bình Thái (Xa lộ Hà Nội), sau đó băng thẳng đến ngã tư Gò Dưa, nối vào Quốc lộ 1, đi qua nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để khép vào đường Nguyễn Văn Linh tạo thành một vòng vành đai bao bọc quanh khu vực nội đô thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay một số đoạn của đường vành đai 2 chưa được xây dựng nên tuyến đường này vẫn bị khuyết một số đoạn. Sau khi hoàn thành một số đoạn còn lại của đường vành đai 2 thì xe vận tải hàng hóa ra vào các cảng, đi từ các tỉnh miền Đông sang miền Tây không còn phải chạy xuyên qua khu vực nội thành.
Lê Anh
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn