Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Cấp sổ đỏ cho BĐS du lịch – Giải pháp cấp thiết để khơi thông thị trường

Sau khoảng thời gian phát triển bùng nổ, đầu tư BĐS du lịch - nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại, thậm chí là “đóng băng”. Theo các chuyên gia, ngoài tác động bởi đại dịch Covid – 19, hệ thống chính sách pháp luật chưa đầy đủ, sự thực thi thiếu nhất quán của chính quyền địa phương đã và đang tạo ra những hệ lụy lớn đối với các nhà đầu tư và khách hàng, làm giảm đi cơ hội tăng trưởng bứt tốc của những vùng đất tiềm năng.

Chia sẻ tại tọa đàm “Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam” do Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) mới đây vừa tổ chức, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng, thực tế hiện nay, nhà đầu tư có thể mua bất động sản nghỉ dưỡng. Nhưng sau đó muốn sang tên, chuyển nhượng, thế chấp ngân hàng… còn gặp nhiều vấn đề vướng mắc.

Hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch đang chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp lý áp dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản, cho du lịch và các quy định liên quan khác. Từ đó dẫn tới sự thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, không chỉ gây khó khăn, phức tạp trong thực thi đối với cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn nhà đầu tư mà còn gây rủi ro cho phía tổ chức tín dụng trong quá trình tài trợ vốn, xử lý nợ xấu liên quan.

Picture 2
“Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn thì hàng loạt dự án sẽ được khơi thông tương đương với hàng chục nghìn tỷ đồng - một nguồn lực lớn phục vụ phát triển kinh tế xã hội cũng sẽ được khơi thông”, TS Cấn Văn Lực nhận định.

Trong khi đó, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết, BĐS nghỉ dưỡng ở nước ta phát triển khoảng từ năm 2014. Nhưng đến nay giữa 3 bộ: Xây dựng (quản lý nhà ở), VH-TT-DL (du lịch, cơ sở lưu trú) với Bộ TN-MT (quản lý đất đai) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để có thể đưa ra khung pháp lý cho loại hình bất động sản này.

“Chúng ta vẫn đang loanh quanh trong câu chuyện "đã là đất phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, thương mại thì không thể cấp quyền sử dụng lâu dài", mà phải là đất ở. Dẫn đến, địa phương muốn thu hút đầu tư mạnh vào bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trước đây phải dùng thuật ngữ "đất ở không hình thành đơn vị ở" để có thể cấp sổ đỏ cho các sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng trên đất ở nông thôn, với điều kiện không hình thành đơn vị ở” – Ông Võ nói.

Theo GS Đặng Hùng Võ, cần cân nhắc sửa đổi luật Đất đai 2013 theo hướng cho phép người cần đất được lựa chọn giữa hai hình thức mua lâu dài quyền tài sản đất đai hoặc thuê đất với mọi loại đất. Nếu mua quyền tài sản đất đai lâu dài sẽ phải chịu thuế tài sản với tỷ suất cao, thuê quyền sử dụng đất có thời hạn thì chỉ phải chi trả tiền thuê đất cho nhà nước. Không nên dựa vào mục đích sử dụng đất để quy định đất đó là dài hạn hay ngắn hạn. Nếu cho các bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được sử dụng đất lâu dài thì đây chính là sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Picture 1
Nhiều nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng tại Bãi Dài – Cam Ranh đang “mắc kẹt” ngóng cấp “sổ đỏ” cho biệt thự nghỉ dưỡng xây dựng trên “đất ở không hình thành đơn vị ở”

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc huy động vốn của các chủ đầu tư từ các nhà đầu tư thứ cấp hoàn toàn hợp pháp theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Xét về bản chất, cái gốc của condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng, du lịch… là đầu tư tài chính. Do đó, trong ngắn hạn, cần cấp thiết nghiên cứu, ban hành những quy định đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư thứ cấp khi tham gia góp vốn vào các dự án BĐS du lịch, tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư khi bỏ ra một nguồn tiền lớn. Việc kịp thời và chủ động hoàn thiện các căn cứ pháp lý điều chỉnh theo hướng có các quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn, góp phần quản lý, khai thác và phát triển tốt nhất loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn đầu tư trong phân khúc này.

Về vấn đề “sổ đỏ” cho các BĐS du lịch hình thành trên “đất ở không hình thành đơn vị ở”, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND Khánh Hòa cho biết: Trước những vướng mắc liên quan tới các dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất lâu dài, tỉnh Khánh Hòa sẽ chia dự án thành 2 nhóm để gỡ vướng. Đối với các dự án chưa triển khai xây dựng, tỉnh Khánh Hòa thống nhất chuyển hết sang cấp phép đất dịch vụ thương mại để triển khai dự án. Với các dự án đã đầu tư, đang triển khai xây dựng, UBND đã và đang trình Chính phủ cho cấp phép dự án theo dạng đất ở nông thôn, sở hữu lâu dài để tiếp tục phát triển dự án.

Ở quy mô quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây thông báo sẽ xây dựng dự thảo Nghị định, sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Trong đó, dự thảo nghị định hướng dẫn Luật đất đai lần này sẽ bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Bà Hoàng Thị Vân Anh, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Đất đai cho biết: Sau khi được cấp sổ đỏ, chủ sở hữu các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng được chuyển quyền sở hữu, thực hiện các giao dịch mua bán, sang tên bình thường như các giao dịch loại hình bất động sản nhà ở.

Nếu quy định này được thông qua, hàng trăm dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc sẽ được gỡ vướng về mặt pháp lý.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: